Bóng đá Nam Tư và nuối tiếc lịch sử
Một thế hệ với hàng loạt cá nhân vĩ đại của bóng đá Nam Tư đã không thể gắn bó với nhau và cùng cống hiến cho chỉ một màu cờ sắc áo.
Năm 1991, Red Star Belgrade tạo nên lịch sử khi giành chức vô địch cúp C1 châu Âu sau khi đánh bại Olympique Marseille hùng mạnh trong trận chung kết với những tên tuổi sau này trở thành tượng đài của bóng đá thế giới như Dejan Savicevic, Darko Pancev, Sinisa Mihajlovic...
Với lực lượng ngày đó, thật khó tin rằng ĐT Nam Tư không tạo ra bất kỳ dấu ấn nào trong giai đoạn 1991-1995. Sự khắc nghiệt của những xung đột tại bán đảo Balkan đã hủy hoại đi một thế hệ huyền thoại của bóng đá thế giới.
Mùa hè lịch sử
VCK U20 thế giới được tổ chức tại Chile vào năm 1987 là giải đấu mà cả thế giới buộc phải nhìn nhận Nam Tư dưới một con mắt khác. Davor Suker, Robert Prosinecki, Zvonimir Boban là một vài cái tên đáng chú ý của đội U20 Nam Tư khi ấy. Tuy nhiên, tại thời điểm giải đấu diễn ra, tất cả đều chưa có tiếng tăm gì.
Cố nhà báo Toma Mihajlovic là phóng viên duy nhất theo chân ĐT U20 tới Chile vào những ngày hè năm đó.
“Chẳng ai có hy vọng vào đội bóng. Tôi nghĩ họ sẽ chơi ba trận vòng bảng rồi bị loại. Nhưng tất cả đã thay đổi khi tới Chile. Đó là một đất nước tươi đẹp, những khách sạn lớn, và rất nhiều cô gái xinh ngoài đường phố”, ông nói với Guardian.
LĐBĐ Nam Tư (FSJ) khi đó đã quyết định để những ngôi sao lớn là Sinisa Mihajlovic, Vladimir Jugovic và Alen Boksic ở nhà. Họ tin rằng việc thi đấu tại giải VĐQG Nam Tư sẽ mang tới nhiều kinh nghiệm cho cầu thủ hơn là tới tận Nam Mỹ xa xôi.
Chính bản thân FSJ cũng không đặt hy vọng gì nhiều vào lứa U20 này. Song tất cả đã lầm.
U20 Nam Tư thắng trận mở màn 4-2 trước đội chủ nhà Chile để rồi nhận ra thực tế: nếu thắng nốt hai trận còn lại, họ sẽ được ở lại Chile lâu thêm nữa thay vì phải về Nam Tư đầy khó khăn và lạc hậu.
Đội bóng của những Davor Suker, Robert Prosinecki, Predrag Mijatovic đá chết bỏ thắng nốt hai trận còn lại của vòng bảng trước Úc và Togo.
Vòng knock-out bắt đầu đầy khó khăn với U20 Nam Tư khi Prosinecki, người chơi nổi bật nhất của đội bóng ở vòng bảng, bị CLB chủ quản Red Star Belgrade gọi trở về đá cúp Châu Âu với Club Brugge.
Prosinecki buộc phải nhờ sự trợ giúp của Chủ tịch FIFA khi đó, Joao Havelange, mới có thể ở lại Chile. Đáp lại, Prosinecki sút phạt trực tiếp tung lưới Brazil ở tứ kết vào phút 89, đưa Nam Tư bước vào vòng bán kết gặp Đông Đức của Matthias Sammer.
Cơn địa chấn một lần nữa ghi tên những chàng trai Balkan khi Nam Tư vượt qua Đông Đức bằng bàn thắng đúng phút 89 của Davor Suker để trở thành hiện tượng lớn nhất của giải đấu.
Trận chung kết mới thử thách lớn thực sự khi đối thủ là Tây Đức hùng mạnh. U20 Nam Tư gặp tổn thất nghiêm trọng khi hai con át chủ bài trên hàng công Nam Tư là Mijatovic và Prosinecki đều không thể thi đấu vì nhận đủ thẻ phạt.
Song Nam Tư vẫn còn Zvonimir Boban. Tiền vệ mới 19 tuổi khi ấy đã sút tung lưới Tây Đức đưa những chàng trai Balkan vươn lên dẫn trước khi trận đấu chỉ còn 5 phút.
Dù vua phá lưới Marcel Witeczek đã gỡ hòa chỉ hai phút sau đó để kéo trận đấu tới loạt đấu súng. Nhưng định mệnh đã đưa Nam Tư lên ngôi khi chính Witeczek sút trượt luân lưu.
Cả đội Nam Tư ở lại Chile ăn chơi nhảy múa hai ngày sau khi vô địch. Tất cả tổ chức sinh nhật cho Robert Jarni, hàn lại răng cho Dubravko Pavlicic. Đó là thứ không khí thực sự hòa đồng, vui vẻ, không chút mâu thuẫn của những cậu bé chưa tới tuổi 20.
"Khi trở về Nam Tư sau 3 tuần của giải đấu, toàn bộ cầu thủ đều đã khóc", Toma Mihajlovic khẳng định.
Phần lớn đều không hiểu đó gần như là lần cuối cùng mà tất cả còn có thể chơi cùng nhau dưới màu áo Liên Bang Nam Tư.
"Nghiền nát cả thế giới"
Tháng 3/1991, chiến tranh Nam Tư bùng nổ. ĐT Nam Tư cực mạnh ngày ấy với nòng cốt là thế hệ lên ngôi tại VCK U20 thế giới 1987 cùng những ngôi sao lớn của bóng đá thế giới như Dragan Stojkovic, Dejan Savicevic, Darko Pancev... bị ảnh hưởng nặng nề.
10 ngày trước khi EURO 1992 khởi tranh, FIFA ra quyết định cấm Nam Tư dự giải. Suất tham dự rơi vào tay Đan Mạch, đội sau đó đi thẳng đến chức vô địch.
Tại Vòng loại World Cup 1994, Nam Tư được chia vào bảng 5 nhưng FIFA vẫn xác nhận cấm tham dự đội tuyển này. Dĩ nhiên, Nam Tư không thể tham dự giải đấu và những ngôi sao lớn của bóng đá nước này như Savicevic, Stojkovic chấp nhận đứng ngoài cuộc tại sân chơi World Cup.
Croatia là một trong số các quốc gia mới được thành lập sau khi Liên bang Nam Tư tan rã. Hơn 1 năm sau ngày tuyên bố độc lập, Croatia gia nhập FIFA. Tuy nhiên, phải đợi đến tháng 6/1993, Croatia mới được xác nhận là thành viên của LĐBĐ châu Âu (UEFA). Khi ấy, đã quá muộn để Croatia có thể tham dự vòng loại World Cup 1994.
Giải đấu lớn đầu tiên Croatia tham dự sau khi độc lập là EURO 1996. Họ ngay lập tức tạo nên bất ngờ và chứng minh tiềm lực vô hạn của bóng đá Nam Tư cũ khi lọt vào tới tứ kết và chỉ chấp nhận thất bại trước nhà vô địch sau đó, ĐT Đức.
Với thế hệ vô địch U20 World Cup 1987 như Robert Prosinecki, Davor Suker và Zvonimir Boban, Croatia thực sự là người khổng lồ trong bóng tối. World Cup 1998, Croatia giành huy chương đồng sau khi đánh bại cả Hà Lan lẫn Đức ở vòng knock-out, trực tiếp viết nên câu chuyện cổ tích lãng mạn bậc nhất ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Tất cả đều hiểu Croatia nói riêng hay bóng đá Nam Tư nói chung mạnh, nhưng xuất sắc như ĐT Croatia tại World Cup 1998 là điều hiếm ai dám nghĩ tới.
Croatia thực tế không phải mảnh ghép duy nhất của Liên bang Nam Tư hùng mạnh một thời tại World Cup 1998. Chính ĐT Nam Tư cũng có mặt tại mùa hè nước Pháp với đội hình cực mạnh.
Bên cạnh những ngôi sao lớn như Stojkovic hay Savicevic, ĐT Nam Tư còn có Dejan Stankovic, Sinisa Mihajlovic, Predrag Mijatovic hay Savo Milosevic. Minh chứng cho sức mạnh của ĐT Nam Tư là họ đứng nhì bảng, bằng điểm với Đức sau trận hòa 2-2 với nhà vô địch EURO 1996 ở vòng bảng.
Không như Croatia, ĐT Nam Tư "chỉ" dừng bước tại vòng 1/8 sau thất bại sát nút 1-2 trước Hà Lan. Dẫu vậy, những dấu ấn lớn mà Croatia và Nam Tư để lại tại World Cup 1998 cho thấy nếu đội tuyển của Liên bang Nam Tư còn hiện diện, họ đủ hùng mạnh để cạnh tranh sòng phẳng với những thế lực như Brazil, Pháp, Italy hay Argentina.
Năm 2007, Srecko Katanec, tượng đài của bóng đá Nam Tư chia sẻ như sau với cây bút Jonathan Wilson của Guardian về chân dung ĐT Nam Tư trọn vẹn nếu không bị tan đàn xẻ nghé:
"Khi ấy, chúng tôi sẽ nghiền nát cả thế giới".
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bong-da-nam-tu-va-nuoi-tiec-lich-su-post1076296.html