Bóng đá Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đã bước lên một đẳng cấp mới
Nhật Bản, Hàn Quốc - hai nền bóng đá hàng châu Á đã chuẩn bị và đang bước lên đẳng cấp thế giới. Trong khi đó, Thái Lan - nền bóng đá hàng đầu Đông Nam Á đang dần bước lên đẳng cấp châu Á.
Bóng đá Hàn Quốc có thành tích tốt nhất châu Á khi từng vào bán kết Wolrd Cup 2002, 2 lần vào vòng 2 trong 10 lần liên tiếp có mặt ở VCK World Cup (1986 đến 2022). Thành tích bóng đá Nhật Bản tuy không bằng Hàn Quốc khi 4 lần vào vòng 2 trong 7 lần liên tiếp tham dự VCK World Cup (1998-2022). Tuy nhiên, đội tuyển bóng đá Nhật Bản đã gây ấn tượng mạnh mẽ hơn hẳn Hàn Quốc tại 2 kỳ World Cup gần nhất: 2018, 2022.
Nhật Bản, Hàn Quốc: Đường dài 40 năm
Để vươn tầm thế giới, không có con đường nào khác là phải “đi học nước ngoài”. Với bóng đá Nhật Bản là Kazuyoshi Miura đi học rồi thi đấu ở Brazil những năm 1980, sau đó qua Ý đá cho Genoa vào thập niên 1990; còn Hàn Quốc là Cha Bum Kun qua Đức thi đấu vào thập niên 1980. Sau này là những cầu thủ Nhật Bản, Hàn Quốc thành danh ở châu Âu như Hidetoshi Nakata và Seo Jung Won của thập niên 1990; rồi Shinji Onoo, Nakamura, đặc biệt là Park Ji Sung và Lee Young Pyo của những năm 2000.
Chính những thế hệ đi trước đã mở ra con đường rộng hơn, tươi sáng hơn cho thế hệ sau tiếp bước. Đặc biệt thế hệ trước đã để lại những nỗ lực cùng kinh nghiệm của một cầu thủ châu Á khi thi đấu ở châu Âu là phải vượt qua rào cản ngôn ngữ, sự khác biệt văn hóa; là phải nỗ lực gấp nhiều lần so với cầu thủ Nam Mỹ và châu Phi vì quy định hạn chế ngoại binh.
Với nền tảng đó đã giúp Shinji Kagawa, Keisuke Honda, Takashi Inui, Shinji Okazaki, Ki Sung Yeung và Son Heung-min được các đội châu Âu săn đón trong thập niên 2010.
Tỏa sáng trời Âu
Chưa bao giờ các cầu thủ Nhật Bản, Hàn Quốc lại đồng loạt tỏa sáng trên bầu trời bóng đá châu Âu như hiện nay. Tiền đạo Hàn Quốc Son Heung Min trong màu áo Tottenham không chỉ là cầu thủ châu Á đầu tiên trong lịch sử giành được danh hiệu Chiếc giày vàng giải Ngoại hạng Anh, mà Son cũng vừa chạm mốc 100 bàn thắng tại Premier League. Kaoru Mitoma là cầu thủ Nhật Bản trưởng thành từ môi trường bóng đá sinh viên thi đấu rất thành công cho Brighton ở Premier League. Trong khi Takefusa Kubo trở thành cầu thủ Nhật đầu tiên ghi 6 bàn ở giải La Liga (Tây Ban Nha).
Trong khi đó, hậu vệ Takehiro Tomiyasu có thể trở thành cầu thủ Nhật Bản đầu tiên vô địch Premier League nếu Arsenal đăng quang mùa bóng 2023 này. Không thua sút láng giềng, Kim Min Jae gần như sẽ là cầu thủ Hàn Quốc đầu tiên vô địch Serie A (Ý) khi anh đang khoác áo Napoli - đội bóng đang dẫn đầu giải vô địch Ý. Napoli hiện đang hơn đội thứ nhì Lazio đến 13 điểm cộng với lợi thế thi đấu ít hơn Lazio 1 trận, trong khi Serie A chỉ còn 9 vòng đấu.
Tại Đức, Freiburg tạo cú sốc khi loại Bayern Munich ở tứ kết Cúp quốc gia. Việc Bayern lẫn Dortmund bị loại khỏi giải, Freiburg có quyền mơ về chức vô địch cùng với Ritsu Doan (Nhật Bản) và Jeong Woo Yeong (Hàn Quốc). Đó là chưa kể Daichi Kamada và Makoto Hasebe (Nhật Bản) đã vô địch Europa League và Cúp quốc gia Đức với Frankfurt, và Kamada dự kiến sẽ đầu quân cho Borussia Dortmund mùa sau.
Bóng đá Nhật Bản còn trở thành hiện tượng khi có đến 5 cầu thủ trong đội hình Câu lạc bộ Celtic, đương kim vô địch Scotland. Nổi bật là bộ ba tấn công Kyogo Furuhashi, Daizen Maeda và Reo Hatate; trong đó Furuhashi là tay săn bàn hàng đầu của giải vô địch Scotland với 22 bàn.
Tại Ligue 1 (Pháp), trong màu áo Reims đang xếp hạng 8/20, tuyển thủ Nhật Bản Junya Ito luôn đá chính và có 5 bàn thắng cùng 6 đường chuyền thành bàn.
Giờ đây truyền thông châu Âu không còn đánh giá thấp hay gọi các cầu thủ Nhật Bản, Hàn Quốc là cầu thủ châu Á nữa. Tất cả đã có cái nhìn khác cùng sự nể trọng khi Son Heung-min đã là biểu tượng, Kim Min Jae cùng Mitoma đang thành công ở Premier League, Serie A.
Thế giới bóng đá đang chờ một siêu sao từ Nhật Bản, Hàn Quốc trong các đội bóng lớn Real Madrid, Barcelona, Manchester City, Manchester United, Bayern Munich.
Thái Lan chờ đợi thần đồng Suphanat Mueanta bứt phá
Suphanat, tiền đạo Thái Lan sinh năm 2002 đã ký hợp đồng với Leicester City mùa tới và sẽ được cho CLB Oud-Heverlee Leuven (Bỉ) để tích lũy kinh nghiệm, đồng thời có đủ điều kiện xin giấy phép lao động tại Anh.
Năm 16 tuổi, Suphanat đã thi đấu tại AFC Champions League. Mùa 2022-2023, Suphanat đã ghi 8 bàn cùng 9 pha kiến tạo cho Burinam United, CLB hàng đầu của Thai-League. Ở đội tuyển quốc gia Thái Lan, Supahnat cũng ghi 4 bàn sau 12 trận.
Rõ ràng, tuy chủ Leicester City là người Thái Lan, nhưng việc Leicester City ký hợp đồng với Suphanat là lý do chuyên môn chứ không vì bất kỳ nguyên nhân nào khác.
Trước Suphanat, bóng đá Thái Lan cũng đã xuất khẩu cầu thủ thành công ở Bỉ, đặc biệt là ở Nhật, trong đó nổi bật hơn cả là Theerathon Bunmathan và Chanathip.
Sau khi các cầu thủ Thái Lan trưởng thành và khẳng định mình tại Thai-League, họ bắt đầu chinh phục ở J-League và K-League. Giờ đây họ tiến thêm một bước là chinh phục giải châu Âu qua Suphanat mở đường ở Premier League.
***
Bóng đá Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan tuy có những sự khác biệt, nhưng họ có chung chiến lược và con đường đi, đó là xây dựng được thương hiệu cùng uy tín cho giải vô địch quốc gia. Sau đó, các cầu thủ xuất ngoại đến các nền bóng đá chất lượng cao hơn họ. Chính những nền tảng này là bệ phóng để hai đội tuyển Nhật Bản, Hàn Quốc, sau khi ngự trị trên cao ở châu Á, có thể tấn công vào đỉnh cao thế giới. Còn Thái Lan sau khi khẳng định vị thế ở Đông Nam Á, họ đã tấn công vào đỉnh cao châu Á.
Nhìn từng bước đi vươn mình lên cao trong thế giới bóng đá của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam không còn con đường nào khác là phải tạo dựng được V-League vững mạnh, uy tín. Từ đó, môi trường này mới đủ sức đào tạo và trang bị hành trang cho các cầu thủ Việt Nam có thể chinh phục ở Thai-League, khi đó hãy nghĩ đến K-League, J-League.
Bóng đá Việt Nam cần làm tốt, làm những điều cần phải làm này rồi hãy mơ đến tấm vé có mặt ở VCK World Cup…