Bóng đá nữ: Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Bóng đá nữ Việt Nam đang trên đường khẳng định mình, tiến tới con đường chuyên nghiệp, hành động bỏ đấu của PPNH thực sự là hình ảnh xấu xí của bóng đá, đặc biệt là bóng đá nữ. Hành động như

Câu chuyện các cầu thủ nữ Phong Phú Hà Nam (PPHN) bỏ trận đấu tối qua (6-10) để phản ứng quyết định trọng tài, dù chưa biết ai đúng ai sai nhưng đã tái hiện một hình ảnh xấu của bóng đá Việt Nam.

Trong cuộc đọ sức với TP Hồ Chí Minh I, vòng 5 Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia – Cúp Thái Sơn Bắc 2020, tình huống gây cãi xảy ra ở phút 89, khi các cầu thủ TP Hồ Chí Minh I được hưởng phạt góc bên cánh phải, bóng được treo vào vòng cấm, thủ môn PPHN đẩy bóng ra.

Trong pha bóng này, Thùy Trang (số 14, TP Hồ Chí Minh I) nỗ lực nhảy lên đánh đầu trong vòng cấm và Lan Anh (số 11, PPHN) đã có tác động từ phía sau đối với Thùy Trang và trọng tài chính Trần Thị Thanh ở ngay gần, có góc quan sát thuận lợi đã quyết định thổi phạt đền đối với PPHN. Lập tức các cầu thủ PPHN đã phản ứng quyết định của trọng tài bằng cách rời khỏi sân, bỏ dở trận đấu.

Trận đấu giữa TP Hồ Chí Minh I và Phong Phú Hà Nam diễn ra khá quyết liệt, hai đội đang hòa với tỉ số 1-1.

Trận đấu bị gián đoạn khoảng 30 phút và không có hướng giải quyết. Trọng tài, ban tổ chức, đại diện Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã thuyết phục, nhưng CLB nữ PPHN đã không trở lại thi đấu. Bất đắc dĩ, trọng tài phải thổi còi kết thúc trận đấu, đồng nghĩa với việc PPHN bị xử thua.

Theo Luật Thi đấu bóng đá của FIFA thì trọng tài là người thực thi Luật bóng đá để điều khiển trận đấu đã được giao, là người đưa ra quyết định cuối cùng về một tình huống nào đó mà không thể thay đổi hay phản đối được. Như vậy, việc các cầu thủ “dỗi” trọng tài, tự quyết định không thi đấu là không thể chấp nhận được. Nó thể hiện thái độ hành xử thiếu chuyên nghiệp của các cầu thủ.

Đây thực sự là một sự cố vô cùng đáng tiếc của bóng đá nữ Việt Nam. Điều đáng tiếc hơn là ban huấn luyện đội bóng, mà đại diện là HLV trưởng Nguyễn Thế Cường cũng có cách hành xử thiếu chuyên nghiệp, không những không động viên học trò quay trở lại trận đấu, mà còn không ký biên bản kết thúc trận đấu và cho rằng phản ứng của cầu thủ là do công tác trọng tài.

Có người rộng lượng chắc hẳn sẽ nghĩ các cầu thủ nữ nhiều em còn trẻ, nên chưa ý thức được hết vấn đề. Tuy nhiên, nếu nhìn lại đội hình của PPHN thì có không ít gương mặt ở trong Đội tuyển Quốc gia, đã từng thi đấu quốc tế, với nhiều kinh nghiệm. Thiết nghĩ, bên cạnh công tác phát triển bóng đá nữ, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo, giáo dục cách ứng xử, văn hóa đối với cầu thủ. Điều này hầu như bao năm qua, bóng đá nữ vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Theo Điều 62 của Quy định về Kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) về việc làm gián đoạn trận đấu, người nào có hành vi cố tình làm cho trận đấu tạm thời bị gián đoạn có thể bị đình chỉ thi đấu, đình chỉ làm nhiệm vụ ít nhất 2 trận và bị phạt tiền tối thiểu 5 triệu đồng. Đội bóng có các vi phạm làm cho trận đấu tạm thời gián đoạn thì bị phạt tiền tối thiểu 15 triệu đồng; Huấn luyện viên trưởng, đội trưởng của đội bóng vi phạm sẽ bị kỷ luật như tại khoản 1 Điều này nếu không xác định được người nào là chủ mưu. Trường hợp trận đấu không tiếp tục được, đội bóng có vi phạm sẽ bị xử thua 0-3 trận đấu đó (nếu kết quả trận đấu mà đội đó thua nhiều hơn thì giữ nguyên tỷ số). Vi phạm nghiêm trọng hơn có thể bị loại khỏi giải và chuyển xuống thi đấu ở giải hạng Ba Quốc gia từ mùa giải sau và bị phạt tiền tối thiểu 50 triệu đồng.

Câu chuyện phản ứng trọng tài, bỏ trận đấu không phải là câu chuyện mới của bóng đá Việt Nam. Nhiều người hẳn còn chưa quên “vết đen” trong lịch sử V-League, tại vòng 6 V-League 2017, các cầu thủ Long An đứng im để đội TP Hồ Chí Minh ghi 3 bàn nhằm phản đối quyết định của trọng tài. Các cầu thủ Long An đã nhận hình thức kỷ luật nghiêm khắc từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và chắc hẳn CLB PPHN sẽ có án phạt thích đáng cho hành động vô tổ chức này.

Bóng đá nữ Việt Nam đang trên đường khẳng định mình, tiến tới con đường chuyên nghiệp, hành động bỏ đấu của PPNH thực sự là hình ảnh xấu xí của bóng đá, đặc biệt là bóng đá nữ. Hành động như “con sâu làm rầu nồi canh”, khiến giải đấu vốn ít khán giả, nay bị chỉ trích, mất uy tín, càng khó kéo khán giả tới sân hơn.

Theo thông tin từ VFF, trong ngày 7-10, ban tổ chức, ban kỷ luật sẽ đưa ra án phạt cụ thể đối với Phong Phú Hà Nam.

Theo qdnd.vn

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5088/202010/bong-da-nu-bao-gio-moi-chuyen-nghiep-2540173/