Bóng đá nữ và những điều trăn trở
Lâu nay chúng ta vẫn nói về việc những cầu thủ nữ Việt Nam chịu thiệt thòi so với các đồng nghiệp nam. Điều đó khá rõ ràng, nhưng do nền bóng đá của chúng ta vẫn còn ở dạng bán chuyên nên sự chênh lệch có thể không lớn đến mức khó tin.
Đơn cử như tiền thưởng liên quan đến thành tích thi đấu thì bóng đá nữ không hề kém, thậm chí nếu tính trên một khoảng thời gian nhất định, tổng tiền thưởng của đội tuyển có khi còn nhiều hơn nhờ sự ổn định về thành tích.
Kể từ khi giành vé dự vòng chung kết World Cup nữ 2023 đến trước giờ lên đường thi đấu, ngoài tiền thưởng, các tuyển thủ nữ còn nhận được những khoản tài trợ và đặc biệt là tiền hỗ trợ của FIFA khi dự World Cup. Các con số này, cũng như mối quan tâm của cả nước dành cho bóng đá nữ, có lẽ đội tuyển nam cũng phải “nằm mơ”. Đó là một thuận lợi của thầy trò HLV Mai Đức Chung, bởi so với nhiều đội tuyển nữ khác trên thế giới, chúng ta vẫn tốt hơn nhiều. Với các đội tuyển châu Phi là vấn đề tiền thưởng, lương bổng; với đội tuyển Canada là kinh phí hỗ trợ nữ cầu thủ tranh tài; còn với đội tuyển Nhật Bản lại là câu chuyện người hâm mộ ủng hộ.
Ví dụ như vừa rồi, đội tuyển nữ Nam Phi đã từ chối ra sân để chơi trận giao hữu với đội bóng láng giềng Botswana, do ban tổ chức đã bố trí sân chỉ có sức chứa 5.000 khán giả, khiến họ cảm thấy bị xem thường. Rốt cuộc, Nam Phi đã đưa đội hình phụ chỉ có 14 cầu thủ đến sân thi đấu.
Còn ở Nhật Bản, các cầu thủ thậm chí phải dùng ảnh hưởng của mình để gây quỹ kiếm tiền “giúp” cho các nhà đài mua bản quyền World Cup nữ 2023. FIFA đợt này làm rất quyết liệt, họ yêu cầu các đài tư nhân phải trả ít nhất 5% tiền bản quyền so với World Cup 2022 của nam, tuy nhiên nếu một số đài châu Âu chỉ đồng ý mức tối đa 3%, thì các nhà đài lớn của Nhật Bản thậm chí còn không sẵn sàng mua bản quyền. Vì vậy, đội tuyển nữ Nhật Bản chưa thể biết rằng CĐV có thể theo dõi họ trên sóng trực tiếp hay không.
Theo truyền thông xứ Mặt trời mọc, do năm nay FIFA tách bản quyền giải đấu ra khỏi gói của World Cup nam, họ bán riêng chứ không bán kèm hoặc coi đây là phần tặng thêm dành cho các đối tác tài trợ như những năm trước, nên các đài truyền hình của Nhật Bản rất dè dặt.
Còn ở Argentina, đất nước vừa có Messi và các đồng đội vô địch World Cup, thì đội trưởng tuyển nữ Aldana Cometti than thở: “World Cup trước, chỉ có một phương tiện truyền thông đến đưa tin về chúng tôi. Nay thì chưa biết có ai không nữa. Nếu chúng tôi không xuất hiện trên truyền hình và các phương tiện truyền thông không đưa tin về bóng đá nữ hoặc đội tuyển nữ Argentina, thì nhiều người sẽ không thể biết được. Nhiều cô gái không thể chọn chơi bóng đá vì họ không nhìn thấy nó và không biết chúng tôi hay các đội bóng nữ có tồn tại”. Ở Argentina, nhiều trận đấu cấp quốc gia của các nữ cầu thủ “có số lượng người xem chưa bằng số cầu thủ xuất hiện trên sân”.
Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp thế giới (FIFPRO) vừa công bố kết quả một bảng báo cáo gây sốc. Hiệp hội này lấy ý kiến từ hàng trăm tuyển thủ quốc gia thuộc 6 liên đoàn bóng đá châu lục sẽ xuất hiện tại World Cup nữ 2023. Chỉ 40% coi mình là cầu thủ chuyên nghiệp, 35% tin rằng họ là nghiệp dư. 66% trong số các cầu thủ được hỏi thừa nhận họ đang làm một lúc nhiều công việc để có tiền trang trải cuộc sống và phải xin nghỉ làm để tham gia các trận đấu cấp đội tuyển quốc gia. 29% số tuyển thủ khi được hỏi cũng khẳng định họ không nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào từ liên đoàn bóng đá nước nhà khi họ phục vụ màu cờ sắc áo đội tuyển, phần lớn trong số này đến từ khu vực Trung Mỹ.
Ngay với Na Uy, một trong những nền bóng đá mạnh nhất châu Âu, các nữ cầu thủ vẫn phải làm việc bán thời gian. Thống kê cho biết, 60% số cầu thủ nữ tại quốc gia này có thu nhập dưới 10.000 USD/năm. Còn ở Pháp, nơi có giải vô địch mạnh nhất của bóng đá nữ cấp CLB và hội tụ nhiều siêu sao bóng đá nữ, thì trung bình mỗi cô gái đá bóng ở hạng cao nhất (Division 1 Féminine) sẽ nhận được 55.000 USD/mùa, chỉ bằng mức lương tuần của một cầu thủ nam tầm trung bình khá. Sam Kerr, nữ cầu thủ được cho là nhận lương cao nhất thế giới, cũng chỉ khoảng 530.000 USD/năm.
FIFPRO cũng đưa ra những con số khác, cho thấy sự thiệt thòi của các cô gái đá bóng. Theo đó, 54% thừa nhận không được chăm sóc y tế trước giải đấu. 70% cho rằng cơ sở vật chất phòng tập không đạt tiêu chuẩn cao cấp và 32% cho rằng sân bãi ở nước nhà chưa đạt tiêu chuẩn.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bong-da-nu-va-nhung-dieu-tran-tro-post696674.html