Bóng đá nữ Việt Nam sau mốc son World Cup 2023-Bài 1: Gắn tương lai vào trái bóng tròn

LTS: Tối 20-8, vòng chung kết bóng đá nữ World Cup 2023 khép lại sau một tháng tranh tài sôi nổi, hấp dẫn tại Australia và New Zealand. Một trong những khoảnh khắc xúc động và tự hào khi lần đầu tiên Quốc kỳ, Quốc ca Việt Nam được kéo lên, ngân vang tại ngày hội bóng đá nữ lớn nhất hành tinh.

Sau mốc son World Cup, bóng đá nữ Việt Nam cần được đầu tư chiến lược ra sao để khai thác giá trị hình ảnh, giải bài toán kinh tế thể thao, rút ngắn khoảng cách trình độ với những nền bóng đá hàng đầu thế giới? Từ thực tế ở các đội bóng, qua những cuộc trao đổi với đội ngũ quản lý, chuyên gia thể thao, vệt bài giúp bạn đọc có thêm những góc nhìn về hiện trạng bóng đá nữ nước nhà, cũng như đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn để bóng đá nữ Việt Nam phát triển vững chắc.

Nhiều tài năng đến với bóng đá nữ vì đam mê, nhưng phần lớn trong số đó gắn với trái bóng tròn bởi mong muốn đổi đời. Xuất thân từ con nhà nông, khát khao kiếm tiền từ bóng đá để bố mẹ đỡ khổ, gia đình bớt một miệng ăn đã tạo động lực giúp các em nỗ lực, bám trụ hết mình với nghề.

Khát vọng đổi đời

9 giờ sáng một ngày trung tuần tháng 8-2023, trời nắng gắt khiến làn da của những cầu thủ, huấn luyện viên (HLV) Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá nữ Hà Nội sạm đi. Dưới mặt cỏ xanh mướt của sân vận động Hà Đông, hơn 100 cầu thủ của 3 tuyến (tuyến 1, tuyến trẻ và tuyến năng khiếu) tích cực hoàn thành giáo án huấn luyện. Sau bài khởi động chạy 5 vòng sân là những bài tập về kỹ, chiến thuật. Ngày nào cũng vậy, bất kể nắng mưa, các cô gái đam mê bóng đá lại cần mẫn ra sân. Vất vả là thế nhưng ai cũng hào hứng, phấn khởi luyện tập, mong có ngày bớt khổ, đổi đời, rồi được đi World Cup như các chị.

Thiệt thòi hơn đám bạn khi ít có điều kiện về thăm quê nhưng cầu thủ Nguyễn Thị Thương (16 tuổi, quê ở Nghệ An) lấy khổ luyện làm động lực để nguôi đi nỗi nhớ nhà. Là con út trong gia đình thuần nông có 5 anh chị em, Nguyễn Thị Thương nuôi đam mê với bóng đá nữ từ năm 12 tuổi. Gia đình còn nhiều thiếu thốn, với số tiền thu nhập ít ỏi 75.000 đồng/ngày, em chỉ dám chi tiêu dè sẻn, còn lại gửi về phụ giúp bố mẹ. Sau bao nỗ lực, mới đây, em được triệu tập vào đội tuyển U.17 quốc gia. Khi được hỏi về ước mơ, giọng của Thương đầy quyết tâm: “Em muốn được thi đấu ở những sân chơi lớn và kiếm tiền từ bóng đá để giúp bố mẹ đỡ khổ”.

 Các cầu thủ trẻ câu lạc bộ bóng đá nữ Hà Nội hào hứng tập thể lực. Ảnh: HOA LƯ

Các cầu thủ trẻ câu lạc bộ bóng đá nữ Hà Nội hào hứng tập thể lực. Ảnh: HOA LƯ

Không riêng Nguyễn Thị Thương, ước muốn đổi đời khi theo bóng đá là suy nghĩ của nhiều cầu thủ, ngay cả với những đàn chị đã trở thành ngôi sao. Dịp này, CLB Bóng đá nữ Hà Nội vinh dự đóng góp 8/23 cầu thủ trong đội hình đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tham dự World Cup 2023, gồm: Đào Thị Kiều Oanh, Hoàng Thị Loan, Trần Thị Hải Linh, Ngân Thị Vạn Sự, Nguyễn Thị Thanh Nhã, Thái Thị Thảo, Phạm Hải Yến, Vũ Thị Hoa. Dù đội tuyển nữ quốc gia khép lại hành trình World Cup 2023 với 3 trận thua, nhưng HLV trưởng CLB Bóng đá nữ Hà Nội Đặng Quốc Tuấn vẫn rất đỗi tự hào.

Ông Tuấn nói: “Xem các cầu thủ thi đấu tại World Cup, tôi không giấu được hạnh phúc bởi các em đã hoàn thành được giấc mơ của cuộc đời. Trong mỗi trận đấu ở New Zealand, chúng tôi thường tổ chức cho vận động viên các tuyến xem truyền hình trực tiếp để lấy hình ảnh các chị ở đội tuyển quốc gia giáo dục tinh thần, lý tưởng và động lực cho cầu thủ trẻ. Nhờ hiệu ứng từ World Cup 2023, tinh thần tập luyện của các cầu thủ Hà Nội quyết tâm và máu lửa hơn. Có lẽ cũng nhờ hiệu ứng đội tuyển nữ Việt Nam tranh tài ở World Cup 2023, nên chúng tôi mới tuyển chọn được một số tài năng trẻ chất lượng”.

Từng trực tiếp tuyển sinh, đào tạo và huấn luyện 8 cầu thủ kể trên trong thành phần đội tuyển nữ quốc gia, chiến lược gia Đặng Quốc Tuấn nhớ nhất trường hợp cầu thủ Vũ Thị Hoa. Theo ông Tuấn, Hoa có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhất đội. Bố mất sớm vì tai nạn, mẹ ở quê cũng không kiếm được công việc ổn định, 14 tuổi, Hoa đã là trụ cột của gia đình. Số tiền ít ỏi từ tiền công tập luyện và tiền thưởng nhờ thành tích, Hoa phần lớn gửi về để mẹ trang trải cuộc sống, chăm lo cho các em.

HLV Đặng Quốc Tuấn cho hay: “Dù gặp nhiều khó khăn, biến cố nhưng Hoa không bao giờ than thân trách phận, lúc nào cũng cố gắng tập luyện. Cái gì chưa làm được thì em tìm mọi cách để hoàn thành. Có lần Hoa bị đau chân, tôi không dám sử dụng thi đấu vì sợ ảnh hưởng chấn thương nhưng Hoa kiên quyết xin tôi được vào sân và trận đấy em đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ý chí, nỗ lực vượt khó của Hoa là tấm gương sáng để các bạn đồng trang lứa và các em ở tuyến dưới noi theo”.

Không những nỗ lực trong tập luyện và thi đấu, nhiều cầu thủ nữ của CLB Bóng đá nữ Hà Nội còn đạt thành tích học tập tốt. Ông Đặng Quốc Tuấn vẫn ấn tượng về Thái Thị Thảo và Đào Thị Kiều Oanh, hai học trò mà ông nói vui là “văn võ song toàn”. Rồi HLV Đặng Quốc Tuấn hào hứng cho tôi xem bức ảnh chụp về bản cam kết mà Đào Thị Kiều Oanh viết khi mới 12 tuổi để xin gia đình được đi học bóng đá. Nội dung bản cam kết có đoạn: “Ngoài giờ học bóng đá, con sẽ chuyên tâm học văn hóa để cuối năm đạt học sinh giỏi hoặc học sinh tiên tiến. Nếu học thử bóng đá một năm mà thành tích học văn hóa đi xuống thì bố mẹ hãy đưa con về”. Quyết tâm theo đuổi đam mê của cô bé mới 12 tuổi Đào Thị Kiều Oanh năm nào đã được đền đáp xứng đáng bằng suất tham dự World Cup 2023 cùng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam.

Bản cam kết do cầu thủ Đào Thị Kiều Oanh viết để xin gia đình theo tập bóng đá nữ. Ảnh: QUỐC TUẤN

Bản cam kết do cầu thủ Đào Thị Kiều Oanh viết để xin gia đình theo tập bóng đá nữ. Ảnh: QUỐC TUẤN

Khó khăn không sờn

Đến CLB Bóng đá nữ Thái Nguyên T&T trong dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, tôi được nghe toàn chuyện vui. Thay vì lời kêu than chuyện cầu thủ bỏ bóng đá đi làm công nhân, lập gia đình hoặc công việc có mức thu nhập tốt hơn như trước đây, HLV trưởng Đoàn Việt Triều cho biết: “Đời sống của các cầu thủ nữ Thái Nguyên cải thiện rất nhiều từ khi có nhà tài trợ”.

Theo ông Đoàn Việt Triều, năm 2019, CLB Bóng đá nữ Thái Nguyên đứng trước nguy cơ giải thể vì khó khăn tài chính. Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và sự đầu tư, tài trợ của Tập đoàn T&T, bóng đá nữ Thái Nguyên đang “thay da đổi thịt”. CLB có hai cầu thủ góp mặt cùng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tham dự World Cup 2023 là Nguyễn Thị Mỹ Anh, Trần Thị Thúy Nga. Nếu như Mỹ Anh là cầu thủ nữ đầu tiên của bóng đá Việt Nam được ký hợp đồng chuyển nhượng với phí “lót tay” 500 triệu đồng thì cầu thủ Thúy Nga do CLB đào tạo và hiện có mức thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng.

Nói về trường hợp của Thúy Nga, giọng của ông Triều chùng xuống. Từng có thời điểm, cầu thủ sinh năm 1991 này chỉ nhận tiền công tập luyện gần 1,5 triệu đồng/tháng. Dù vậy, Thúy Nga vẫn còn được xem là may mắn bởi gia đình em ở gần đội bóng. Do đó, Thúy Nga quyết định về nhà, không ăn uống cùng toàn đội. Trước khi CLB có nhà tài trợ, tính cả tiền công tập luyện lẫn tiền chế độ ăn được lấy về, Thúy Nga cũng chỉ được gần 3 triệu đồng/tháng.

 Biểu đồ thể hiện mức thu nhập trung bình mỗi tháng của cầu thủ tại các câu lạc bộ bóng đá nữ năm 2023. Thực hiện: HƯƠNG GIANG

Biểu đồ thể hiện mức thu nhập trung bình mỗi tháng của cầu thủ tại các câu lạc bộ bóng đá nữ năm 2023. Thực hiện: HƯƠNG GIANG

Nhớ về quãng thời gian khó khăn, gương mặt HLV Đoàn Việt Triều thoáng buồn: “Thời điểm CLB suýt phải giải thể, nhiều phụ huynh bày tỏ sự băn khoăn về tương lai của con em. Ban huấn luyện thường xuyên động viên các cầu thủ, thậm chí đến tận nhà để trấn an tinh thần phụ huynh. Điều may mắn là các vận động viên tài năng đến với bóng đá vì đam mê, nên dù trải qua khó khăn nhiều em không sờn ý chí. Việc Mỹ Anh, Thúy Nga được dự World Cup 2023 đã tạo động lực cho các cầu thủ nữ CLB Bóng đá nữ Thái Nguyên T&T nỗ lực noi theo, là cú hích để chúng tôi tiếp tục vững tin làm công tác đào tạo và huấn luyện”.

Khó khăn đâu chỉ dừng ở mức thu nhập mà lâu nay xã hội vẫn chưa có cái nhìn công bằng về phận con gái theo nghiệp bóng đá. Một trong những nguyên nhân khiến nhiều phụ huynh ngăn cản con em theo bóng đá bởi lo ngại con gái suốt ngày dãi nắng dầm mưa sẽ ảnh hưởng đến chuyện tình duyên. Dù là cầu thủ nữ nổi tiếng nhất Việt Nam hiện nay, đang khoác áo Lank FC tại Bồ Đào Nha, nhưng tiền đạo Huỳnh Như cũng không tránh khỏi những câu hỏi liên quan tới chuyện lập gia đình. Huỳnh Như tâm sự với chúng tôi: “Câu chuyện "bao giờ lấy chồng" thì cô gái nào cũng sẽ bị hỏi. Có lẽ do mình đi đá bóng, có thể tự làm mọi việc nên con trai ngại làm quen. Tôi nghĩ mọi chuyện cần một chữ duyên. Mục tiêu của tôi lúc này là nỗ lực hơn nữa trong sự nghiệp, đóng góp vào sự phát triển của bóng đá nữ Việt Nam”.

Trải qua những ngày tháng khổ luyện, nhiều cầu thủ nữ đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả tuổi thanh xuân để ngất ngây cảm xúc, trào dâng xúc động khi hai tiếng "Việt Nam" được hô vang trên các khán đài tại sân chơi đỉnh cao World Cup!

“Chúng ta vô cùng tự hào, xúc động khi Quốc kỳ và Quốc ca của Việt Nam lần đầu tiên được kéo lên và vang lên tại một kỳ World Cup bóng đá nữ. Chúng ta khâm phục những cô gái nhỏ bé thi đấu kiên cường, hết mình, không lùi bước trước các đối thủ vượt trội về thể hình, thể lực, kinh nghiệm thi đấu và đấu pháp. Chúng ta cảm nhận sâu sắc những tình cảm, niềm tin, sự cổ vũ nhiệt tình, sự cảm thông, chia sẻ mà người hâm mộ ở trong nước và tại New Zealand vừa qua dành cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Đó là những giá trị tinh thần không gì có thể so sánh được”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương tinh thần các cầu thủ nữ Việt Nam tại buổi gặp mặt vào chiều 15-8.

(còn nữa)

HỮU TRƯỞNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/bong-da-nu-viet-nam-sau-moc-son-world-cup-2023-bai-1-gan-tuong-lai-vao-trai-bong-tron-739434