Bóng đá Sài Gòn và hiện tượng nữ 'búng mũi' nam

Nửa thế kỷ qua, lịch sử bóng đá Sài Gòn gắn với nhiều cái tên nhưng sinh sau đẻ muộn mà giữ nhiều kỷ lục hào hùng nhất lại là bóng đá nữ cam khổ từ lúc hình thành đến khi đứng vững và trở thành một biểu tượng...

50 năm bóng đá Sài Gòn, để tìm những cái tên ấn tượng thì không ít tiếc nuối khi nhiều đội bóng đá nam giàu truyền thống đều đã giải thể. Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Công an TP.HCM, Sở Công Nghiệp, Công nghiệp Thực phẩm... đều đã xóa sổ trong khi những đội bóng “mới” như Sài Gòn Xuân Thành, Navibank Sài Gòn hay Sài Gòn FC... có lúc rất ồn ào nhưng rồi lại tan rã nhanh chóng từ cái gật hay lắc của ông chủ đội bóng. Chỉ có một đội bóng bền vững và tạo tiếng vang lớn cho bóng đá Sài Gòn đang nắm giữ rất nhiều kỷ lục đó là đội tuyển bóng đá nữ TP.HCM.

Nghịch lý xuất thân từ đời giám đốc sở không ưa bóng đá nữ

Bóng đá nữ Việt Nam hình thành từ rất lâu với ghi nhận lịch sử là đội nữ Cái Vồn ở Cần Thơ hình thành từ những năm 1930 (theo Những cột mốc lịch sử 100 năm bóng đá Việt Nam). Nhưng để có một đội tuyển nữ chính thức mang chuông đi đấm xứ người thì phải kể đến xuất thân của hai đội nữ TP.HCM và Hà Nội hình thành trong điều kiện không được “cấp trên” ủng hộ vì cho rằng bóng đá nữ khó quản và là môn không phổ biến cho nữ.

Những năm 1980, bóng đá Việt Nam với phái nữ còn hoạt động trong “vòng cấm” xuất phát từ cái bắt tay của ông Giám đốc Sở TDTT Hà Nội Hoàng Vĩnh Giang và ông Giám đốc Trung tâm TDTT Quận 1, TP.HCM, Trần Thanh Ngữ (Tư Ngữ). Hai ông một giám đốc Sở, một giám đốc Trung tâm có cùng tầm nhìn châu Á chưa phát triển bóng đá nữ nên nếu đầu tư nuôi quân sớm thì khi hội nhập chắc chắn sẽ có thành tích.

 Nữ tuyển thủ Huỳnh Như nhảy múa trước các cô gái Mỹ ở vòng chung kết World Cup 2023. Ảnh: AP.

Nữ tuyển thủ Huỳnh Như nhảy múa trước các cô gái Mỹ ở vòng chung kết World Cup 2023. Ảnh: AP.

Tại TP.HCM đội bóng đá nữ được ông Tư Ngữ cưu mang nhưng không tìm ra đối tượng đá tập nên buộc phải cọ xát cùng lão tướng nam hay thiếu niên nam. Có lần đi đá ở tỉnh chưa ra khỏi TP đã bị ông giám đốc Sở TDTT lấy Vespa dí theo ra lệnh “cấm đá”. Lần đã nhất của bóng đá nữ hồi còn bị “cấm cửa” là giải đua xe kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1994 do Quận 1 TP.HCM tổ chức thì đoàn hậu cần luôn có đội bóng đá nữ tham gia thi đấu biểu diễn. Từ Hòa Bình đến Mộc Châu, Sơn La, Điện Biên... nơi đâu cũng có bóng đá nữ vào buổi chiều, sau khi đua xe đạp diễn ra vào buổi sáng.

Cho đến năm 1997 thì Hà Nội và Quận 1 TP.HCM ghép quân xin Tổng cục TDTT cho lập đội lấy danh nghĩa đội tuyển nữ Việt Nam đá giải tiền SEA Games ở Malaysia xem trình độ thế nào rồi tìm hướng phát triển. Chuyến xuất ngoại đầu tiên đấy đội vô địch nhận cúp vàng từ tay công chúa Malaysia. Sau bước khởi đầu này, bóng đá nữ Việt Nam bắt đầu hình thành một cách chính thức dù quân chỉ là Hà Nội và Quận 1 TP.HCM.

Từ đó đến nay bóng đá nữ TP.HCM luôn góp hơn nửa quân số của đội tuyển nữ Việt Nam tham dự các giải quốc tế trong và ngoài khu vực, là đội bóng số 1 Đông Nam Á vượt mặt Thái Lan từng là trùm Đông Nam Á những năm 1990. Điểm nhấn lớn nhất chính là thành phần số đông của đội nữ TP.HCM trong đội tuyển nữ Việt Nam dự World Cup 2023 sau khi vượt qua vòng loại nằm trong top đầu châu Á.

 Trung vệ thép Chương Thị Kiều nhí nhảnh selfie với các cổ động viên nhí tại New Zealand. Ảnh: AP.

Trung vệ thép Chương Thị Kiều nhí nhảnh selfie với các cổ động viên nhí tại New Zealand. Ảnh: AP.

Những kỷ lục của bóng đá Việt Nam

Chắc chắn là phải rất lâu lắm kỷ lục của đội tuyển bóng đá nữ TP.HCM mới bị phá đó là thành tích vô địch Quốc gia 13 lần trong đó có 6 lần liên tiếp từ năm 2019 đến 2024. Đáng nói là cái nôi bóng đá Quận 1, TP.HCM dù gặp nhiều khó khăn về kinh phí lẫn sự đầu tư, mỗi năm mỗi bị “chảy máu nhân tài” nhưng vẫn luôn là lá cờ đầu, và hiện nay là đội duy nhất đại diện Việt Nam tham dự AFC Champions League dành cho các CLB nữ châu Á.

Bóng đá nữ TP.HCM từ giải vô địch quốc gia đầu tiên với lứa Lưu Ngọc Mai, Mỹ Oanh, Kim Hồng, Kim Phụng sang đến lứa hậu vệ Kim Hồng, tiền đạo Kim Chi, thủ môn Kiều Trinh và bây giờ là lứa Thùy Trang, Huỳnh Như, Chương Thị Kiều, Kim Thanh... đang là trụ cột đã gánh vác những trọng trách lớn cho bóng đá nữ TP.HCM và đội tuyển quốc gia.

Với người hâm mộ, nhiều người không thể quên được những những ngày đầu khó khăn của bóng đá nữ TP.HCM khi các cầu thủ để nuôi nghiệp bóng đá mà mình yêu thích còn phải bươn chải vật lộn với những nghề tay trái để nuôi bản thân và gia đình mà có lần VTV thực hiện phóng sự về xe bánh mì của hai nữ tuyển thủ Kim Hồng, Mỹ Oanh. Hay có những nữ tuyển thủ từng đứng trước ngã ba đường chọn lựa giữa đá bóng và về quê tìm công việc sinh nhai.

 Thủ môn Kim Hồng (giữa) từng phải đi bán bánh mì mưu sinh, hiện là trợ lý đội tuyển nữ Việt Nam cùng đàn em Kim Thanh xuất thân từ cái nôi TP.HCM và các đồng đội tại cúp thế giới. Ảnh: AP.

Thủ môn Kim Hồng (giữa) từng phải đi bán bánh mì mưu sinh, hiện là trợ lý đội tuyển nữ Việt Nam cùng đàn em Kim Thanh xuất thân từ cái nôi TP.HCM và các đồng đội tại cúp thế giới. Ảnh: AP.

Họ đã vượt khó một cách ngoạn mục và thậm chí là nhiều người còn bước lên nhận danh hiệu cao quý nhất như Quả bóng vàng Việt Nam mà nữ tướng Kim Chi (4 lần) và Huỳnh Như (5 lần) đều đã và đang khoác áo đội tuyển nữ TP.HCM tạo tiếng vang cho TP.HCM và luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ noi theo.

50 năm bóng đá TP.HCM rõ ràng cái tên đội tuyển bóng đá nữ là ấn tượng nhất với nhiều dấu ấn đi vào lịch sử và họ tiếp tục viết thêm cho trang sử bóng đá TP.HCM lẫn Việt Nam.

Chị em “búng mũi” các anh

Những năm 1990 là thời hoàng kim của bóng đá TP.HCM khi đội tuyển nam Việt Nam luôn có trên nửa đội hình tuyển thủ trưởng thành từ cái nôi bóng đá TP.HCM. Đó cũng là những năm danh hiệu Quả bóng vàng cao quý rất hay xướng tên những cầu thủ TP.HCM như Lê Huỳnh Đức, Võ Hoàng Bửu, Nguyễn Minh Phương.

 Các chị em đã góp mặt ở vòng chung kết World Cup còn các anh vẫn loay hoay tìm cách vô địch Đông Nam Á. Ảnh: AP.

Các chị em đã góp mặt ở vòng chung kết World Cup còn các anh vẫn loay hoay tìm cách vô địch Đông Nam Á. Ảnh: AP.

Bóng đá nam TP.HCM trước đây đa phần xuất phát từ cái nôi Trường Nghiệp vụ Thể thao với các lứa cầu thủ được đào tạo bài bản về các đội như Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Công an TP.HCM, nhưng nay thì hai đội TP.HCM và trẻ TP.HCM đang sống bằng hơi thở của những ông bầu đầu tư đổ tiền kéo và giữ chân các cầu thủ về khoác áo TP.HCM. Hiện đội tuyển quốc gia nam không có cầu thủ TP.HCM nào là chuyện bình thường. Lại cũng có trường hợp những đội đại diện bóng đá TP.HCM cầu thủ đa phần từ nơi khác được mua hay đầu quân về chứ không trưởng thành từ cái nôi bóng đá TP.HCM.

Trong khi đó, bóng đá nữ TP.HCM hàng năm tại Quận 1 vẫn duy trì những lớp tuyển sinh năng khiếu và chọn lọc đào tạo với nguồn nhân tài không chỉ riêng ở TP.HCM mà các địa phương khác rất hào hứng đưa con em mình về tập và được huấn luyện tại sân Tao Đàn.

Nếu bóng đá nam hai đội tuyển TP.HCM và Trẻ TP.HCM thu nhập vài chục đến 100 triệu chưa kể lót tay chuyển nhượng thì bóng đá nữ TP.HCM các tuyển thủ vẫn ăn tập theo chế độ với đồng lương đủ sống nhưng đam mê và sự cống hiến cho màu cờ sắc áo thì có thừa.

 Công dân trẻ TP.HCM tiêu biểu - Trần Thị Thùy Trang. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Công dân trẻ TP.HCM tiêu biểu - Trần Thị Thùy Trang. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Bóng đá nữ TP.HCM cứ âm thầm trong cơ chế tạm những luôn là đơn vị cống hiến nhiều nhất cho đội tuyển quốc gia và luôn giữ kỷ lục dẫn đầu về danh sách nhận Quả bóng vàng mà chỉ riêng nữ tướng Kim Chi đã 4 lần đứng trên bục cao nhất trong khi Huỳnh Như thì đã 5 lần đăng quang.

Nói chị em “búng mũi” các anh cũng chẳng có gì sai nhưng hy vọng đấy sẽ chính là động lực để bóng đá nam TP.HCM đuổi kịp các chị.

NGUYỄN NGUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/bong-da-sai-gon-va-hien-tuong-nu-bung-mui-nam-post831454.html