Bóng đá TP Hồ Chí Minh: Đầu tư thế nào để trở lại đỉnh cao?

Màn ra quân chật vật của câu lạc bộ (CLB) TP Hồ Chí Minh mùa giải V-League 2023, cùng với việc CLB Sài Gòn phải rút lui khỏi Giải hạng nhất quốc gia phản ánh một nốt trầm trong hành trình phát triển bóng đá của Thành phố mang tên Bác.

Dù thất vọng, tiếc nuối với kết quả thi đấu bết bát của hai đội bóng, nhưng người hâm mộ làng túc cầu ở thành phố đông dân nhất cả nước vẫn chưa bao giờ nguôi hy vọng bóng đá TP Hồ Chí Minh sớm trở lại đỉnh vàng son.

Thấy gì từ biểu đồ lao dốc...

Nhắc đến bóng đá TP Hồ Chí Minh, các thế hệ người hâm mộ không khỏi lâng lâng tự hào về một thời kỳ vàng son rực rỡ. Sau ngày thống nhất đất nước mùa xuân năm 1975 đến những năm của thập niên 90 thế kỷ 20, TP Hồ Chí Minh là thủ phủ của những đội bóng lớn, lần lượt giữ các vị trí hàng đầu của bóng đá nước nhà, như: Cảng Sài Gòn, Công an TP Hồ Chí Minh, Sở Công nghiệp, Công nghiệp thực phẩm, Hải quan...

Hàng loạt cầu thủ tài năng vượt trội từ các đội bóng có thương hiệu này đã đóng góp to lớn cho đội tuyển quốc gia. Nhiều cầu thủ là ngôi sao bóng đá nổi tiếng tầm khu vực và châu lục. Nhưng rồi sau thời kỳ vàng son ấy, bóng đá TP Hồ Chí Minh theo đà lao dốc. Đến thời điểm này, TP Hồ Chí Minh chỉ còn lại đại diện duy nhất góp mặt ở sân chơi V-League 2023 và đang ngụp lặn gần đáy bảng xếp hạng sau 4 vòng đấu...

 Câu lạc bộ Sài Gòn (áo trắng) không còn tồn tại, còn Câu lạc bộ TP Hồ Chí Minh (áo xanh) vẫn luôn loay hoay với cuộc đua trụ hạng những mùa gần đây.

Câu lạc bộ Sài Gòn (áo trắng) không còn tồn tại, còn Câu lạc bộ TP Hồ Chí Minh (áo xanh) vẫn luôn loay hoay với cuộc đua trụ hạng những mùa gần đây.

Biểu đồ theo chiều đi xuống của cả hai đội bóng CLB TP Hồ Chí Minh và CLB Sài Gòn chính là ở mùa giải năm ngoái khi gần suốt chiến dịch V-League 2022, cả hai đội thay nhau đứng ở các vị trí cuối cùng. Đội chủ sân Thống Nhất may mắn giành được quyền trụ hạng ở vị trí thứ 9 với chỉ 3 điểm nhiều hơn so với CLB Sài Gòn, đội đồng hương bị cuốn vào vòng xoáy trụ hạng và thất bại với mục tiêu giữ suất ở lại giải đấu cao nhất.

Chúng ta còn nhớ, sau khi giành quyền trở lại V-League 2017, CLB TP Hồ Chí Minh không tiếc tiền của đầu tư vào bóng đá, với hai đời chủ tịch cùng 8 huấn luyện viên (HLV) trưởng được sử dụng trong 6 mùa giải, nhưng ngoại trừ mùa 2019, "Chiến hạm đỏ" chủ yếu vật lộn đua trụ hạng. CLB Sài Gòn, tiền thân là CLB bóng đá Hà Nội chuyển “hộ khẩu” vào TP Hồ Chí Minh năm 2016 và đổi tên, có thành tích tương đối tốt trong giai đoạn 2016-2020 khi có tới 3 mùa nằm trong top 5, đến mùa 2020 đứng hạng 3 dưới sự chèo lái của HLV Vũ Tiến Thành.

Cuộc cải tổ toàn diện đầu năm 2021 không mang lại kết quả cho CLB Sài Gòn. Đội bóng áo hồng theo đuổi chiến lược “Nhật hóa”, chia tay 19 cầu thủ để thay mới hoàn toàn đội hình và đưa về chuyên gia Masahiro Shimoda. CLB Sài Gòn sau đó sa sút, rơi xuống vị trí áp chót. HLV Shimoda bị sa thải. Không thể giành quyền trụ hạng cuối mùa 2022, số phận CLB Sài Gòn được định đoạt. Ban huấn luyện cùng toàn bộ cầu thủ đều phải thanh lý hợp đồng, để rồi không còn đăng ký dự Giải hạng nhất 2023. Một doanh nghiệp vận tải dự định hỏi mua lại suất hạng nhất cũng bất thành...

Làm thế nào để trở lại đỉnh cao?

Theo nhiều người trong giới chuyên gia, bóng đá TP Hồ Chí Minh đang thiếu chiến lược phát triển. Minh chứng là bộ máy lãnh đạo của cả hai CLB nói trên đều rơi vào tình trạng "đẽo cày giữa đường", không có kế hoạch dài hạn mà chủ yếu thay đổi nhằm tìm kiếm thành công trong ngắn hạn. Vấn đề của CLB TP Hồ Chí Minh là thiếu sự ổn định cả về chiến lược phát triển lẫn nhân sự khi thay HLV xoành xoạch, mùa nào cũng thay vị trí thuyền trưởng, dẫn đến sự bất ổn về con người và lối chơi. Cùng với đó là sự thiếu đồng bộ từ cơ sở vật chất đến công tác đào tạo trẻ.

Còn CLB Sài Gòn gần như chỉ đầu tư cho đội hình 1, thiếu từ nơi ăn, chỗ ở đến đào tạo con người. Thành tích hạng 3 V-League 2020 không được phát huy. Sự thay đổi quá nhanh và quá nhiều khiến đội bóng mất bản sắc, lao dốc không phanh. Sân Thống Nhất từ chỗ là "chảo lửa" trong các trận đấu đỉnh cao, dần vắng khán giả khi hai đội nhà thi đấu. Dàn cầu thủ quy tụ từ khắp nơi nên “hồn cốt” bóng đá địa phương bị nhạt nhòa...

Đưa bóng đá TP Hồ Chí Minh trở lại đỉnh cao là khát vọng cháy bỏng của những người yêu bóng đá ở thành phố sôi động nhất cả nước. Theo chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương, muốn hiện thực hóa khát vọng này thì ngoài việc đầu tư toàn diện, đầy đủ cho đội bóng, phải có chiến lược dài hơi từ đào tạo trẻ, bồi dưỡng những tài năng bóng đá gốc TP Hồ Chí Minh để nuôi dưỡng bản sắc địa phương.

Khi đã vào sân chơi chuyên nghiệp thì trước hết những người làm bóng đá ở TP Hồ Chí Minh phải chuyển đổi tư duy theo hướng chuyên nghiệp thực chất, thực sự, hiệu quả. Một khi vẫn còn tồn tại tư duy "ăn xổi", "bóc ngắn cắn dài", "đẽo cày giữa đường"... thì khó mà khắc phục được tính nửa vời, thiếu bền vững.

Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh rất quan tâm đến phát triển thể thao thành tích cao, trong đó bóng đá luôn là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều lĩnh vực đời sống xã hội của thành phố cũng đang gặp khó khăn, thách thức nên việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển bóng đá cần có giải pháp căn cơ, bài bản chứ không phải và không thể là sự can thiệp vào từng công việc cụ thể của giới chuyên môn...

Bài và ảnh: THANH TÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/bong-da-tp-ho-chi-minh-dau-tu-the-nao-de-tro-lai-dinh-cao-721467