Bóng đá trẻ Việt Nam: Tìm giải pháp đứng lên sau những thất bại

Trong vòng chưa đầy một tháng, các đội tuyển bóng đá trẻ gồm U16 Việt Nam và U19 Việt Nam đã liên tục thất bại tại các giải Đông Nam Á diễn ra vào tháng 7-2024, khiến cho chúng ta không khỏi lo lắng về lực lượng kế cận. Sự thất bại tại các giải đấu này sẽ là bài học kinh nghiệm để các nhà chuyên môn, quản lý có giải pháp dài hạn giúp bóng đá Việt Nam có lớp cầu thủ chất lượng bổ sung cho đội tuyển quốc gia hướng tới các đấu trường lớn trong tương lai.

Một pha bóng trong trận đội tuyển U16 Việt Nam (áo đỏ) gặp U16 Brunei tại vòng chung kết U16 Đông Nam Á 2024. Ảnh: VFF

Một pha bóng trong trận đội tuyển U16 Việt Nam (áo đỏ) gặp U16 Brunei tại vòng chung kết U16 Đông Nam Á 2024. Ảnh: VFF

Thực trạng đáng lo ngại

Tại vòng chung kết U16 Đông Nam Á 2024 diễn ra hồi đầu tháng 7 vừa qua, đội tuyển U16 Việt Nam đứng hạng 4. Đội bóng do huấn luyện viên Trần Minh Chiến dẫn dắt có khởi đầu bằng chiến thắng 15-0 trước U16 Brunei. Tuy nhiên, ngay sau đó họ bị U16 Campuchia cầm hòa 1-1 và thua U16 Thái Lan 1-2 ở vòng bán kết.

Còn tại vòng chung kết U19 Đông Nam Á 2024 vừa kết thúc cuối tháng 7-2024, đội tuyển U19 Việt Nam do huấn luyện viên Hứa Hiền Vinh dẫn dắt đã bị loại ngay từ vòng bảng khi hòa Myanmar 1-1 và thua 2-5 trước Australia. Vấn đề không chỉ nằm ở kết quả bị loại từ vòng bảng, màn trình diễn của các học trò huấn luyện viên Hứa Hiền Vinh được cho là thiếu thuyết phục, thua xa đối thủ về thể lực, kỹ thuật cá nhân, sự nhanh nhẹn...

Điều đáng nói, trước đó, đội tuyển U23 Việt Nam đã giành ngôi vô địch U23 Đông Nam Á 2023 (tháng 8-2023) đầy thuyết phục trong giải đấu tổ chức tại Thái Lan, qua đó lần thứ hai liên tiếp lên ngôi. Dù không có lực lượng mạnh nhất, nhưng đội bóng do huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt còn gây ấn tượng ở vòng chung kết U20 châu Á 2023 (tháng 3-2023) tại Uzbekistan. Điều này cho thấy thực trạng đáng lo ngại về lứa cầu thủ trẻ kế cận cho đội tuyển quốc gia.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Anh Tú thừa nhận thành tích của hai đội tuyển U16 Việt Nam và U19 Việt Nam vừa qua không được như kỳ vọng. Có thể lý giải được điều này bởi các đội tuyển trẻ trong đó có U19 Việt Nam đã có những sự thay đổi lớn về nhân sự. Sau khi huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn chia tay đội tuyển U20 Việt Nam, huấn luyện viên Hứa Hiền Vinh tiếp nhận đội tuyển trong một thời gian ngắn. Vì vậy, các cầu thủ khó thấm nhuần lối chơi của huấn luyện viên mới. Bên cạnh đó, do áp lực thành tích tại giải vô địch quốc gia V.League cũng như giải hạng Nhất nên nhiều câu lạc bộ không chịu “nhả” người, dẫn đến các huấn luyện viên không có được lực lượng tốt nhất.

Đầu tư dài hạn, hướng tới tương lai

Chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú nhận định, với bóng đá trẻ không nên đánh giá qua một giải đấu mà phải đầu tư lâu dài. Ngay cả ở cấp độ đội tuyển quốc gia, không phải lứa cầu thủ nào cũng xuất sắc, bởi vậy không nên vì thất bại của một giải đấu mà thất vọng với các cầu thủ trẻ. “Các cầu thủ trẻ thi đấu tại giải quốc tế nên có những áp lực, sai sót là điều khó tránh khỏi. Nhưng qua giải đấu đó, các em rút ra kinh nghiệm cho mình, đặc biệt ban huấn luyện cần làm việc chăm chỉ, kỹ lưỡng hơn nữa nhằm đạt kết quả tốt", ông Phan Anh Tú phân tích.

Bình luận viên bóng đá Vũ Quang Huy cho rằng, công nghệ đào tạo cầu thủ trẻ phải thay đổi, cải tiến mạnh mẽ mới mong theo kịp các nền bóng đá trong khu vực. Cách đây 10 năm, “lò” đào tạo trẻ Hoàng Anh Gia Lai là điểm sáng. Nhưng sau lứa các cầu thủ như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường,... họ chưa cho ra lò được các lứa kế cận có năng lực tương đương. Công tác đào tạo trẻ là việc đòi hỏi sự kiên nhẫn rất lớn. Có thể nhiều cầu thủ chưa phát triển toàn diện ở lứa tuổi 16, thậm chí 19. Nhưng sau lứa tuổi đó, họ lại phát triển vượt bậc. Các đơn vị đào tạo trẻ trong nước cần chung tay, tìm nguồn tài chính ổn định để tổ chức thêm nhiều giải đấu trong nước cho cầu thủ trẻ thi đấu giao hữu, nhằm nâng cao trình độ “thực chiến” mới mong các em nhanh tiến bộ.

Liên quan đến vấn đề này, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Dương Nghiệp Khôi cho biết, mục tiêu của VFF là đầu tư cho các đội tuyển trẻ hướng tới sân chơi châu Á. Nhằm giúp các cầu thủ trẻ nâng cao trình độ, VFF sẽ tạo điều kiện cho các đội tuyển trẻ đi tập huấn, thi đấu giao hữu quốc tế trong thời gian tới.

Cụ thể, để chuẩn bị tốt cho giải vòng loại U20 châu Á năm 2024 diễn ra vào tháng 9 tới, VFF sẽ cử đội tuyển U19 và U16 Việt Nam đi tập huấn tại Nhật Bản. Đội tuyển U16 quốc gia dự kiến tập trung cuối tháng 8 và tham dự giải giao hữu quốc tế tại Trung Quốc. Đây là những bước chuẩn bị quan trọng trước khi tham dự vòng loại U17 châu Á năm 2026. Bên cạnh đó, đội tuyển U23 cũng tiếp tục có những đợt tập trung và tập huấn, thi đấu giao hữu quốc tế nhằm tích lũy kinh nghiệm thi đấu.

Hy vọng, với sự chung tay từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và các đơn vị đào tạo trẻ sẽ làm phong phú hơn nguồn lực cho sự phát triển lâu dài của bóng đá Việt Nam.

Ngân Hà

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bong-da-tre-viet-nam-tim-giai-phap-dung-len-sau-nhung-that-bai-673843.html