Bóng đá trẻ Việt Nam và bài học từ Euro

Đội tuyển Tây Ban Nha thắng tuyệt đối ở Euro 2024 với lực lượng gồm những tuyển thủ được đào tạo và trưởng thành từ các học viện bóng đá trong nước và đó là bài học cho nhiều nền bóng đá, trong đó có Việt Nam

Lò đào tạo giỏi, mạng lưới phát hiện tài năng rộng khắp cùng với hệ thống giải bóng đá trẻ được hình thành và phát triển như giải chuyên nghiệp, đặc biệt là giải vô địch quốc gia chất lượng, tính cạnh tranh cao, đã là nền tảng để đội tuyển quốc gia bay cao. Đây là công thức thành công của các nền bóng đá hàng đầu thế giới.

Bỏ quên nguồn lực trẻ

Sẽ quá thừa khi nói thêm về sự thành công của Tây Ban Nha với những gương mặt trẻ tỏa sáng rực rỡ, bởi Euro 2024 đã là vùng trời của các tài năng trẻ không chỉ của Tây Ban Nha mà còn là Anh, Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Georgia…

Hay như đội tuyển Anh hôm nay đã có những gương mặt từng vô địch Giải U17 thế giới 2017 như Marc Guehi, Conor Gallagher... và trên hết là Phil Foden - cầu thủ xuất sắc nhất World Cup U17 năm đó.

Tiền vệ Công Phương, trưởng thành từ “lò” Viettel, trong màu áo U19 Việt Nam đấu với U19 Myanmar ở Giải Đông Nam Á 2024 tại Indonesia. (Ảnh: VFF)

Tiền vệ Công Phương, trưởng thành từ “lò” Viettel, trong màu áo U19 Việt Nam đấu với U19 Myanmar ở Giải Đông Nam Á 2024 tại Indonesia. (Ảnh: VFF)

Ngược lại là đội Ý. Hai đội U17 và U19 rất tốt và thường giữ thành tích top 4 thế giới và châu Âu nhưng các CLB chưa khai thác nguồn lực trẻ, rõ nhất là AC Milan. Những năm qua, họ sử dụng các lão tướng ở vị trí trung phong như tuyển thủ Pháp Oliver Giroud (37 tuổi). Vừa mới đây, sau Euro 2024, AC Milan công bố đã có được chữ ký của trung phong thủ quân đội tuyển Tây Ban Nha Alvaro Morata (32 tuổi) do phí chuyển nhượng hợp lý.

Và như chúng ta đã biết, tại Euro 2024, Ý đã trình làng một đội tuyển bị đánh giá là yếu nhất trong lịch sử các vòng chung kết và không giới thiệu được một gương mặt nào nổi bật ở vị trí tiền đạo.

Châu Âu với ví dụ dễ nhớ, dễ hiểu nhất sau Euro 2024 và đó cũng là nguyên tắc chung của bóng đá thế giới, còn Việt Nam?

HLV Park vừa hay vừa may

Ông Park Hang-seo là HLV giỏi và đã dẫn dắt các đội tuyển U23 (châu Á), U22+3 (SEA Games, Olympic), tuyển quốc gia Việt Nam (AFF Cup, châu Á, vòng loại World Cup 2022) thành công ngoài mong đợi đồng thời đưa bóng đá Việt Nam (BĐVN) lên vị thế mới ở khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á. Nhờ đâu?

Ông Park sẽ không thể trở thành HLV thành công nhất trong lịch sử BĐVN nếu không có thế hệ cầu thủ cũng được coi là tài năng nhất lịch sử BĐVN. Đó chính là thế hệ từng tham dự vòng chung kết World Cup U20 năm 2017, sau đó 8 cầu thủ có mặt ở đội tuyển Việt Nam dự tranh vòng loại thứ 3 World Cup 2022 là hậu vệ Đoàn Văn Hậu, Hồ Tấn Tài, Trần Đình Trọng; tiền vệ Quang Hải, Hoàng Đức; tiền đạo Nguyễn Tiến Linh, Đinh Thanh Bình, Hà Đức Chinh. Cùng thế hệ này còn có Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn, Hồng Duy, Đức Huy, Hùng Dũng, Xuân Mạnh, Văn Đức…

Dani Carvajal và Dani Olmo là 2 trụ cột Tây Ban Nha vô địch Euro 2024. Họ trưởng thành từ các lò đào tạo trẻ Real Madrid, Barcelona. Tuyển Anh 10 năm qua cũng hưởng lợi từ các lò đào tạo trẻ như Chelsea (phát hiện ra Rice) và Birmingham (đào tạo Bellingham). Ảnh: REUTERS

Dani Carvajal và Dani Olmo là 2 trụ cột Tây Ban Nha vô địch Euro 2024. Họ trưởng thành từ các lò đào tạo trẻ Real Madrid, Barcelona. Tuyển Anh 10 năm qua cũng hưởng lợi từ các lò đào tạo trẻ như Chelsea (phát hiện ra Rice) và Birmingham (đào tạo Bellingham). Ảnh: REUTERS

Đây là những tài năng được phát hiện, đào tạo và trưởng thành từ các học viện, Trung tâm Bóng đá trẻ chất lượng hàng đầu của Việt Nam vào thời điểm đó như là Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội, Sông Lam Nghệ An, Viettel, PVF.

Thế nhưng, vì sao BĐVN sau thời kỳ đi lên 2018-2022 lại ngày càng sa sút? Do đâu HLV Philippe Troussier thay ông Park Hang-seo lại thất bại khi thực hiện cuộc cách mạng từ con người đến lối chơi, trong đó ông Troussier chủ trương thay máu đội tuyển Việt Nam với những gương mặt mới?

Và mới đây thôi, ngay trong tháng 7 này, đội tuyển U17 Việt Nam thua Thái Lan ở bán kết và thất bại rất đậm 0-5 trước Indonesia ở trận tranh huy chương đồng.

Bài toán chưa có lời giải

Sau khi HLV Troussier được thanh lý hợp đồng, dường như chưa có bất kỳ kết luận nào từ Hội đồng HLV quốc gia cho đến ban chuyên môn của LĐBĐ Việt Nam (VFF) cũng như là lãnh đạo VFF về những nguyên nhân vì sao BĐVN lại thất bại dưới thời nhà cầm quân người Pháp.

Có một thực tế rất rõ, BĐVN không thể so sánh với các nền bóng đá hàng đầu châu Á huống chi là các quốc gia châu Âu. Họ có giải vô địch trẻ quốc gia với mật độ thi đấu dày, không như ở Việt Nam số lượng trận đấu cho các cầu thủ trẻ rất ít; các CLB nuôi đội 1 còn trăm bề khó khăn, có đội còn nợ lương, thậm chí phải giải tán khi không còn kinh phí hoạt động thì lấy đâu nguồn lực nuôi đội trẻ.

Đó là chưa nói cơ sở vật chất, mặt sân thi đấu nhiều nơi không đạt chất lượng; BĐVN có được bao nhiêu ông bầu có tâm làm bóng đá như bầu Đức rồi bầu Hiển đầu tư đàng hoàng, nghiêm túc từ bóng đá trẻ cho đến đội lớn? Nhưng làm BĐVN đa phần chỉ có bỏ ra chứ chưa thể thu vào nên khi bầu Đức gặp khó khăn trong kinh doanh thì thành tích đội 1 cũng như chất lượng đào tạo trẻ cũng đi xuống.

Nguy hiểm hơn nữa là V-League chưa phát triển tương xứng với nguồn lực, tiềm lực của đất nước, con người Việt Nam. Làm thế nào các đội ở V-League bắt buộc phải có hệ thống đào tạo trẻ, đào tạo có chất lượng và nên sử dụng cầu thủ trẻ ra sao để họ được trui rèn thường xuyên từ cấp CLB chứ không phải ở các giải trẻ cấp đội tuyển…?

Nhiều câu hỏi, cho đến nay, chưa có lời giải.

Mờ nhạt vai trò giám đốc kỹ thuật

Ở vai trò giám đốc kỹ thuật, VFF đã lần lượt mời 3 người gồm Jurgen Gede (Đức, 2016-2020), Yusuke Adachi (Nhật, 2020-2023) và nay là Koshida Takeshi (Nhật, 2023 - hiện nay).

Khi ký hợp đồng mời những người này ngồi vào vị trí giám đốc kỹ thuật, VFF có quy định là phải tư vấn, tham mưu cho VFF về phát triển bóng đá trẻ; định hướng và xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng các đội tuyển trẻ; tư vấn cho các đội tuyển bóng đá nam, nữ quốc gia và U23; hỗ trợ VFF nâng cao chất lượng đào tạo bóng đá trẻ của các CLB; hỗ trợ công tác đào tạo đội ngũ HLV và một số nhiệm vụ khác theo sự đồng ý của hai bên.

Với những gì đã yêu cầu, rõ ràng cả 3 chuyên gia người Đức và Nhật Bản chưa hoàn thành nhiệm vụ. Vai trò của các chuyên gia này đối với hoạt động bóng đá trẻ và công tác tham mưu, tư vấn cho các HLV khá mờ nhạt. Do đó, bóng đá Việt Nam cần xem lại chính mình và đổi mới mạnh mẽ để phát triển.

Hoàng Tú

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bong-da-tre-viet-nam-va-bai-hoc-tu-euro-19624072019515095.htm