Bóng đá Trung Quốc đi sai hướng
Thay vì tập trung phát triển cầu thủ bản địa và cải thiện văn hóa bóng đá của quốc gia từng bước một, Trung Quốc muốn thành công nhanh chóng và nhận cái kết không như ý.
Khi Chinese Super League (CSL) 2022 khởi tranh, nỗi thất vọng đối với giải đấu từng được kỳ vọng trở thành sàn diễn lớn nhất của bóng đá châu Á lại xuất hiện. CSL ra đời từ năm 2004 với tham vọng trở thành "Siêu giải đấu" đưa nền bóng đá Trung Quốc bay cao.
Nỗ lực thay đổi
Tham vọng ấy của các nhà lãnh đạo bóng đá Trung Quốc không có gì sai. "Giải VĐQG luôn là xương sống của nền bóng đá", cựu HLV Steve Darby nói với Zing. "Nếu bạn không có một giải VĐQG đủ mạnh so với các nền bóng đá khác, đội tuyển của bạn khó lòng bước lên tầm cao mới".
Sau 18 năm hình thành cùng hàng tỷ USD đổ vào công tác chuyển nhượng và trả lương cho cầu thủ hay huấn luyện viên, CSL quay lại với vị thế một giải đấu hạng khá của châu Á. Nỗ lực "hóa rồng" của CSL trong hơn nửa thập niên qua quay lại xuất phát điểm ban đầu.
Nỗ lực cải thiện tình yêu bóng đá của người dân Trung Quốc cũng chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt. Một thập niên qua, các giải đấu bóng đá hàng đầu như Ngoại hạng Anh hoặc La Liga được phủ sóng nhiều hơn. Những chuyến du đấu tại Trung Quốc của các đội bóng lớn như Manchester United hay Man City cũng diễn ra với tần suất dày đặc hơn trước.
Tuy nhiên, bóng đá chưa thể trở thành môn thể thao vua tại quốc gia tỷ dân này. "Có những sự cải thiện nhất định về độ phổ biến của bóng đá ở Trung Quốc", nhà báo Yuan Bi của Titan Sport Plus chia sẻ với Zing. "Nhưng chắc chắn không thể nói rằng bóng đá đã trở thành môn thể thao vua tại đây. Thậm chí độ lan tỏa của bóng đá tăng lên so với hai thập niên trước cũng là điều tôi không dám chắc".
Cameron Wilson, cây viết của AFP và Guardian, phân tích với Zing: "Ở những quốc gia có nền bóng đá thành công trên thế giới, chúng ta có thể thấy mẫu số chung là họ tạo ra văn hóa bóng đá đủ mạnh trong cộng đồng. Tại Trung Quốc, văn hóa bóng đá mạnh mẽ trong cộng đồng là điều khá xa xỉ".
Nhà báo đang sống ở Thượng Hải tin rằng "tình yêu bóng đá của người Trung Quốc có thể thay đổi chút ít trong vài năm trở lại đây, nhưng làn sóng đó vẫn quá nhỏ". Chiến lược phát triển bóng đá của Trung Quốc không thể đạt được thành công như cách quốc gia này làm với nền kinh tế.
Việc Trung Quốc trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng giúp quốc gia này gây dựng vị thế ở nhiều lĩnh vực. Bóng đá là môn thể thao toàn cầu và về lý thuyết, Trung Quốc có nhiều ưu thế để vươn lên nhờ tiềm lực tài chính dồi dào.
Trong năm 2017, chỉ riêng ở châu Âu có 20 câu lạc bộ chuyên nghiệp thuộc sở hữu của các công ty hay tập đoàn kinh tế Trung Quốc. Làn sóng sở hữu này chững lại gần đây vì khủng hoảng kinh tế và những thay đổi chính sách từ chính phủ. Nhưng các ông chủ người Trung Quốc vẫn nắm giữ lượng lớn cổ phần ở các câu lạc bộ nổi tiếng như Inter, AC Milan hay Wolverhampton Wanderers.
Tiền chưa thể giải quyết tất cả
Tuy nhiên, việc người Trung Quốc sở hữu các CLB nổi tiếng chưa thể giúp ích gì nhiều cho sự phát triển bóng đá trong nước. Những cầu thủ Trung Quốc đến Wolverhampton rồi đi trong yên ắng, ngay cả khi họ được đem cho mượn đến những đội bóng hạng thấp hơn.
Wu Lei, cầu thủ sáng giá nhất của bóng đá Trung Quốc, khoác áo Espanyol nhờ tác động của ông chủ đồng hương. Mùa trước, Wu Lei chủ yếu vào sân từ băng ghế dự bị và chỉ ghi được 1 bàn thắng tại La Liga.
Những cầu thủ Trung Quốc khác thử sức tại vài hạng đấu thấp hơn cũng chịu chung số phận. Ji Xiaoxuan chuyển đến AJ Auxerre trong kỳ chuyển nhượng mùa đông 2019 nhờ tác động từ chủ sở hữu người Trung Quốc của CLB Pháp. Ligue 2, giải đấu Nguyễn Quang Hải sắp đến chơi bóng, từng được xem như bến đỗ phù hợp với Ji Xiaoxuan thay vì Serie A, La Liga hay Premier League.
Thế nhưng, tiền đạo sinh năm 1993 chỉ ra sân một lần ở Ligue 2 trong giai đoạn khoác áo Auxerre. Cầu thủ người Trung Quốc kết thúc hợp đồng với đội bóng Pháp trong mùa hè năm nay. Thất bại của Xiaoxuan ở Ligue 2 không phải điều gì bất ngờ. Chất lượng cầu thủ nội Trung Quốc chưa đủ tốt để nền bóng đá này có thể "xuất khẩu" ra nước ngoài.
Ở một khía cạnh khác, chính sách nhập tịch cầu thủ Brazil để tăng sức mạnh cho tuyển Trung Quốc cũng chưa mang lại kết quả như ý. Tuyển Trung Quốc kết thúc vòng loại thứ ba World Cup 2022 với thất bại 0-2 trước Oman trên sân đối phương. Họ đứng áp chót bảng B, chỉ hơn đội tuyển Việt Nam 2 điểm. Trận thua 1-3 trên sân Mỹ Đình trước Việt Nam vào ngày mồng một Tết Nguyên Đán được truyền thông Trung Quốc xem như "nỗi xấu hổ".
Cả 5 cầu thủ gốc Brazil từng được nhập quốc tịch Trung Quốc đều không còn thi đấu ở Chinese Super League 2022. Dấu ấn và tầm ảnh hưởng những ngôi sao nhập tịch như Elkeson, Alan Carvalho hay Aloisio để lại ở ĐTQG Trung Quốc khá mờ nhạt.
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã vươn mình trở thành một quốc gia đứng đầu trong chuỗi sản xuất và cung ứng của thế giới. Tuy nhiên, bóng đá dường như là một lĩnh vực tách biệt hoàn toàn với thành công của nền kinh tế Trung Quốc.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bong-da-trung-quoc-di-sai-huong-post1329652.html