Bóng đá Trung Quốc mất phương hướng

Không ai nghĩ sau trận thua U22 Việt Nam trong trận giao hữu trên sân nhà, bóng đá Trung Quốc lại có những quyết định mạnh mẽ, gây chú ý với dư luận châu Á. Cùng với việc sa thải HLV Hiddink, Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc cũng quyết định án phạt nặng đối với tiền đạo 20 tuổi Guo Tianyu do bình luận chê bai đội tuyển U22 Trung Quốc sau trận thua U22 Việt Nam. Theo đánh giá của giới chuyên môn, đây là những quyết định rất nặng tay nhằm cứu vớt những hy vọng giành tấm vé Olympic 2020.

Việc ký hợp đồng với cựu HLV đội tuyển Hà Lan và CLB Chelsea Hiddink, có thể thấy Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc thể hiện tham vọng lớn tại Vòng chung kết U23 châu Á và quyết tâm giành tấm vé dự sân chơi Olympic 2020. Tuy nhiên, dưới triều đại của HLV Hiddink, thành tích của tập thể trẻ bóng đá Trung Quốc thi đấu thiếu ấn tượng. Trung Quốc chỉ thắng 5, hòa 4 và thua 3. Câu chuyện được đẩy lên cao sau trận thua 0-2 mới đây trước tuyển U22 Việt Nam, khiến dư luận Trung Quốc dậy sóng.

Là thuyền trưởng, Hiddink chịu trách nhiệm chính cho thành tích của tập thể mà ông dẫn dắt. Tuy nhiên, phần lớn đều đồng tình, chất lượng cầu thủ trẻ Trung Quốc hiện nay khá thấp, vậy nên cũng sẽ rất khó để HLV giàu kinh nghiệm như Hiddink có thể xây dựng đội bóng mạnh.

Trong diễn biến liên quan, tiền đạo trẻ Guo Tianyu bị Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc phạt nặng, cấm góp mặt ở tất cả các đội tuyển bóng đá Trung Quốc trong thời gian 6 tháng. Guo Tianyu cũng sẽ không được ra sân ở các giải đấu của CFA bao gồm Giải vô địch Trung Quốc (Chinese Super League) nơi CLB Wuhan Zall mà cầu thủ này đang thi đấu. Lý do là Guo Tianyu có những bình luận thiếu tích cực về U22 Trung Quốc, ảnh hưởng đến hình ảnh của nền bóng đá nước này sau trận thua U22 Việt Nam trên sân nhà.

Trong quá khứ, không ít lần bóng đá Trung Quốc gây chú ý trên toàn thế giới khi có những quyết định “lạ lùng” luân phiên thay đổi HLV ở đội tuyển Trung Quốc. Đầu tiên là chọn HLV Marcello Lippi, sau đó chuyển giao cho Fabio Cannavaro, rồi vài tháng sau lại “nối lại tình xưa” với ông Lippi. Điều này cho thấy sự mất phương hướng của nền bóng đá đông dân nhất thế giới, nhưng chưa một lần vô địch châu Á và chỉ duy nhất dự Vòng chung kết World Cup vào năm 2002 với thành tích 3 trận toàn thua.

Với sân chơi Olympic và cấp độ bóng đá trẻ, thành tích của Trung Quốc cũng không khá hơn. Bóng đá Trung Quốc chỉ mới 1 lần dự Olympic, nhưng với tư cách là đội chủ nhà đăng cai năm 2008.

Từ khi Vòng chung kết U23 châu Á được tổ chức lần đầu vào năm 2013, Trung Quốc đều bị loại từ vòng bảng. Ở hai giải đấu vào năm 2013 và 2016, U23 Trung Quốc thua cả ba trận vòng bảng. Năm 2018, khi giải được tổ chức trên sân nhà, U23 Trung Quốc mới được tận hưởng hương vị chiến thắng. Nhưng với chỉ 1 trận thắng, họ tiếp tục phải rời cuộc chơi sớm ngay từ vòng bảng.

Những thống kê trên cho thấy năng lực của nền bóng đá Trung Quốc trong vòng 1 thập niên qua. Việc mời gọi - chia tay các HLV danh tiếng thế giới diễn ra liên tục cho thấy Trung Quốc đang nóng lòng thể hiện tham vọng của đất nước đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, có vẻ như càng hành động, họ càng cho thấy sự mất phương hướng trong cách làm bóng đá.

Sẽ không bất ngờ nếu U22 Trung Quốc thi đấu không thành công tại Vòng chung kết U23 châu Á (4 tháng nữa sẽ diễn ra), khi mà lực lượng của họ không có chiều sâu. Trung Quốc cũng sẽ khó khăn ngay cả khi gặp những đội bóng tầm trung chứ chưa nói đến các nền bóng đá mạnh của châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran…

NGÔ NHẬT

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/88/229307/bong-da-trung-quoc-mat-phuong-huong.html