Bóng đá Trung Quốc từng khuynh đảo thị trường chuyển nhượng ra sao?
Năm 2016 là thời điểm bóng đá Trung Quốc khiến châu Âu lo lắng. Các CLB Super League ồ ạt nhắm vào lục địa già, đưa ra những lời đề nghị khiến nhiều cầu thủ không thể chối từ.
Với tham vọng đưa đội tuyển nước nhà vào hàng ngũ những đội hay nhất World Cup, lãnh đạo Trung Quốc mở đường cho các tập đoàn lớn ở quốc gia tỷ dân đầu tư vào bóng đá. Năm 2016, nhiều đội bóng tại quốc gia này gây náo loạn làng túc cầu với những bản hợp đồng bom tấn.
Các CLB ở "Siêu giải đấu" (Super League) liên tiếp vung tiền để phá kỷ lục chuyển nhượng, với niềm tin rằng việc thu hút những ngôi sao hàng đầu thế giới sẽ giúp nâng tầm bóng đá nước nhà. Điều này từng có thời điểm khiến bóng đá châu Âu hoang mang.
Với bóng đá Trung Quốc, họ coi đó là chiến lược quan trọng, chìa khóa cho khát vọng thống trị môn thể thao vua trên thế giới.
Những bản hợp đồng bom tấn
Điều khác biệt của Super League là các doanh nhân Trung Quốc không quan tâm đến việc kiếm lợi nhuận từ CLB. Mục tiêu chỉ để giúp bóng đá nước nhà hóa rồng. Để thành lập Super League, giới chủ các đội bóng phải bỏ ra số tiền khổng lồ. Chính sách của họ là trả những khoản tiền kếch xù để đảm bảo có được sự phục vụ của các ngôi sao tên tuổi ở châu Âu.
Nicolas Anelka và Didier Drogba là hai cầu thủ tiên phong trong làn sóng cầu thủ "di cư" sang Trung Quốc chơi bóng. Cả hai lần lượt hưởng mức lương 170.000 bảng và 200.000 bảng. Con số rất cao thời điểm đó.
Năm 2016, Trung Quốc gây chấn động làng túc cầu với hàng loạt thương vụ đắt đỏ. Các CLB Trung Quốc lần lượt ký hợp đồng với Alex Teixeira, Gervinho, Demba Ba, Graziano Pelle, Ezequiel Lavezzi, Hulk, Ramires và Jackson Martinez. Những cầu thủ này đang ở độ chín sự nghiệp khi quyết định rời bỏ châu Âu.
Đỉnh điểm là việc Shanghai SIPG chi 52 triệu bảng để chiêu mộ Oscar từ Chelsea, bất chấp tiền vệ người Brazil được liên hệ tới Juventus. Oscar nhận mức lương chưa từng có, lên tới 500.000 bảng mỗi tuần. Nói về quyết định này, cựu sao "The Blues" khẳng định: "Tôi đến đây vì nghĩ cho gia đình nhiều hơn là sự nghiệp. Đôi khi, Trung Quốc đặt lên bàn đàm phán những con số mà bạn không thể chối từ".
Khi bóng đá châu Âu hoang mang
Cách làm của Trung Quốc mang tới mối nguy cho nền bóng đá châu Âu. HLV Arsene Wenger từng phát biểu: "Bạn không thể tạo ra một giải đấu hàng đầu theo cách như vậy. Khi bạn muốn trở thành một cầu thủ bóng đá, nguyện vọng đầu tiên là được ra sân ở giải đấu tốt nhất với những cầu thủ giỏi nhất. Và những gì bóng đá Trung Quốc đang làm có thể là vấn đề cho Premier League".
Antonio Conte, khi đó là HLV Chelsea, đã nói rằng sức mạnh tài chính trong việc săn đón cầu thủ của các CLB Trung Quốc là "mối nguy hại". Ông nêu quan điểm: "Thị trường Trung Quốc khiến nhiều đội bóng châu Âu phải lo lắng, không chỉ với riêng Chelsea, mà trên toàn thế giới".
Bằng cách chi tiêu xa xỉ, Trung Quốc dần thay đổi cách thức hoạt động của các đội bóng châu Âu. Nhìn vào bức tranh kinh tế lớn hơn, điều đó khiến chi phí chuyển nhượng, tiền lương và phí đại diện ở các giải đấu lớn tăng cao.
Từng có báo cáo từ Premier League về việc một số người đại diện sử dụng Trung Quốc như một công cụ để mặc cả trong các cuộc đàm phán hợp đồng, đáng chú ý nhất liên quan đến Alexis Sanchez và Mesut Ozil. Họ chỉ cần nhìn vào thương vụ Oscar để gây áp lực, trong khi quyền lực và địa vị của các siêu cò, vốn đã là một vấn đề nan giải của bóng đá châu Âu, ngày càng được củng cố nhờ tiền bạc.
Để đưa bóng đá Trung Quốc trở thành một hiện tượng toàn cầu, còn cách nào tốt hơn là phá hoại trật tự cũ do châu Âu thiết lập? Làn sóng cầu thủ tên tuổi ồ ạt chuyển sang Trung Quốc khiến nền bóng đá lục địa già lo sợ.
Tuy nhiên, HLV Jurgen Klopp của Liverpool vẫn tỉnh táo. Ông nhận định: "Tôi nghĩ thời điểm này, Trung Quốc không phải giải đấu mà các cầu thủ thật sự muốn đến. Cách duy nhất để các cầu thủ đến đó là tiền. Nếu một cầu thủ làm vậy, thường đó là một phần lựa chọn trong sự nghiệp. Tôi không nghĩ chúng ta nên nói rằng đó là một mối nguy hiểm, đó là một lựa chọn hay là một cơ hội khác".
Dự đoán của HLV Klopp đã đúng. Khi hết tiền, bóng đá Trung Quốc rơi dốc. Sự bùng nổ của bóng đá Trung Quốc tới hồi kết. Thậm chí, trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, các CLB Trung Quốc phải cắt giảm chi phí và thi hành nhiều chính sách thắt chặt tài chính.
Năm 2020, Hiệp hội Bóng đá Trung Quốc đưa ra những quy định nghiêm ngặt về tiền lương. Theo quy định mới, lương của cầu thủ nước ngoài giới hạn ở mức 2,7 triệu bảng mỗi năm, tương đương 52.000 bảng mỗi tuần. Điều này đồng nghĩa, Oscar bị cắt giảm tới 85% mức đãi ngộ.
Hệ quả là nhiều cầu thủ cũng quyết định rời đi. Super League từng là "miền đất hứa" giờ thay đổi. Cầu thủ không thể chơi bóng thông thường.
Cách Trung Quốc đầu tư vào bóng đá một thập niên qua từng mang tới nỗi lo lớn, thậm chí mối đe dọa cho bóng đá châu Âu. Nhưng điều cần nhất là "văn hóa" như Wenger nhận định, thì Trung Quốc không có.