'Bóng đá Việt Nam cần 100 cầu thủ cho mục tiêu World Cup 2026'
Những màn trình diễn ấn tượng trước Nhật Bản, Hàn Quốc mang tới niềm tin cho HLV Philippe Troussier vào tương lai U19 Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung.
Cuộc chia ly với Juergen Gede từng đặt HLV trưởng tuyển U19 Việt Nam Philippe Troussier vào vị trí ứng viên hàng đầu cho ghế Giám đốc Kỹ thuật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Dù vậy, Troussier khẳng định với Zing rằng thời điểm này, ông chỉ muốn tập trung mọi thứ cho đội U19.
Không nhận được đề nghị làm GĐKT VFF
- Nhiều nguồn tin nói rằng ông sắp tiếp quản vị trí Giám đốc Kỹ thuật VFF. Có thật vậy không?
- Philippe Troussier: Không hề, tôi chưa nhận được lời đề nghị nào từ VFF. Tôi chỉ biết rằng họ không gia hạn hợp đồng với Juergen. Còn tôi vẫn là một phần của VFF, là HLV trưởng đội U19. Tôi có nhiệm vụ rõ ràng với đội U19 và phải ưu tiên cho nhiệm vụ đó.
Tại sao tôi nói tới phân công nhiệm vụ ư? Nó cũng giống như việc HLV Park đang tập trung cho vòng loại World Cup 2022. Còn tôi, tôi tập trung cho mục tiêu dự World Cup 2026.
- Vậy nếu có một lời mời từ VFF, ông sẽ nói gì?
- Tôi không một mình quyết định được việc này. Nhưng tôi nghĩ, bóng đá Việt Nam phải hiểu giám đốc kỹ thuật là gì đã.
Giám đốc kỹ thuật là người thiết lập những tiến trình, vạch ra con đường cho sự phát triển bóng đá. Họ là những người làm bóng đá ở tầm vĩ mô, tức là giúp các huấn luyện viên bóng đá trở nên giỏi hơn, giúp các CLB xây dựng học viện, đào tạo cầu thủ từ lúc còn nhỏ. Đó là chặng đường dài, rất rất dài và vị trí giám đốc kỹ thuật ở VFF có trách nhiệm vô cùng lớn. Những gì người này làm sẽ có ý nghĩa trong chặng đường 20 năm tới đây.
- Đợt dịch bệnh này đã khiến nhiều kế hoạch của bóng đá Việt Nam gián đoạn. Tôi được biết lịch của U19 Việt Nam và giải giao hữu Toulon Tournament đều đã bị tác động.
- Chúng tôi đang đối mặt một số vấn đề do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhưng tôi thấy không chỉ riêng Việt Nam mà các nền bóng đá khắp thế giới cũng bị tác động. Tin tốt cho chúng ta là tình hình đã ổn định trở lại, các giải vô địch quốc gia sẽ bắt đầu sau 1-2 tuần nữa. Giải U19 quốc gia cũng sẽ trở lại đầu tháng 6. Tôi không thấy căng thẳng lắm, tôi còn thấy chúng ta may mắn vì các nền bóng đá khác trên thế giới chưa sẵn sàng trở lại đâu.
Về sự chuẩn bị của U19, nói thật là tôi chưa biết. Chúng tôi có kế hoạch đi Pháp (dự giải giao hữu Toulon Tournament - PV) và đi Uzbekistan dự vòng chung kết U19 châu Á. Nhưng tới giờ, tôi chưa biết biên giới các nước sẽ mở cửa trở lại ra sao. U19 Việt Nam cũng chưa có kế hoạch rõ ràng nào, chúng tôi còn phải đợi tình hình dịch. Nhưng tôi không lo lắng, U19 Việt Nam đã sẵn sàng trở lại.
- Năm ngoái, lúc mới tiếp quản U19 Việt Nam, ông khiến người hâm mộ cực kỳ ấn tượng khi giúp đội chơi những trận rất hay trước Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông nghĩ chúng ta có cơ hội ở U19 châu Á không?
- Giải đấu đó là mục tiêu của chúng tôi, đưa U19 Việt Nam vào nhóm 4 đội mạnh nhất là mục tiêu vô cùng quan trọng. Đội tuyển tới Uzbekistan (nơi tổ chức U19 châu Á 2020 - PV) không phải để du lịch.
Các cầu thủ của tôi đã chứng tỏ được năng lực trước Nhật Bản và Hàn Quốc. Tôi tin rằng họ sẽ còn tiến bộ hơn bởi họ đang có quá trình chuẩn bị tốt. Chuẩn bị tốt sẽ giúp họ tự tin khi gặp các đối thủ mạnh.
Không có cơ hội cho cầu thủ U19 ở V.League
- Nhưng chưa ai trong đội hình U19 của ông có suất đá chính tại V.League. Tôi nghĩ đó không phải chuyện nhỏ.
- Bạn nói đúng, điều này thực sự khiến chúng ta phải suy nghĩ, suy nghĩ về những gì đang diễn ra với các cậu bé U19, U20, U21 hay cả U17 tại các CLB Việt Nam. Chúng ta phải nghĩ về những sân chơi của họ, nơi mà họ được chuẩn bị cho tương lai sau này.
Tôi biết các cầu thủ U19 Việt Nam không hề có cơ hội tại V.League. Nhiều đội bóng đang đào tạo trẻ khá tốt, nhưng họ làm chưa đủ. Cầu thủ trẻ phải có sân chơi để thi đấu, thi đấu mới phát triển được chứ. Tôi hy vọng 2 năm tới, mọi thứ sẽ tốt hơn.
- U19 không được chơi ở hạng đấu cao nhất, còn U23 thì vừa thua ở Thái Lan?
- Tôi biết U23 Việt Nam được kỳ vọng rất nhiều khi dự giải châu Á. Tuy nhiên, lịch trình cập rập khiến thể lực của họ bị bào mòn. Nhiều người đã rất mệt mỏi sau SEA Games. Bản thân giải châu Á cũng không hề dễ dàng, đội bóng nào cũng muốn giành vé đi Olympic mà.
Thất bại đó sẽ là bài học cho chúng ta. Việt Nam vẫn còn nhiều giải đấu để hướng tới. Thành công luôn đòi hỏi một cái giá nào đó. Đừng lo, phải như thế các cầu thủ mới rút ra được kinh nghiệm. Tôi tin bóng đá Việt Nam đang cải thiện từng ngày.
- Thất bại của đội U23 có tạo áp lực lên lứa U19 ở SEA Games tới không?
- Không đâu, đội dự SEA Games năm sau vẫn là lứa U21 mà. Tôi nghĩ đội U19 sẽ đóng góp vài tài năng nhưng lực lượng chủ chốt vẫn phải là U21. Việt Nam cũng còn nhiều cầu thủ tham dự từ SEA Games 2019.
- Nhiều người nói rằng vinh quang bóng đá Việt Nam có thể kết thúc sau thất bại của đội U23. Ông nghĩ sao về nhận định đó?
- Không, tôi sẽ lấy ví dụ cho bạn hiểu. Con đường phát triển cầu thủ không phải đường thẳng. Khi cầu thủ thất bại ở một giải đấu, anh ta nhận thấy những khiếm khuyết của mình, anh ta sẽ lấy đó làm bài học để tiến bộ hơn trong tương lai. Nếu không thi đấu, cầu thủ sẽ không có bài học.
Đó là lý do vì sao tôi nói rằng để chuẩn bị cho World Cup 2026, chúng ta cần tất cả thế hệ cầu thủ sinh từ năm 1998 tới 2004, con số sẽ lên tới khoảng 100 cầu thủ. 100 người này là những người được trải nghiệm, được thử thách ở các giải đấu từ vòng loại World Cup tới SEA Games 2021, vòng loại Olympic 2024...
Câu hỏi thực sự ta phải đặt ra là 100 cầu thủ này bây giờ đang ở đâu? Và họ được chơi bao nhiêu trận? Các cầu thủ cần tập luyện, tốt thôi, nhưng họ phải được thi đấu nữa.
Đào tạo cầu thủ để vô địch U19 hay để tiến bộ hơn?
- Ông Park từng nói ông ấy thiếu tiền đạo vì các CLB Việt Nam đều sử dụng ngoại binh đá cao nhất. Ông có gặp vấn đề tương tự ở đội U19 không?
- Tất cả các đội bóng ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan hay trên thế giới cũng gặp vấn đề tương tự. Tin tôi đi, đó không phải vấn đề của riêng Việt Nam. Chơi bóng cùng các ngoại binh không hề dễ dàng. Nhưng vấn đề làm tôi lo không phải việc thiếu tiền đạo mà là việc các cầu thủ không được chơi bóng thường xuyên. Chúng ta không hề thiếu tiền đạo.
Lấy ví dụ như em Nguyễn Văn Tùng của U19 Hà Nội. Cầu thủ này có đẳng cấp cao nhưng không được chơi ở V.League. Bạn bảo tôi không có nhiều cầu thủ U19 chơi ở các đội bóng V.League phải không? Trường hợp này cũng thế. Tôi nghĩ vấn đề nằm ở các HLV. Họ nghĩ rằng các cầu thủ U19 còn quá trẻ để chơi chuyên nghiệp. Các HLV Việt Nam đều như vậy.
- Vậy họ có thực sự “trẻ” hay không?
- Tất nhiên, cầu thủ U19 thì trẻ là đúng rồi, nhưng tại sao lại là quá trẻ? Vì họ chưa từng được chơi bóng trước đây. Nếu muốn chơi bóng ở V.League, họ phải có khả năng. Như tôi từng nói: hãy tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ (80% số họ là U19) chơi V.League 3 đi, hãy tin tôi, kiểu gì cũng sẽ xuất hiện những cầu thủ U19 chơi ở V.League 1.
Quay trở lại vấn đề cũ, các HLV Việt Nam không dùng nhiều cầu thủ U19 vì họ không muốn mạo hiểm. Tùng là cầu thủ đẳng cấp cao, thực sự cao, nhưng không có cơ hội chơi ở V.League. Có thể phải 2-3 năm nữa, cậu ấy mới được thi đấu. Rất nhảm nhí, chán vô cùng, các cầu thủ như vậy họ rất cần được thi đấu. Vì có thi đấu thì họ mới khám phá ra tiềm năng của bản thân.
- Tôi nghĩ mình hiểu lý do các HLV V.League ngại sử dụng cầu thủ trẻ. Điều đó sẽ khiến thành tích của CLB bị ảnh hưởng. Nhưng cả với bóng đá trẻ, cũng tồn tại một mâu thuẫn. Lấy U19 của ông làm ví dụ nhé, nếu cầu thủ đá không tốt, họ làm sao dự được giải châu Á hay U20 World Cup. Mà các giải đó lại giúp chuyên môn của họ tiến bộ hơn. Đó chẳng phải là một mâu thuẫn?
- Ổn thôi, vì bạn đã nói tới điều đó, tôi sẽ giải thích. Ta phải xem mục đích của việc đào tạo trẻ là gì? Thành tích hay sự phát triển? Tất nhiên nếu vì cả hai thì thật tuyệt vời. Nhưng hãy xem ở Tây Ban Nha, Barcelona có đào tạo để đội trẻ của họ vô địch? PSG có vô địch giải trẻ? Không hề. Nhưng họ đều dạy cầu thủ trẻ rất nhiều thứ để chúng trở nên chuyên nghiệp. Hãy tự hỏi mục đích đào tạo trẻ của Việt Nam là gì? Ta đào tạo để họ thành nhà vô địch ở cấp độ U19 hay để họ trưởng thành hơn, để có suất trong đội tuyển quốc gia?
Theo tôi, đích đến của đào tạo trẻ chính là đào tạo ra cầu thủ chuyên nghiệp. Nếu muốn thắng một trận đấu, một số HLV sẽ sẵn sàng đặt vào đội hình những cầu thủ ngu ngốc. Họ sẵn sàng đặt trước khung thành những hậu vệ ngu ngốc chỉ vì anh ta có thể hình to lớn. Họ cũng sẵn sàng đặt trước khung thành một thủ môn ngu ngốc chỉ vì sải tay của anh ta dài. Những cầu thủ này nhìn là chẳng thấy có tương lai, nhưng họ lại phục vụ cho thành tích trước mắt của đội bóng. Tốt thôi, đội bóng này chiến thắng nhưng thật đáng tiếc khi những cầu thủ trẻ lại chẳng có tương lai.
Ở các CLB, câu chuyện thành công hay sự tiến bộ của cầu thủ luôn xung đột lẫn nhau suốt nhiều năm rồi.
- Ông đã làm GĐKT của PVF 2 năm rồi. Tôi tin ông có giải pháp cho việc này?
- Tôi cho rằng V.League 3 (giải hạng Nhì - PV) có thể là câu trả lời. Giải đấu đó có thể coi như giải “Amateur”, là bước chuẩn bị cho các đội trẻ ở CLB.
Tại Việt Nam, chúng ta có một số lượng lớn cầu thủ tài năng ở các lứa U18 đến U23. Nhưng thật tồi tệ khi mà họ không được chơi bóng thường xuyên tại giải vô địch quốc gia, ngoại trừ một số trường hợp. Họ cần được thi đấu hàng tuần ở các CLB, trong một thời gian khoảng 8-9 tháng. Họ cần được chơi 30-40 trận mỗi năm, trong khi sự thật là các cầu thủ U19 chỉ chơi khoảng 10 trận/năm, như vậy là không đủ.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.