Bóng đá Việt Nam chuẩn bị gì cho năm 2025?

Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn cho biết, năm 2025 đánh dấu một khối lượng công việc lớn khi có tới 4 đội bóng đá đại diện Việt Nam tham dự SEA Games, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và tính toán kỹ lưỡng từ các bộ phận chuyên môn.

Sẵn sàng chinh phục các mục tiêu lớn

Thông tin từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, năm 2024, bóng đá Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng đạt được những thành tựu đáng ghi nhận như tuyển futsal nữ lần đầu tiên giành chức vô địch Đông Nam Á, mở ra cơ hội chuẩn bị tốt cho vòng loại châu Á và hướng tới vòng chung kết (VCK) châu Á, với mục tiêu tranh suất dự World Cup.

Trong khi đó, tuyển futsal nam cũng duy trì vị thế trong nhóm dẫn đầu khu vực và giành vị trí Á quân Đông Nam Á 2024. Đặc biệt, chức vô địch ASEAN Cup lần thứ 3 của tuyển Việt Nam đã mang lại niềm cảm hứng lớn cho cả nước.

Ngoài ra, tuyển U17 Việt Nam cũng ghi dấu ấn khi giành vé tham dự VCK U17 châu Á diễn ra vào tháng 4 tới tại Saudi Arabia. Đây là cơ hội quan trọng để đội tuyển trẻ chuẩn bị lực lượng cho các giải đấu lớn như SEA Games và vòng loại World Cup trong giai đoạn tới, với mục tiêu hướng tới năm 2030.

Bóng đá Việt Nam đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong năm 2024.

Bóng đá Việt Nam đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong năm 2024.

Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Trần Quốc Tuấn cho biết, trong năm 2025, bóng đá Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với chuỗi kế hoạch triển khai từ năm 2023 và 2024. Đây là điều cần thiết bởi bóng đá vốn mang tính chu kỳ, đòi hỏi sự chuẩn bị liên tục để đảm bảo tính bền vững trong thành tích.

Đơn cử năm 2024, dù không có nhiệm vụ thi đấu lớn, tuyển nữ Việt Nam vẫn được đầu tư mạnh mẽ, với các chuyến tập huấn tại châu Âu và tham dự các giải giao hữu chất lượng tại Trung Quốc. Đây là nền tảng cho sự chuyển giao thế hệ, khi nhiều cầu thủ thuộc thế hệ tham dự World Cup trước đây đã giải nghệ, đòi hỏi việc xây dựng đội hình mới được thực hiện từ sớm.

"Bước sang năm 2025, tuyển nữ Việt Nam phải đảm đương những nhiệm vụ trọng yếu như tham dự vòng loại châu Á hướng tới World Cup, tranh tài tại giải vô địch Đông Nam Á, bảo vệ ngôi vô địch SEA Games tại Thái Lan. Hai mục tiêu hàng đầu đặt ra là đội tuyển phải có mặt tại VCK châu Á và duy trì vị trí dẫn đầu khu vực” - ông Trần Quốc Tuấn cho biết.

Trong khi đó, U23 Việt Nam cũng mang trên vai nhiệm vụ quan trọng khi tham dự SEA Games cuối năm tại Thái Lan. Hướng tới mục tiêu này, ngay từ năm 2024, HLV Kim Sang-sik đã lên kế hoạch để chuẩn bị lực lượng, nhiều cầu thủ trẻ triển vọng đã được triệu tập thường xuyên để cọ xát ở cấp đội tuyển quốc gia. Đây là những nhân tố chủ chốt hứa hẹn sẽ tạo nên bộ khung vững chắc cho U23 Việt Nam tại SEA Games.

Bên cạnh đó, trong năm 2024, U22 Việt Nam cũng được tạo điều kiện tham dự một giải đấu quốc tế ở Trung Quốc, nơi đội đã đối đầu với các đối thủ mạnh như Trung Quốc, Uzbekistan và Nhật Bản, qua đó tích lũy thêm những bài học quý giá, góp phần nâng cao trình độ và chuẩn bị cho tương lai.

Chức vô địch ASEAN Cup lần thứ 3 của tuyển Việt Nam đã mang lại niềm cảm hứng lớn cho cả nước.

Chức vô địch ASEAN Cup lần thứ 3 của tuyển Việt Nam đã mang lại niềm cảm hứng lớn cho cả nước.

Năm 2025 đánh dấu một khối lượng công việc lớn khi có tới 4 đội bóng đá đại diện Việt Nam tham dự SEA Games, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và tính toán kỹ lưỡng từ các bộ phận chuyên môn của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Theo kế hoạch, vào tháng 6, đội tuyển futsal nam sẽ tham gia các trận giao hữu quốc tế chất lượng để chuẩn bị cho SEA Games cũng như giải vô địch Đông Nam Á.

Đối với đội tuyển futsal nữ, sau khi giành vé vào VCK châu Á, đội sẽ được tổ chức các chuyến tập huấn và thi đấu cọ xát quốc tế nhằm đảm bảo sự chuẩn bị toàn diện. Những kế hoạch này không chỉ giúp các cầu thủ cải thiện trình độ mà còn tạo điều kiện để đội tuyển sẵn sàng chinh phục các mục tiêu lớn trong năm 2025.

Tập trung đào tạo và phát triển bóng đá trẻ

Theo Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn, xu thế tăng cường sử dụng cầu thủ nhập tịch đang diễn ra mạnh mẽ tại cả châu Âu và châu Á, góp phần nâng cao sức mạnh cho các đội tuyển quốc gia.

Tuy nhiên, việc này được cân nhắc cẩn trọng, nhằm bảo đảm vừa giữ gìn bản sắc dân tộc, vừa phát huy tối đa sức mạnh tập thể để hướng đến những mục tiêu lớn hơn. Việc sử dụng cầu thủ nhập tịch trong đội tuyển quốc gia không chỉ tuân theo các quy định của FIFA mà còn dựa trên nguyện vọng của cầu thủ và sự phù hợp với tiêu chí chuyên môn, văn hóa.

Việt Nam tập trung cho đào tạo và phát triển bóng đá trẻ.

Việt Nam tập trung cho đào tạo và phát triển bóng đá trẻ.

Ngoài ra, công tác đào tạo trẻ cũng được chú trọng đặc biệt. Từ các giải đấu trẻ U9, U11, U15, U17 đến U21, đã chú trọng đặc biệt vào các lứa tuổi từ U15 đến U21 – giai đoạn vàng để các cầu thủ hoàn thiện tài năng và tích lũy kinh nghiệm.

Các tuyển trẻ Việt Nam đã có cơ hội tập huấn và thi đấu giao hữu tại Nhật Bản, Qatar, Trung Quốc, Uzbekistan và nhiều quốc gia khác. Năm 2024 vừa qua, tất cả các đội trẻ, từ U16 đến U19, đều được tham gia các giải đấu giao hữu chất lượng cao, đối đầu với những đội mạnh như Uzbekistan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nhìn ra các nước phát triển, với những nỗ lực đầu tư mạnh mẽ và chiến lược đúng đắn, bóng đá trẻ không chỉ tạo được một nền móng vững chắc mà còn bảo đảm sự ổn định và phát triển lâu dài cho đội tuyển quốc gia trong tương lai.

Tại Việt Nam, để xây dựng một nền bóng đá phát triển bền vững, một trong những yếu tố cốt lõi là tạo ra cơ chế hỗ trợ cho các CLB, DN, trung tâm đào tạo bóng đá trẻ trong việc hoàn thiện cơ sở vật chất. Chỉ khi có cơ sở vật chất tốt mới có điều kiện phát triển tài năng thể thao, đáp ứng các tiêu chí và tiến độ phát triển dài hạn.

Hiện nay, tại một số địa phương, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là vấn đề sân bãi và quỹ đất dành cho bóng đá. Điều này đòi hỏi sự quan tâm và hỗ trợ từ các cấp chính quyền, từ T.Ư đến địa phương, để các CLB có điều kiện phát triển ổn định, bền vững.

“Một nền bóng đá mạnh mẽ chỉ có thể được xây dựng khi từng CLB phát triển tốt. Chính vì vậy, VFF hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm từ các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương có cơ chế ưu đãi giúp các CLB bóng đá ở Việt Nam phát triển một cách toàn diện. Khi các CLB phát triển ổn định, bóng đá Việt Nam sẽ có nền tảng vững chắc để vươn xa hơn trên đấu trường quốc tế" - ông Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.

Ngoài sự quan tâm của Nhà nước, yếu tố xã hội hóa đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Một nền thể thao mạnh cần sự tham gia của các DN đầu tư vào thể thao chuyên nghiệp và bóng đá cộng đồng.

Xã hội hóa hiệu quả sẽ tạo ra nguồn lực lớn, giúp đẩy mạnh sự phát triển và chuyên nghiệp hóa những môn thể thao trọng điểm của quốc gia. Chính vì vậy, rất cần có các chính sách ưu đãi dành riêng cho những DN đầu tư vào thể thao, đặc biệt là bóng đá.

"Đây không chỉ là động lực thúc đẩy xã hội hóa thể thao mà còn là điều kiện thiết yếu để bóng đá Việt Nam tiếp tục chuyên nghiệp hóa, đáp ứng kỳ vọng của người hâm mộ và khẳng định vị thế trên trường quốc tế” - ông Trần Quốc Tuấn chia sẻ.

Ngọc Tú

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bong-da-viet-nam-chuan-bi-gi-cho-nam-2025.html