Bóng đá Việt Nam có chăng... Man City?
Cái gật đầu trị giá 1 triệu USD của TP.HCM để có Lee Nguyễn trong 2 năm khiến không khỏi liên hệ đến trường hợp Man City vừa nhận án kỷ luật rất nặng bởi vi phạm Luật Công bằng tài chính (FFP).
Gói gọn một cách dễ hiểu của FFP là cấm các CLB chi cho khoản mua sắm cầu thủ nhiều hơn số thu. Sở dĩ UEFA phải đề ra quy tắc này là để ngăn ngừa các câu lạc bộ với những “ông bầu” hầu bao không đáy (như các tỷ phú Ả-rập của Man City) thao túng thế giới bóng đá. Bởi nếu để một câu lạc bộ vung tiền vô tội vạ, thâu tóm các ngôi sao với cái giá ngất ngưởng, phi thực tế (làm mạnh mình và suy yếu đối phương) sẽ dẫn đến cơn “sốt ảo” hỗn loạn trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ và tất yếu đến lúc nào đó “bong bóng” sẽ vỡ, bóng đá sẽ sụp đổ.
Quy tắc này không thể áp dụng với bóng đá Việt Nam, bởi đơn giản sau 20 năm lên chuyên vẫn không một đội bóng nào kiếm được tiền, chỉ chi mà không thu. Với 150 tỷ đồng cho 2 mùa đầu tiên ở V.League và mùa này là những bản hợp đồng Công Phượng, Tiến Dũng, suýt chút nữa là “bom tấn” Lee Nguyễn, TP.HCM còn mất cân đối trầm trọng hơn vạn lần Man City. Hay B.Bình Dương từng được ví như “Chelsea Việt Nam”. Hà Nội, HAGL cũng chẳng thể bỗng chốc đi một mạch từ hạng nhì, hạng nhất đến chức vô địch V.League nếu “bầu” Hiển, “bầu” Đức không đổ ra hàng núi tiền.
Trước đó nữa “bầu” Trường của V.Ninh Bình, “bầu” Kiên của Hà Nội ACB, “bầu Thụy” SGXT… từng khiến V.League một thời lao đao, điêu đứng sau những cuộc bung tiền vô tội vạ nhằm có thành tích bằng con đường ngắn nhất, rồi giũ áo ra đi.
Chỉ khi nào bóng đá Việt Nam có FFP của mình mới thực sự chuyên nghiệp.