Bóng đá Việt Nam đặt mục tiêu dự World Cup vào năm 2034
Đề án phát triển Bóng đá Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, mục tiêu môn bóng đá nam phấn đấu vào đến vòng loại thứ ba World Cup 2030, phấn đấu giành quyền tham dự World Cup 2034; giành suất tham dự ít nhất 1 kỳ Olympic 2028 hoặc 2032.

Bóng đá Việt Nam đặt mục tiêu dự World Cup vào năm 2034. Ảnh: Q. Thắng
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã ký Quyết định số 2368/QĐ-BVHTTDL Phê duyệt Đề án phát triển Bóng đá Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Mục tiêu của Đề án nhằm phát triển phong trào bóng đá rộng khắp trong các đối tượng trong xã hội. Đầu tư trọng điểm cho đào tạo tài năng bóng đá, từng bước tiếp cận với mục tiêu lọt vào top 10 quốc gia có nền bóng đá phát triển nhất châu Á, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giành suất tham dự Vòng chung kết FIFA World Cup 2030. Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực bóng đá, đưa bóng đá trở thành một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp. Đổi mới cơ chế, phương thức quản lý, khơi dậy tiềm năng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, sự tham gia của xã hội trong phát triển môn bóng đá ở Việt Nam.
Đề án phát triển Bóng đá Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 được chia làm 2 giai đoạn.
Trong đó, mục tiêu đến năm 2030 gồm đổi mới và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng bóng đá; gắn kết đào tạo các tuyến, các lớp vận động viên kế cận nhằm tạo nguồn cho các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp và các đội tuyển bóng đá quốc gia;
Phát triển bóng đá thành tích cao theo định hướng chuyên nghiệp; Xây dựng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và các tổ chức thành viên của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trở thành những tổ chức mạnh, có khả năng đảm nhận quản lý, tổ chức hầu hết các hoạt động bóng đá ở nước ta.
Phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động bóng đá; sẵn sàng đăng cai tổ chức các giải bóng đá châu lục và thế giới; Hình thành, mở rộng thị trường kinh doanh, dịch vụ bóng đá, thị trường chuyển nhượng cầu thủ bóng đá; Đưa bóng đá nước ta phát triển, trở thành một trong những trung tâm bóng đá của khu vực và châu lục; đến năm 2030 đứng trong nhóm 10 quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu ở châu Á.
Trong giai đoạn này, với mục tiêu SEA Games, phấn đấu môn bóng đá nam giành huy chương tại SEA Games 2025; HCV tại SEA Games 2027 và HCV tại SEA Games 2029; Môn bóng đá nữ: Phấn đấu HCV tại các kỳ SEA Games 2025, 2027 và 2029.
Mục tiêu ASIAD, phấn đấu môn bóng đá nam tại ASIAD 2026 vượt qua vòng bảng; ASIAD 2030 phấn đấu vào đến tứ kết; Asian Cup 2031 phấn đấu vào đến tứ kết;
Môn bóng đá nữ, phấn đấu ASIAD 2026 vào đến bán kết; ASIAD 2030 phấn đấu vào đến bán kết; Asian Cup 2026 phấn đấu vượt qua vòng bảng; Asian Cup 2030 phấn đấu vào đến tứ kết;
Mục tiêu Olympic, FIFA World Cup 2030, 2034, môn bóng đá nam phấn đấu vào đến vòng loại thứ ba World Cup 2030, phấn đấu giành quyền tham dự World Cup 2034; giành suất tham dự ít nhất 1 kỳ Olympic 2028 hoặc 2032.
Môn bóng đá nữ phấn đấu tham dự World Cup 2027, 2031; phấn đấu giành suất tham dự Olympic ít nhất 1 kỳ Olympic 2028 hoặc 2032.
Giai đoạn 2 định hướng đến năm 2045, đổi mới và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng bóng đá; gắn kết đào tạo các tuyến, các lớp vận động viên kế cận nhằm tạo nguồn cho các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp và các đội tuyển bóng đá quốc gia. Ứng dụng bài bản các thành tựu khoa học, công nghệ, y học thể thao hiện đại trong tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng bóng đá; phát triển các hoạt động kinh tế, dịch vụ trong lĩnh vực bóng đá.
Đề án được chia thành 2 giai đoạn với các mục tiêu cụ thể
Chuyên nghiệp hóa ở trình độ cao bóng đá ở cấp đội tuyển quốc gia, câu lạc bộ về cấu trúc, tổ chức, nhân sự, chuyên môn, thương mại, pháp lý, dịch vụ chăm sóc y tế, kinh doanh bóng đá chuyên nghiệp để tạo nguồn thu phát triển bóng đá.
Tổ chức Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và các tổ chức thành viên của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chuyên nghiệp, lành nghề, có uy tín cao trong khu vực, châu lục và thế giới, đủ năng lực làm đầu mối đại diện quốc gia trong các sự kiện Vòng chung kết các giải lứa tuổi FIFA, Vòng chung kết Giải bóng đá Vô địch châu Á.
Nhà nước đầu tư, thực hiện cơ chế xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) để nhanh chóng phát triển và hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động bóng đá; sẵn sàng đăng cai tổ chức các giải bóng đá châu lục và thế giới.
Thị trường kinh doanh, dịch vụ bóng đá, thị trường chuyển nhượng cầu thủ bóng đá phát triển ở mức độ cao, đa dạng hóa các nguồn thu cho hoạt động bóng đá chuyên nghiệp phục vụ phát triển; đối với bóng đá phong trào, bóng đá cộng đồng, bóng đá giải trí Nhà nước khuyến khích và có cơ chế ưu đãi về thời hạn giao sử dụng đất, chính sách khuyến khích về thuế để vận động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển trong đó lưu ý tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng trẻ em chưa có thu nhập tiếp cận với các cơ sở vật chất để tập luyện bóng đá; Pháp luật quy định rõ ràng và bảo vệ tác quyền, quyền hình ảnh, các quyền liên quan như: quyền Internet, quyền khai thác dữ liệu trên các nền tảng truyền thông hiện có và sẽ phát triển trong tương lai.
Bóng đá nước ta phát triển, trở thành một trong những trung tâm bóng đá của khu vực và châu lục; có chỗ đứng vững chắc trong top 10 quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu ở châu Á, phấn đấu có mặt ở ít nhất 1 kỳ Vòng chung kết FIFA World Cup trong giai đoạn 2030 - 2045.
Trong giai đoạn này, với SEA Games, môn bóng đá nam phấn đấu giữ vững vị trí thứ TOP đầu tại khu vực Đông Nam Á; HCV các kỳ SEA Games; Môn bóng đá nữ phấn đấu giữ vững vị trí thứ TOP đầu quốc gia tại khu vực Đông Nam Á; HCV các kỳ SEA Games.
Với mỗi cấp độ giải đấu sẽ có những mục tiêu phù hợp
Với ASIAD, môn bóng đá nam phấn đấu giữ vững vị trí thứ TOP 10 quốc gia tại châu Á; Tham dự các kỳ ASIAD, Asian Cup phấn đấu có huy chương.
Môn bóng đá nữ phấn đấu giữ vững vị trí thứ TOP 5 quốc gia tại châu Á; Tham dự các kỳ ASIAD, Asian Cup phấn đấu có huy chương.
Với mục tiêu Olympic, môn bóng đá nam phấn đấu giành quyền tham dự World Cup trong giai đoạn đến năm 2045; Môn bóng đá nữ phấn đấu duy trì quyền tham dự World Cup trong giai đoạn đến năm 2045.
Đề án cũng đặt ra các giải pháp chính nhằm đạt được những mục tiêu đã đặt ra gồm: Đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý về bóng đá; Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về phát triển bóng đá trong môi trường chuyên nghiệp và lành mạnh; kiên quyết phòng, chống tiêu cực trong bóng đá;
Nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng bóng đá trẻ; Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng bóng đá trẻ; Nâng cao năng lực của các cơ sở tham gia tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện tài năng bóng đá trẻ và nguồn nhân lực ở trong nước;
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học trong đào tạo và phát triển tài năng bóng đá; Phát huy vai trò của các Liên đoàn thành viên, các tổ chức xã hội về thể thao trong việc tuyển chọn, đào tạo tài năng bóng đá; Nâng cao chất lượng các giải vô địch quốc gia.
Đề án cũng nêu rõ, trong giai đoạn 2025 - 2030 sẽ tiến hành hướng dẫn triển khai Đề án; ban hành các kế hoạch, chương trình hành động của các Bộ, ngành trung ương, các kế hoạch, nghị quyết của địa phương để triển khai Đề án; Xây dựng và bước đầu triển khai các Đề án, dự án, kế hoạch có sự đầu tư tập trung, trọng điểm và mang tính đột phá để giải quyết các nhiệm vụ.
Tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035”; Tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Đề án; đề xuất danh mục các văn bản, đề án, dự án để triển khai Đề án giai đoạn 2031 - 2045.
Giai đoạn 2031 - 2045 tiến hành mở rộng, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án; Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án.