Bóng đá Việt Nam đứng dậy thế nào sau thất bại?
Sau giai đoạn thăng hoa cùng HLV Park Hang Seo vươn tới tầm cao khi giành ngôi Á quân U23 châu Á 2018, lọt vào tứ kết Asian Cup 2019, vô địch hai kỳ SEA Games 30 và 31, góp mặt ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022, bóng đá Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn khi bước vào giai đoạn chuyển giao giữa hai thế hệ và các HLV.
Kể từ khi HLV Park Hang Seo kết thúc hợp đồng với bóng đá Việt Nam vào cuối năm 2022, Liên đoàn bóng đá Việt Nam sau nhiều cân nhắc đã quyết định ký hợp đồng với ông Philippe Troussier. HLV 69 tuổi người Pháp với bản lý lịch rất thuyết phục và đã từng làm việc nhiều năm tại Việt Nam.
Một điều không thể phủ nhận, Philippe Troussier là một HLV giỏi. Chiến lược gia người Pháp được mệnh danh là “Phù thủy trắng” khi dẫn dắt các đội tuyển Nam Phi, Bờ Biển Ngà hay Nigeria đến vòng chung kết World Cup. Ông còn giúp U20 Nhật Bản giành vị trí Á quân U20 World Cup 1999, tuyển Nhật Bản vô địch Asian Cup 2000 rồi vào vòng 1/8 World Cup 2002.
1. Tại sao HLV Philippe Troussier lại thất bại với bóng đá Việt Nam?
Trước khi HLV Troussier dẫn dắt, bóng đá Việt Nam vẫn quen với lối chơi phòng ngự phản công kể từ thời HLV Park Hang Seo cũng như các HLV tiền nhiệm trước đó. Lối chơi này được cho là phù hợp với kỹ thuật, thể trạng thậm chí là tâm lý của cầu thủ Việt Nam nên đã đem lại hiệu quả và những thành công nhất định cho đội tuyển thời gian qua. Từ tháng 3/2023 đến 31/7/2026, khi HLV Troussier dẫn dắt bóng đá Việt Nam, ông được giao chỉ tiêu bảo vệ huy chương Vàng SEA Games, giành chức vô địch AFF Cup 2024 và vào vòng loại thứ 3 World Cup 2026. Trong quãng thời gian làm việc với đội tuyển, HLV Troussier muốn đem đến một làn gió mới đối với bóng đá Việt Nam. Ông đã áp dụng lối chơi bóng hiện đại, đó là kiểm soát bóng, chủ động pressing, phát triển bóng từ thủ môn, dồn ép đối thủ để chiếm lĩnh thế trận. Tuy nhiên, lối đá này đã không đem lại thành công. Vậy lý do tại sao?
Thứ nhất, lứa cầu thủ thế hệ vàng dưới thời HLV Park Hang Seo như: Tiến Linh, Hùng Dũng, Văn Thanh, Văn Hậu, Quang Hải, Hồ Tấn Tài… đã không còn duy trì được phong độ xuất sắc như trước. Thứ hai, trong khi lớp cầu thủ được coi là “thế hệ vàng” đã qua thời đỉnh cao thì lớp cầu thủ trẻ kế cận như: Thái Sơn, Khuất Văn Khang, Minh Trọng, Đình Bắc, Nhâm Mạnh Dũng… lại chưa đủ chín để theo kịp lối chơi của mà Troussier đề ra. Thứ ba, người hâm mộ bóng đá Việt Nam đang quá quen với những hào quang và danh hiệu dưới thời HLV Park Hang Seo.
Chính điều này vô tình trở thành cái mốc tham chiếu để so sánh với HLV Troussier. Đây cũng là một phần nguyên nhân đè nặng tâm lí và tạo áp lực lớn đối với nhà cầm quân người Pháp. Cuối cùng, và cũng là điều được cho là quan trọng nhất, đó là sự phù hợp về phương pháp triển khai ý tưởng của HLV Philippe Troussier.
Để áp dụng hiệu quả triết lý của ông thầy người Pháp, các cầu thủ ngoài việc đáp ứng tốt về kỹ thuật, thể lực thì tư duy chơi bóng là rất quan trọng. Muốn kiểm soát bóng, chủ động áp sát gây áp lực toàn diện lên đối phương trên khắp mặt sân, các cầu thủ phải biết định hướng vị trí, di chuyển đồng bộ, phán đoán hướng tấn công của đối phương. Và để có được những yếu tố này, mỗi cầu thủ phải được thấm nhuần thứ triết lý bóng đá đó ngay từ cấp CLB.
Tuy nhiên, hệ thống đào tạo trẻ của chúng ta hiện chưa có sự đồng nhất, mỗi CLB một định hướng riêng, đa phần là cách chơi phòng ngự phản công. Do đó, mỗi lần đội tuyển tập trung làm nhiệm vụ, HLV trưởng và đội ngũ trợ lý thường mất rất nhiều thời gian để hướng dẫn từ kỹ thuật cá nhân đến tư duy chiến thuật. Một năm đã trôi qua, nhưng vẫn có rất nhiều trận đấu cầu thủ của chúng ta chưa thể thích nghi ngay được. Lối chơi kiểm soát bóng nửa vời, dẫn đến tuyến phòng ngự thì lỏng lẻo, hàng tấn công lại đói bóng, không có nhiều cơ hội áp sát cầu môn đối phương. Và tất nhiên, trong những trận cầu “cân não”, những sai số ấy không được phép xảy ra. Đây có lẽ là nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của HLV Philippe Troussier ở cả U23 lẫn đội tuyển Việt Nam.
2. Phải thay đổi từ đâu. Có nên nhập tịch cầu thủ?
Sau thất bại này, có nhiều luồng ý kiến cho rằng Indonesia đã thành công khi thắng chúng ta ở chiến lược nhập tịch các cầu thủ ngoại. Nhưng chỉ vì một chút thành công tại Asian Cup 2023 hay hai chiến thắng trước Việt Nam tại vòng loại thứ 2 World Cup 2026 mà vội đánh giá đó là “chìa khóa” mang lại thành công cho đội bóng xứ Vạn đảo, thì phải chăng là quá vội vàng?
Nếu ngoái đầu nhìn lại, có thể thấy Singapore, Philippines, Malaysia, Campuchia và kể cả Indonesia đều là những quốc gia sở hữu nhiều cầu thủ nhập tịch, nhưng thành tựu đáng kể trong những năm gần đây gần như không có gì nổi bật. Nên nhớ rằng, tại Thường Châu, lứa cầu thủ dưới thời HLV Park Hang Seo chỉ toàn “hàng nội” đã vượt qua các đội bóng mạnh tại châu lục để góp mặt ở trận chung kết. Hay trước đó, thế hệ đàn anh Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Minh Hiếu, Hoàng Bửu… từng giành ngôi Á quân Tiger Cup 1998, rồi Công Vinh, Minh Phương, Tài Em…vô địch AFF Cup 2008 chỉ thuần là cầu thủ nội. Chính sách nhập tịch có thể mang lại những lợi ích tức thì, nhưng về lâu dài thì rõ ràng là lợi bất cập hại! Đầu tiên, chắc chắn các cầu thủ nội sẽ mất đi động lực phấn đấu. Tiếp đến, hình ảnh của đội tuyển quốc gia, bản sắc, văn hóa, màu cờ sắc áo cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Gốc rễ vẫn là đào tạo trẻ
Có thể khẳng định, vấn đề căn cốt đối với bóng đá Việt Nam vẫn phải bắt nguồn từ công tác đào tạo trẻ. Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội, Sông Lam Nghệ An, Viettel, PVF… là những trung tâm đào tạo trẻ hàng đầu của bóng đá Việt Nam, nơi sản sinh ra hàng loạt cầu thủ hiện đang góp mặt trong thành phần đội tuyển quốc gia như Quế Ngọc Hải, Tuấn Anh, Văn Toàn, Công Phượng, Phan Văn Đức, Quang Hải, Hoàng Đức hay Duy Mạnh. Tuy nhiên, cần nhìn rõ một điều, không phải lúc nào cũng xuất hiện những nhân tài đặc biệt hay các cá nhân nổi bật. Ngay cả các lò đào tạo hàng đầu trên thế giới như La Masia, Học viện Aspire, Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ của Ajax Amsterdam, Sporting Lisbon… cũng không thể liên tục trình làng những ngôi sao lớn. Đôi khi phải mất tới vài năm, thậm chí là nhiều hơn nữa mới có thể sản sinh ra một lứa cầu thủ tài năng mà chúng ta vẫn gọi là “thế hệ vàng”.
Dù công tác đào tạo trẻ ở Việt Nam vẫn đang có nhiều hạn chế khi hệ thống chưa được định hướng rõ ràng, kế hoạch bài bản, chuyên nghiệp. Nhưng nhìn một cách khách quan, chúng ta đã có những bước tiến khá dài. Các học viện như Hoàng Anh Gia lai JMG, Viettel, PVF đã bước đầu áp dụng nhiều cách làm mới với những mô hình tiên tiến, hiện đại. Ngoài ra, hệ thống các giải bóng đá trẻ trong nước hiện đã “phủ kín” mọi lứa tuổi, từ U9 đến U23 cho thấy quy trình đào tạo của chúng ta đã bắt đầu khép kín. Các giải trẻ được tổ chức gối đầu hàng năm, duy trì sự ổn định, tạo thành một hệ thống thi đấu hoàn thiện, thuận lợi cho công tác tuyển chọn cầu thủ cũng như cơ hội ra sân cho các cầu thủ trẻ.
Định hướng rõ lối chơi
Trong thể thao, thể hình, thể lực hay chiều cao là rất quan trọng. Trong bóng đá lại càng quan trọng. Những gì HLV Philippe Troussier áp dụng với bóng đá Việt Nam cho thấy triết lý của ông không thực sự phù hợp với thể trạng của đa số cầu thủ Việt Nam hiện nay. Đây là lối chơi hiện đại được rất nhiều đội tuyển trên thế giới áp dụng, nhưng để thành công với cầu thủ nội cần phải có sự phát triển đồng bộ từ cấp đào tạo trẻ tới các CLB cho đến đội tuyển quốc gia.
Ai cũng biết, trong mỗi giải đấu hay thậm chí là mỗi trận đấu cụ thể, chiến thuật luôn thay đổi. Riêng về điều này, HLV Park Hang Seo đã áp dụng rất thành công. Ông rất sắc sảo trong việc đánh giá sức mạnh của đối phương để từ đó đưa ra chiến thuật hợp lý. Ngoài ra, HLV người Hàn Quốc còn rất giỏi trong việc phát huy và tận dụng thế mạnh của các học trò. Ông biết cách để kết nối các cầu thủ thành một khối thống nhất, luôn mang đến sự thoải mái về tinh thần cho các cầu thủ. Và sự kết nối đó giúp ông khỏa lấp được những điểm yếu của các cầu thủ Việt Nam.
Với Philippe Troussier, trường hợp của chiến lược gia người Pháp cũng giống bóng đá Thái Lan cách đây 6 năm sau khi mất chức vô địch AFF Cup 2018. Thời điểm đó, họ lựa chọn ông Milovan Rajevac vào vị trí HLV trưởng. Hồ sơ của HLV người Serbia hoành tráng không kém gì ông Troussier nhưng ông này lại thiếu kinh nghiệm và hiểu biết về bóng đá Thái. Phong cách chiến thuật trái ngược hoàn toàn khiến Rajevac thất bại. Kế tiếp là ông Nikira Nishino, một người gần gũi hơn với bóng đá châu Á và là HLV đẳng cấp thế giới nhưng những gì Nishino có với "bầy voi" cũng chiến gần như bằng không. Đã có ý kiến cho rằng chiến lược gia người Pháp đã phá nát bóng đá Việt Nam. Điều này chưa hẳn đã đúng. Vì vậy, nếu nhìn từ góc độ chuyên môn, trình độ giỏi thôi vẫn chưa đủ, điều quan trọng là sự am hiểu và khả năng gắn kết một tập thể, từ đó tìm ra một lối chơi phù hợp với trình độ cũng như thể trạng của cầu thủ Việt Nam.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/bong-da-viet-nam-dung-day-the-nao-sau-that-bai-231864.htm