Bóng đá Việt Nam tìm lời giải dự World Cup
Chức vô địch ASEAN Cup 2024 của tuyển Việt Nam trong những ngày đầu năm mới sẽ là động lực rất lớn cho đội tuyển bóng đá nước nhà hướng đến những giải đấu trong năm 2025 và xa hơn là World Cup.
Những mục tiêu cụ thể cho bóng đá
Chiến lược phát triển thể dục thể thao (TDTT) Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề rõ mục tiêu đến năm 2030, bóng đá nam trong top 10 châu Á và bóng đá nữ trong top 8 châu Á. Đến năm 2045, bóng đá nam trong top 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup, còn bóng đá nữ trong top 6 châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup. Đây là một thách thức không nhỏ cho môn “thể thao vua” tại Việt Nam nhưng cũng là phương hướng cụ thể để hướng tới mục tiêu dài.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Anh Tú, Chiến lược phát triển TDTT mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là kim chỉ nam, tạo cơ sở cho những thay đổi toàn diện, sâu sắc của sự nghiệp TDTT Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt, Chiến lược ra đời đúng vào thời điểm cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân đang tập trung mọi động lực mạnh mẽ để phát triển đất nước trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
“Ngay từ khi Chiến lược được phê duyệt, với nhận thức rõ ràng về trách nhiệm, thách thức, cơ hội phát triển của bóng đá Việt Nam trong thời gian tới cũng như quyết tâm cao nhất để thực hiện được các nhiệm vụ Chính phủ giao, chúng tôi đã tập trung triển khai nghiên cứu 5 quan điểm chỉ đạo, 6 mục tiêu chính và đi sâu phân tích 9 giải pháp định hướng được nêu trong Chiến lược. Trên cơ sở của định hướng và thực tế, chúng tôi đã rà soát lại toàn bộ các nội dung công việc đã triển khai từ sau khi có Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam năm 2013 để thấy rõ những thành công, tồn tại, hạn chế trong công tác phát triển bóng đá Việt Nam thời gian qua” - ông Trần Anh Tú cho biết.
Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, cùng với sự phát triển chung của khu vực và quốc tế, để thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược, bóng đá Việt Nam cần khẩn trương tìm ra giải pháp để thực hiện.
Theo Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú, cần bám sát các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược mới ban hành, tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại. Cùng với đó, tổng hợp, tham mưu các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét điều chỉnh hoặc ban hành mới các quy định trong việc thực hiện chế độ chính sách, giải pháp ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho bóng đá.
Tìm lời giải đến World Cup
Trong buổi gặp mặt tuyển Việt Nam sau chức vô địch ASEAN Cup 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: “Thời gian tới, bóng đá và ngành thể thao nói chung phải tiếp tục phát triển, cùng dân tộc vươn mình. Những người làm thể thao, những người làm bóng đá không được say sưa, "ngủ quên" với thắng lợi mà phải tiếp tục phấn đấu, nỗ lực để làm nên những chiến thắng tiếp theo. Bóng đá Việt Nam phải nỗ lực vô địch châu Á và tham dự World Cup”.
Để hiện thực hóa giấc mơ dự World Cup cho bóng đá Việt Nam là bài toán nan giải. Hướng tới những mục tiêu xa, VFF đề nghị Nhà nước bố trí ngân sách và triển khai một số đề án trọng điểm về đào tạo bóng đá trẻ; đề án xây dựng hệ thống thi đấu đồng thời với đầu tư về khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực quản lý chất lượng cao cho bóng đá Việt Nam; xây dựng thí điểm Trung tâm Khoa học - Y học thể thao phục vụ bóng đá và nhân rộng tại các đơn vị, tổ chức hoạt động bóng đá chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, tích cực tìm kiếm nguồn đầu tư thông qua các tổ chức bóng đá quốc tế và các nhà tài trợ, đối tác dành cho hoạt động bóng đá; tăng cường hợp tác với các quốc gia có nền bóng đá phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE, Qatar…
“Bóng đá Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp như tập trung đẩy mạnh đào tạo cầu thủ trẻ có thể lực, chuyên môn tốt, bản lĩnh, kinh nghiệm thi đấu trong nước, quốc tế; đặc biệt chú trọng đầu tư các lứa cầu thủ 17 - 20 tuổi khi đến thời điểm tổ chức World Cup 2030 và 2034 các cầu thủ này ở lứa tuổi từ 24 - 28 là lứa tuổi “vàng” cho bóng đá đỉnh cao. Để thực hiện được mục tiêu đưa bóng đá Việt Nam tới World Cup, chúng ta cũng cần ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, y học thể thao hiện đại trong tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng bóng đá” – ông Trần Anh Tú cho biết.
Cùng với đó, ngành thể thao cần có các giải pháp phát triển đồng bộ hoạt động kinh tế, dịch vụ trong lĩnh vực bóng đá, chuyên nghiệp hóa và hoàn thiện hệ thống thi đấu theo mô hình hiện đại, tiếp cận và đạt tiêu chuẩn nhóm 10 quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu ở châu Á, đặt mục tiêu có dự World Cup trong giai đoạn 2030 - 2045.
Bóng đá Việt Nam từng có lứa U20 Quang Hải, Tiến Linh, Hoàng Đức, Văn Hậu… tham dự U20 World Cup vào năm 2017. Sau gần 8 năm, lứa U17 dưới sự dẫn dắt của HLV Cristiano Roland đứng trước cơ hội lần thứ 2 làm rạng danh bóng đá nước nhà khi vượt qua vòng loại U17 châu Á 2025. Chỉ cần vượt qua vòng bảng của vòng chung kết U17 châu Á 2025, U17 Việt Nam sẽ có vé đến với vòng chung kết U17 World Cup 2025.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bong-da-viet-nam-tim-loi-giai-du-world-cup.html