Bóng đá Việt Nam trên đường phát triển: Tiêu cực liên miên, SEA Games cũng bán độ
Cho đến ngày giành HCV SEA Games 30, bóng đá Việt Nam đứng đầu khu vực và bắt đầu vượt lên ở cấp châu lục khi năm 2018, U23 Việt Nam đã là á quân U23 châu Á. Để có thành quả đó, bóng đá Việt mất gần 20 năm...
Phải mất gần 20 năm để bóng đá Việt Nam tìm đường đi, là chúng tôi muốn nói đến điểm khởi đầu từ khi bóng đá Việt Nam làm chuyên nghiệp, bắt đầu mùa giải 2000-2001, giải mang cơ chế chuyên nghiệp và cho phép các cầu thủ nước ngoài tham gia thi đấu. 20 năm và trước đó, bóng ma tiêu cực đã làm cản trở sự phát triển mà lẽ ra rất mạnh mẽ của bóng đá Việt.
Mầm mống nảy sinh tiêu cực
Nếu so sánh với nền bóng đá Thái Lan, giải vô địch quốc gia (VĐQG) hai nước có nhiều điểm tương đồng, như Giải VĐQG Thái Lan (Thai League) cũng bắt đầu thực hiện cơ chế chuyên nghiệp khoảng năm 2000 nhưng họ thành công hơn vì biết cách tổ chức chuyên nghiệp thực sự, đặc biệt hạn chế được tiêu cực
Trong khi đó, Giải VĐQG Việt Nam tuyên bố chuyên nghiệp hóa cũng ở thời điểm đó nhưng thực chất các CLB sống chủ yếu bằng ngân sách và công tác điều hành giải vẫn ở trong cơ chế bao cấp khi mà bóng đá không thể tự nuôi sống mình. Cơ chế đó cũng là mầm mống để tiêu cực nảy sinh.
Thực ra, tiêu cực trong bóng đá Việt Nam xảy ra từ rất lâu. Những người làm bóng đá lâu năm còn nhớ nhiều vụ tiêu cực gây chấn động dư luận cả nước với cú đá phản lưới nhà của Lã Xuân Thắng tại Giải VĐQG 1997. Lã Xuân Thắng lúc đó đã thừa nhận mình "có vấn đề" và khẳng định: "Tôi làm tôi chịu nhưng tôi làm có phải chỉ vì mình tôi đâu?".
Vụ án tiêu cực liên quan đến Trần Phi Sơn (Sơn cao) cũng năm 1997, được cơ quan chức năng triệt phá bắt nguồn từ việc cầu thủ Trương Văn Dưỡng của đội Hải Quan bị "xã hội đen" đe dọa, đòi cắt gân chân vì "lật kèo". Vụ này Trương Văn Dưỡng nhận án tù 1 năm. Tuyển thủ quốc gia Nguyễn Phúc Nguyên Chương bị phạt 10 tháng tù cho hưởng án treo và 2 năm thử thách vì tội đánh bạc.
Vụ án trọng tài tiêu cực xảy ra ở giải VĐQG năm 2004, liên quan đến trọng tài Lương Trung Việt, Phạm Hữu Lộc, Trương Thế Toàn, Hoàng Thế Dũng, Lê Văn Tú, cùng lãnh đạo một số đội bóng như Nguyễn Tiến Huy, Vũ Tiến Thành (NHĐA-TP), Lê Văn Cường (Tôn Hoa Sen - Cần Thơ)…
Cho đến khi bóng đá Việt Nam đã vận hành theo cơ chế chuyên nghiệp 14 năm, năm 2014 các cầu thủ đội Đồng Nai vẫn móc nối bán độ lấy tiền. Sáu cầu thủ liên quan đã phải ngồi tù và bị LĐBĐ Việt Nam (VFF) cấm vĩnh viễn tham gia các hoạt động bóng đá do VFF quản lý.
Vụ bán độ chấn động ở SEA Games 2005
Trong nhiều năm tiêu cực trong bóng đá xảy ra liên miên, mà đỉnh điểm là các tuyển thủ U23 Việt Nam bán độ ở SEA Games 2005, dưới quyền huấn luyện của HLV Alfred Riedl, diễn ra ở Philippines. Khi đó, dưới sự chèo kéo của Quốc Vượng, 8 cầu thủ đã cam kết chỉ thắng U23 Myanmar 1-0, kết quả đó vẫn đủ giúp U23 Việt Nam vào bán kết gặp U23 Malaysia. Tài Em đã từ chối cú bắt tay này, trong khi Tấn Tài nhận lời giúp đá thắng nhưng không tham gia vào cá cược. Bảy cầu thủ còn lại gồm Quốc Vượng, Văn Quyến, Quốc Anh, Văn Trương, Hải Lâm, Bật Hiếu và Phước Vĩnh đều "dính chàm" với tổng số tiền bán độ và cá cược hơn 500 triệu đồng.
Bảy tuyển thủ này sau đó phải ngồi tù, tiêu tan sự nghiệp trong tủi nhục. Cú tiêu cực chấn động này cùng với thất bại 0-3 trước U23 Thái Lan trong trận chung kết ở SEA Games 2005, đưa bóng đá Việt Nam rơi xuống vực sâu, mất hết cả lòng tin với người hâm mộ.
Cùng với nhiều vụ tiêu cực khác ở Giải VĐQG, bóng đá Việt Nam chìm trong bóng tối, buộc các nhà điều hành phải tìm đường đi. Đó là sự ra đời của Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vào mùa giải 2012, để điều hành các giải chuyên nghiệp quốc gia, trong đó có V-League.
Bóng đá Việt Nam bắt đầu vận hành theo hướng chuyên nghiệp thực sự, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn. Dù vẫn còn những tồn tại nhất định nhưng hướng đi đó là đúng hướng, để bóng đá Việt Nam có được thành quả như ngày hôm nay.
Kiatisuk: Bóng đá Việt Nam thành công sớm hơn dự kiến
Sau khi U22 Việt Nam vô địch SEA Games 30, trả lời tờ Siam Sport của Thái Lan ngày 12-10, cựu HLV trưởng đội tuyển Thái Lan Kiatisuk cho rằng ông dự báo sai về thời điểm bóng đá Việt Nam bắt kịp trình độ của người Thái. "Thành công của bóng đá Việt Nam đến sớm hơn những gì tôi dự tính năm 2013, khi còn dẫn dắt đội tuyển Thái Lan. Khi đó, tôi nói Việt Nam không thể đánh bại Thái Lan trong 10 năm tới. Vậy mà chỉ sau hơn 6 năm, Việt Nam đã vô địch AFF Cup và SEA Games".