Bỗng dưng bị tranh chấp đất

Cách đây gần 5 năm, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Nghĩa mua một miếng đất ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, giấy tờ chủ quyền hợp pháp. Năm 2019, ông Đàm Quang Trung nói rằng đây là đất của ông, với các giấy tờ chuyển nhượng từ ông Điểu Lao.

Qua các văn bản và kết luận của tòa án, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của ông Điểu Lao cùng các văn bản liên quan đến việc chuyển nhượng đất là trái pháp luật. Sự việc tưởng đã rõ, nhưng đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Cấp trùng GCNQSDĐ

Năm 2017, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Nghĩa mua miếng đất diện tích hơn 22.780m2 (ở thôn 7, xã Đăk Ngo, huyện Tuy Đức; thuộc thửa đất số 7, tờ bản đồ số 88) do vợ chồng ông Điểu Dyai chuyển nhượng. Sau đó, vợ chồng ông Nghĩa đã được Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Tuy Đức cho đăng ký biến động ở trang 4 của GCNQSDĐ số AL 732319. Do chưa có nhu cầu sử dụng, vợ chồng ông Nghĩa cho ông Điểu Dyai tiếp tục canh tác, trồng trọt trên đất của mình.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa đang canh tác trên mảnh đất bị cấp trùng GCNQSDĐ

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa đang canh tác trên mảnh đất bị cấp trùng GCNQSDĐ

Đầu năm 2019, khi vợ chồng ông Nghĩa lấy đất để canh tác thì ông Đàm Quang Trung (thôn 11, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức) đến cự cãi và nói đây là đất của mình. Quá trình giải quyết vụ việc ở xã cho thấy, GCNQSDĐ của ông Trung có diện tích trùng với diện tích đất ông Điểu Dyai bán cho ông Nghĩa, chỉ khác số giấy chứng nhận và ngày cấp giấy. Cụ thể, GCNQSDĐ số AL 732319 của ông Nghĩa được cấp vào 12-11-2007, còn GCNQSDĐ số BO 955687 của ông Trung (nhận chuyển nhượng từ ông Điểu Lao, con rể của ông Điểu Dyai) được cấp ngày 5-8-2013. Vợ chồng ông Nghĩa đã khởi kiện UBND huyện Tuy Đức, yêu cầu hủy GCNQSDĐ số BO 955687.

Các văn bản của UBND huyện Tuy Đức, Văn phòng đăng ký đất đai Tuy Đức cung cấp theo yêu cầu của TAND tỉnh Đắk Nông đều thừa nhận, việc cấp GCNQSDĐ cho ông Điểu Lao là sai sót trong quá trình kê khai, xác minh. Ông Trần Viết Cự, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, cho biết: “Năm 2011, Sở TN-MT tỉnh Đắk Nông đo đạc lập bản đồ địa chính và kê khai cấp GCNQSDĐ tại xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức.

Năm 2013, ông Điểu Lao làm đơn đề nghị cấp GCNQSDĐ, sở hữu nhà ở và tài sản khác. Qua các quy trình, thủ tục, chúng tôi đã cấp GCNQSDĐ cho ông Điểu Lao. Sau khi có đơn khởi kiện hành chính, chúng tôi đã kiểm tra thực địa thửa đất tranh chấp. Qua đó, chúng tôi phát hiện có sự sai sót trong việc thẩm tra cấp giấy chứng nhận cho ông Điểu Lao. Giấy chứng nhận trùng lên phần đất đã được cấp cho ông Điểu Dyai năm 2007. Đó là do 2 thời điểm cấp giấy khác nhau, 2 hệ thống bản đồ khác nhau. Bản đồ cũ không được số hóa nên việc lồng ghép 2 bản đồ không thực hiện được. Tương tự, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai không lồng ghép được bản đồ nên không phát hiện 2 GCNQSDĐ cấp cho cùng một thửa đất, nên vẫn tiến hành làm thủ tục theo quy định”.

Phân định rõ tính chất vụ việc

Tại phiên tòa hành chính sơ thẩm và tại các bản khai, ông Điểu Lao cho biết: “Tôi và bà Thị Nhah (con ông Điểu Dyai) lấy nhau năm 1994. Lúc đó, do tuổi cao, sức yếu, ba vợ tôi có nói cho vợ chồng tôi canh tác trên diện tích đất này. Khi nghe UBND xã Đăk Ngo thông báo đăng ký đất, tôi đã đi đăng ký. Năm 2017, vợ chồng tôi có mượn ông Trung 200 triệu đồng và 150kg điều. Vợ chồng ông Trung đề nghị tôi sang tên trên GCNQSDĐ cho họ để vay ngân hàng giùm. Tôi không bán đất và khi nào tôi trả tiền thì vợ chồng ông Trung sẽ sang tên trên GCNQSDĐ lại cho tôi”. Trong khi đó, vợ chồng ông Trung đã thế chấp GCNQSDĐ thửa đất trên để vay số tiền 500 triệu đồng. TAND tỉnh Đắk Nông tuyên hủy GCNQSDĐ cấp cho vợ chồng ông Điểu Lao và hủy kết quả điều chỉnh biến động.

Tuy nhiên, xét xử phúc thẩm vào tháng 10-2020 và 4-2022, TAND cấp cao tại TPHCM đều tuyên hủy bản án hành chính sơ thẩm của TAND tỉnh Đắk Nông, giao hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm xét xử lại. Theo nhận định của hội đồng xét xử, để giải quyết nội dung tranh chấp một cách toàn diện và triệt để, cần phải giải quyết các tranh chấp theo thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm lại giải quyết vụ việc theo thủ tục tố tụng hành chính là chưa đúng với nội dung tranh chấp.

Theo luật sư Nghiêm Xuân Lý, Đoàn Luật sư TPHCM, cần xác định rõ vụ việc này là hành chính hay dân sự. Ở đây, vợ chồng ông Nghĩa kiện quyết định, văn bản của UBND huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông chứ không tranh chấp với cá nhân nào. Bởi lẽ, gia đình ông Nghĩa canh tác ở miếng đất trên từ năm 2019 đến nay. Chính quyền cấp sai GCNQSDĐ thì khắc phục bằng một quyết định hủy GCNQSDĐ đã cấp và kết quả điều chỉnh biến động. Còn việc ông Điểu Lao khai báo gian dối là hành vi vi phạm pháp luật, mà hậu quả của nó là việc sang tên trên GCNQSDĐ cho vợ chồng ông Trung để vợ chồng ông Trung thế chấp vay tiền ngân hàng. Mặc dù, GCNQSDĐ hợp pháp nhưng là hệ quả của hành vi gian dối thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc này. Vì thế, việc hủy GCNQSDĐ, điều chỉnh biến động trên GCNQSDĐ là có căn cứ. Không thể nhập 2 vụ việc hành chính và dân sự với nhau, vì như vậy sẽ khiến việc xét xử kéo dài, gây bất lợi, mất thời gian, tiền bạc… của người dân. Mặt khác, trong các lần hòa giải, vợ chồng ông Nghĩa đã rất thiện chí trong việc đề nghị hỗ trợ gần 300 triệu đồng để ông Điểu Lao trả cho vợ chồng ông Trung. UBND huyện Tuy Đức cũng có trách nhiệm đối với sai sót của mình.

ĐOÀN HIỆP

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//bong-dung-bi-tranh-chap-dat-826828.html