Bóng hồng áo lính trên tuyến đầu chống dịch
Hai nữ quân nhân chuyên nghiệp thượng úy Bùi Thị Thắmvà thiếu tá Ngô Thị Thoa đã rời xa tổ ấm nhiều ngày qua để chung tay cùng cộng đồng chống dịch COVID-19. Họ làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe và chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho những công dân từ nước ngoài trở về cách lytại Trường Quân sự tỉnh Quảng Ninh.
Nỗ lực cao nhất chăm sócsức khỏe nhân dân
Gần hai tháng nay, thượng úy Bùi Thị Thắm túc trực 24/24 tại doanh trại. 14 năm gắn bó với ngành y, chị chưa bao giờ “căng sức” như thời điểm này khi mỗi ngày cùng 3 cán bộ, nhân viên quân y thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho hàng trăm công dân với nhiều độ tuổi khác nhau.
Cường độ công việc cao, ngoài theo dõi, khám, phát hiện trường hợp nghi nhiễm COVID-19 thì bất kể ngày hay đêm, mỗi khi công dân có yêu cầu, đội ngũ quân y đều phải có mặt để khám và điều trị. Gần 60 ngày qua, chị Thắm chưa có đêm nào tròn giấc. Vất vả, mệt nhọc là vậy, nhưng khi tiếp xúc, thăm khám sức khỏe cho công dân, chị luôn khơi gợi những câu chuyện tạo tiếng cười vui, động viên công dân yên tâm cách ly tại đơn vị.
Chia sẻ về những ngày thực hiện nhiệm vụ cách ly, chị Thắm cho biết: “Chồng tôi là thợ mỏ, thường xuyên làm ca, hai con còn nhỏ, phải nhờ ông bà ra chăm sóc. Là người vợ, người mẹ, lúc đầu cũng có đôi chút tâm tư, nhưng nhiệm vụ cấp trên giao “chống dịch như chống giặc” nên tôi đã xác định tư tưởng, nỗ lực cao nhất để chăm sóc sức khỏe nhân dân. Không chỉ tập trung theo dõi các trường hợp có biểu hiện nghi nhiễm COVID-19, chúng tôi còn trực tiếp điều trị các loại bệnh lý khác mà công dân gặp phải nhằm đảm bảo sức khỏe tuyệt đối cho mọi người”.
Ấm áp tình người
Cùng thực hiện nhiệm vụ chăm sóc công dân tại khu cách ly, thiếu tá Ngô Thị Thoa đảm nhận nhiệm vụ đứng bếp chế biến cơm dẻo, canh ngọt. Lúc cao điểm nhất, chị Thoa cùng tổ nuôi quân phục vụ các bữa ăn sáng, trưa, tối cho gần 300 công dân.
Nói về nhiệm vụ của mình, chị Thoa cho biết: “Suất ăn của công dân theo tiêu chuẩn 57.000 đồng/người/ngày, chính vì thế, để vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa đảm bảo ngon miệng, chúng tôi thường xuyên thay đổi, làm phong phú thực đơn. Thức ăn được chia theo suất và tất cả các dụng cụ sử dụng trong bữa ăn đều chỉ được dùng một lần nên ngoài việc chế biến thì việc chia khẩu phần ăn cho từng người mất rất nhiều thời gian. Để chủ động cao nhất trong phục vụ bữa ăn cho công dân, một ngày bắt đầu với chúng tôi từ 4h30 sáng và thường kết thúc vào tối muộn. Vất vả là vậy, nhưng khi nhận được những phản hồi của công dân là cơm ngon, canh ngọt, chúng tôi vui lắm!”.
Đến khu cách ly sau khi trở về từ Hàn Quốc, chị Vũ Thị Hiền (quê ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ: “Khi biết tôi về nước, cô bạn thân cùng ở Hàn Quốc nhờ mang con gái 3 tháng tuổi của vợ chồng cô ấy về với ông bà ở quê chăm sóc. Ban đầu vào khu cách ly tôi rất lo lắng vì việc chăm sóc cháu nhỏ ở đây 14 ngày sẽ phức tạp hơn nhiều.
Tuy nhiên, ở Trường Quân sự tỉnh Quảng Ninh, tôi được các đồng chí bộ đội động viên, giúp đỡ rất nhiều. Ngoài việc hướng dẫn, theo dõi tình hình sức khỏe, các bác sĩ quân y còn hướng dẫn tôi cách chăm sóc cháu bé, giúp mua những đồ như bỉm, sữa cho bé. Những lúc bé quấy khóc, các cô, các chú còn thay nhau bế ẵm, dỗ dành. Thực sự tôi rất xúc động và cảm ơn các anh chị ấy rất nhiều”.