'Bóng ma' bất đồng trong nội bộ EU

Ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đã gần như chắc chắn đắc cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, chiến thắng này có nguy cơ làm sống lại bất đồng trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU).

Sau 4 năm châu Âu phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Donald Trump, đẩy mối quan hệ của Mỹ với châu Âu - một trong những trụ cột quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ - xuống mức rất thấp, việc ông Biden bước vào Nhà Trắng liệu có đảm bảo cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương quay trở lại trạng thái bình thường ? Theo tờ Liberation (Pháp), câu trả lời là "chưa chắc," cho dù ông Biden không coi NATO là tổ chức “lỗi thời” hoặc chỉ đích danh EU là “đối thủ chính,” ít nhất là trong lĩnh vực thương mại, như Tổng thống Trump đã làm.

Phần lớn các nước thành viên EU vẫn chưa thích nghi được với thực tế địa chính trị mới, trong đó sự bảo đảm quân sự của Mỹ không còn là điều hiển nhiên như từng có từ sau năm 1945 cho đến gần đây, hay Mỹ lớn tiếng đòi phá vỡ liên minh, công khai tuyên bố một cuộc chiến thương mại với châu Âu, phá vỡ các thiết chế quốc tế quan trọng như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoặc chấm dứt các nỗ lực giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt, đấu tranh chống biến đổi khí hậu. Dưới những "cú đòn tàn phá" của Trump, châu Âu cuối cùng đã chấp nhận bắt tay vào xây dựng chính sách đối ngoại và nền quốc phòng chung dưới sự thúc đẩy của Pháp, quốc gia chưa bao giờ ảo tưởng về sự ủng hộ vô điều kiện của Mỹ.

Bóng ma bất đồng nội bộ đang lởn vởn ở EU. Ảnh tư liệu

Bóng ma bất đồng nội bộ đang lởn vởn ở EU. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, chiến thắng của ông Biden có nguy cơ chặn lại các bước tiến chậm chạp hướng tới sự tự chủ chiến lược của EU, do nhiều nước thành viên không muốn từ giã sự bảo trợ an ninh của Mỹ, đứng đầu là Đức và Hà Lan. Đối với một số nước, nhiệm kỳ của Trump đã khép lại. Nhận xét của Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer trên tờ Politico Europe ngày 2-11 là chỉ dấu cho điều này. Theo bà, “ảo tưởng về sự tự chủ chiến lược của châu Âu sẽ phải kết thúc: châu Âu sẽ không thể thay thế vai trò then chốt của Mỹ với tư cách là nhân tố cung cấp bảo trợ an ninh”. Ý kiến này nhận được sự tán đồng của Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz, người coi sự kiện Biden đắc cử là cơ hội “mở ra một chương mới cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương”.

Thực ra, việc tin rằng mọi thứ sẽ trở lại như trước là một cạm bẫy. Một mặt, Trump chỉ đẩy nhanh những diễn biến đã bắt đầu thành hình dưới thời Obama, trong đó có việc Mỹ giảm can dự vào châu Âu để chuyển hướng sang châu Á. Mặt khác, “chủ nghĩa Trump sẽ không chết cùng với sự ra đi của Trump,” theo nhận xét của Clément Beaune, quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề châu Âu của Bộ ngoại giao Pháp. Làn sóng xanh được chờ đợi đã không diễn ra. Ông nói: “Chủ nghĩa Trump sẽ tiếp tục thấm đẫm chương trình nghị sự của Mỹ” dù đó là “sự ám ảnh về Trung Quốc,” điều chỉnh liên minh Đại Tây Dương hay bảo vệ một cách không khoan nhượng các lợi ích thương mại của Mỹ. Một nhà ngoại giao châu Âu cũng cho rằng Mỹ “sẽ không trở lại vai trò bảo đảm quân sự hay thương mại” cho EU, mặc dù chính quyền mới sẽ hành xử một cách đa phương hơn, không còn tự coi là đối thủ của EU. Điều này sẽ thuận lợi hơn cho quan hệ hai bờ Đại Tây Dương, nhưng “sẽ là hoang đường nếu tin rằng Biden sẽ thay đổi cục diện ở Đông Địa Trung Hải.”

Tương tự, trên bình diện thương mại, nếu chính quyền mới nhiều khả năng từ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào sản phẩm châu Âu, thì giống như Trump, họ cũng bảo vệ các đại Cty GAFAM chống lại ý định đánh thuế của EU, phản đối thuế carbon mà EU muốn áp đặt lên những sản phẩm không tuân thủ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Mỹ cũng sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc, lôi kéo EU tham gia cuộc chiến này.

Trong 4 năm qua, không có quốc gia châu Âu nào bị Trump “ngược đãi” nhiều hơn Đức, không có lãnh đạo châu Âu nào bị Trump chỉ trích gay gắt như bà Merkel. Do đó, việc Đức - nước vốn ủng hộ quyết liệt các động thái thắt chặt quan hệ xuyên Đại Tây Dương - muốn lấy lại thời gian đã mất là điều hết sức tự nhiên. Tuy nhiên, giữa các chính đảng ở Đức, thậm chí ngay trong nội bộ Liên minh dân chủ-Cơ đốc giáo (CDU) và đảng Dân chủ-xã hội (SPD), cũng diễn ra cuộc tranh luận lớn về ranh giới giữa việc dựa vào sự bảo đảm của Mỹ và củng cố chủ quyền của châu Âu.

Cuộc tranh luận trong chính giới Đức chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các nước thành viên khác, nhất là các nước Bắc Âu vẫn coi quan hệ với Mỹ là yếu tố then chốt trong chính sách an ninh của họ. Đầu tuần trước, Thủ tướng Angela Merkel đã lưu ý rằng Mỹ chờ đợi châu Âu chia sẻ gánh nặng. Bà khẳng định “châu Âu đã đi theo hướng này.” Câu hỏi đặt ra là: Liệu việc chia sẻ gánh nặng có đi cùng với việc chia sẻ trách nhiệm hay không?

Một nguồn cơn gây bất đồng nữa xuất phát từ Trung Âu, nơi Trump có một số thành phần ủng hộ nhiệt thành nhất. Tháng 1-2020, Ba Lan là nước thành viên duy nhất có đa số người dân tin tưởng vào Trump, theo một cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện. Việc Tổng thống Ba Lan Andreij Duda và Thủ tướng Hungary Vikkor Orban chỉ dè dặt chúc mừng Biden về “thành công của chiến dịch tranh cử” chứ không phải là chiến thắng của ông là tín hiệu biểu lộ sự thất vọng của họ. Tương tự, tin nhắn thông qua Twitter của Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis, với hình ông này đội chiếc mũ đỏ kiểu Trump theo phiên bản Séc, cũng cho thấy mức độ ảnh hưởng của tổng thống sắp mãn nhiệm Mỹ đối với ông.

Khả năng Trump không còn ở lại trong Nhà Trắng khiến các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy khu vực mất đi một đồng minh ý thức hệ, nhưng ngược lại, họ và nhóm nước Baltic được lợi vì lập trường cứng rắn hơn của tổng thống Mỹ tương lai về NATO và Nga. Là một người bạn của Ukraine, Biden không có sự gần gũi với Putin như Trump. Dưới sự lãnh đạo của ê kíp Obama-Biden, Mỹ đã quyết định củng cố sức mạnh cho sườn phía Đông của NATO.

Chính quyền Biden ưu tiên cho kinh tế trong nước và châu Á; châu Âu sẽ phải chấp nhận thực tiễn này. Trên bình diện quan hệ thương mại hay sự thống trị về công nghệ của Mỹ đối với châu Âu, ít có khả năng Mỹ chấp nhận nhượng bộ. Châu Âu sẽ phải đi trước bằng cách đưa ra các dự án riêng của mình.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bong-ma-bat-dong-trong-noi-bo-eu-218140.html