'Bóng ma' bê bối vẫn chưa buông tha Bayer
Bayer là công ty dược phẩm được hình thành từ hơn 150 năm trước và hiện là một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới. Là đơn vị sản xuất nhiều loại thuốc phổ biến, Bayer thu về hàng chục tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên, ít người biết rằng công ty này có quá khứ khá đen tối. Gần đây, họ cũng dính vào một số vụ bê bối và gian lận tiếp thị.
Ngày nay, Bayer là một trong những công ty dược phẩm lớn nhất thế giới, sản xuất rất nhiều mặt hàng khác nhau. Thế nhưng, trong quá trình phát triển, công ty này cũng vướng phải nhiều bê bối và hàng loạt đơn kiện về chất lượng sản phẩm. Ví dụ, tổng cộng đã có hơn 19.000 phụ nữ đệ đơn kiện chống lại Bayer liên quan đến sản phẩm thuốc ngừa thai Yaz của hãng, cáo buộc thuốc này gây đông máu, đột quỵ… cùng nhiều tác dụng phụ khác. Tổng cộng, Bayer đã phải chi tới hơn 1,7 tỉ USD để dàn xếp hơn 8.000 đơn kiện.
Tính đến giữa năm 2018, vẫn còn khoảng 60 đơn kiện liên bang tại Mỹ chống lại công ty này liên quan đến sản phẩm trên. Tương tự, Bayer cũng đối mặt tới 16.800 đơn kiện liên quan đến dụng cụ tránh thai Essure. Các đơn kiện cáo buộc hiết bị này gây tổn thương nghiêm trọng tới cơ thể và thậm chí là tử vong. Với sản phẩm thuốc chống đông máu Xarelto, Bayer cũng trở thành bị đơn của 22.000 đơn kiện được đệ trình lên tòa án liên bang Mỹ ở bang Louisiana.
Đáng chú ý, năm 2005, Bayer đã chấp nhận trả 1,1 tỉ USD để dàn xếp khoảng 3.000 đơn kiện về các cáo buộc thuốc Baycol gây tổn thương và tử vong ở người sử dụng. Khoảng 700.000 người Mỹ đã dùng Baycol để giảm mức cholesterol trước khi thuốc bị thu hồi vào năm 2001 do nhà chức trách ghi nhận ngày càng nhiều những trường hợp thông báo họ bị yếu cơ hoặc tiêu cơ vân do tác dụng phụ của thuốc. Tình trạng này có thể gây suy thận và tử vong.
Năm 2018, Bayer đã mua lại Monsanto - nhà sản xuất thương hiệu thuốc diệt cỏ Roundup - với giá 63 tỉ USD và vướng vào hàng loạt những rắc rối kiện tụng khác.
Tháng 5/2019, báo cáo của tập đoàn môi trường Đức BUND cáo buộc sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng như Bayer, L’Oreal, Michelin, DSM, công ty dược Merck có chứa chất có khả năng gây nguy hại cho sức khỏe con người, vi phạm luật an toàn hóa chất châu Âu. “Các công ty hóa chất trong nhiều năm đã bất chấp luật pháp để bán những sản phẩm có chất gây ung thư nội tiết tố, rối loạn não và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác” ông Manuel Fernandez, người phụ trách về hóa chất của BUND, cho biết.
Thông tin trên được đưa ra khi Bayer đang đối mặt với hơn 11.000 vụ kiện sau khi tòa án Mỹ và châu Âu phát hiện một trong những thành phần trong sản phẩm thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto - công ty con mà Bayer đã mua lại - dẫn đến nhiều trường hợp bị ung thư.
Cùng năm, Monsanto bị phát hiện thuê một công ty quảng bá lập danh sách khoảng 200 chính trị gia, nhà khoa học, nhà báo cùng quan điểm với công ty này về thuốc trừ sâu và cây trồng biến đổi gen để có thể gây tác động trái chiều lên dư luận.
Phát hiện này khiến dư luận vô cùng phẫn nộ bởi nó cho thấy Monsanto rõ ràng không quan tâm Roundup có gây ung thư hay không m chỉ tập trung thao túng dư luận và lo vùi dập những ý kiến nêu lên lo ngại chính đáng về Roundup. Sau khi đánh giá sơ bộ, Tập đoàn Bayer đã phải thừa nhận bê bối trên và chính thức xin lỗi người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Tháng 8 năm ngoái, một người đàn ông khác cũng ở California đã được một tòa án cấp bang tuyên thắng kiện, buộc nhà sản xuất Roundup phải bồi thường 289 triệu USD trong phán quyết ban đầu, sau đó giảm còn 78,6 triệu USD.
Những bê bối liên tiếp đó đã khiến giá trị cổ phiếu của Tập đoàn Bayer tại thị trường Frankfurt (Đức) đã xuống mức thấp nhất trong gần 7 năm. Lợi nhuận ròng của hãng cũng đã giảm 36%, xuống 1,38 tỷ USD trong quý I/2019.