Bóng ma doping: 5 VĐV điền kinh Việt Nam nhận án phạt
5 vận động viên (VĐV) đội tuyển điền kinh Việt Nam (ĐKVN) đã không được thi đấu tại SEA Games 32 do bị phát hiện sử dụng doping tại SEA Games 31 tổ chức trên sân nhà.
Cả 5 VĐV này vừa chính thức nhận án phạt: hủy bỏ thành tích và bị cấm thi đấu tối đa 18 tháng. Án phạt đã được gửi tới Ủy ban Olympic Việt Nam vào hôm qua (27.6).
Quách Thị Lan bị tước huy chương vàng 400m rào, HCV tiếp sức 4x400m, HC đồng 400m nữ, cùng án cấm thi đấu 18 tháng tính từ ngày 17.5.2022 đến 17.11.2023. Cùng bị cấm thi đấu 18 tháng còn có Khuất Phương Anh (HCV 800m, HC bạc 1.500m nữ); Hoàng Thị Ngọc (HCV 4x400m nữ). Trong khi đó, Vũ Thị Ngọc Hà (HCV nhảy xa, HCB nhảy ba bước nữ) và Lê Ngọc Phúc (HCB 400m, HCB tiếp sức 4x400m nam) bị cấm thi đấu 16 tháng.
Từ sự cố này cho thấy thực trạng doping ở Thể thao Việt Nam (TTVN) đáng báo động. Tại sao?
Trong thời gian diễn ra Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, Ban tổ chức đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm của gần 200 vận động viên ở các môn điền kinh, cử tạ, thể hình, taekwondo… Các mẫu đều được gửi sang phòng xét nghiệm tại Thái Lan (nơi đã xét nghiệm hơn 1.000 mẫu thử tại SEA Games 31 và phát hiện 5 VĐV điền kinh Việt Nam sử dụng doping). Thật đáng ngại khi môn cử tạ lấy 10 mẫu thì có 3 mẫu cho kết quả dương tính với doping (30%); thể hình lấy 14 mẫu (6 nữ, 8 nam) thì có tới 11 mẫu dương tính với doping (78,5%).
Cần nhớ lại, vào tháng 3.2022, trước khi SEA Games 31 diễn ra, Liên đoàn Thể hình thế giới đã yêu cầu đội tuyển thể hình Việt Nam lấy mẫu thử doping. Kết quả 6 VĐV bị kết luận dương tính với chất cấm nên không được thi đấu tại SEA Games 31.
Uy tín của TTVN bị ảnh hưởng
Từ quá khư gần cho đến hiện tại, những thông tin VĐV Việt Nam sử dụng doping đã ảnh hưởng đến uy tín của TTVN, nhất là trong bối cảnh những năm gần đây, thể thao nước ta, đặc biệt là điền kinh và bơi lội đã gây được những tiếng vang không chỉ ở khu vực mà cả châu lục.
Quách Thị Lan khẳng định không sử dụng bất kỳ loại thuốc nào suốt thời gian tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 31 khi Việt Nam là nước chủ nhà. Việc Lan dính doping có thể liên quan đến một loại thuốc an thần dạng bột, có tác dụng giúp tỉnh táo mà Lan sử dụng khi thi đấu.
"Trước khi sử dụng thuốc, tôi đã hỏi ý kiến bác sĩ và được đồng ý dùng", Quách Thị Lan nói với truyền thông. "Nhưng đây là loại thuốc mới tung ra thị trường và chưa được kiểm chứng. Chúng tôi không lường hết rủi ro của nó".
Trong khi đó, HLV Nguyễn Thị Bắc của VĐV Khuất Phương Anh tiết lộ trước SEA Games, Phương Anh vừa tập luyện vừa chữa trị chấn thương. Rất có thể việc dùng thuốc chữa trị chấn thương vô tình dính phải chất cấm khiến Phương Anh có kết quả xét nghiệm dương tính.
Nói tóm lại, thông tin ban đầu cho thấy các VĐV đều khẳng định họ bị dương tính doping do dùng loại thuốc nào đó có chất cấm mà không hay biết. Nhưng nếu đúng như vậy cũng không phải là lý do để bào chữa và vẫn phải có ai đó chịu trách nhiệm trong quy trình dẫn đến hậu quả ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của TTVN.
Với các VĐV chuyên nghiệp, bất kỳ ai cũng phải luôn ý thức được tác dụng phụ của từng loại thuốc và những nguy cơ xảy ra. Nếu các VĐV nói rằng được các bác sĩ đồng ý thì phải xem họ đã hỏi bác sĩ nào, có chuyên môn về y học thể thao hay không. Nếu bác sĩ là người đúng chuyên môn y học về thể thao thì càng phải quy trách nhiệm cho bác sĩ khi sơ suất, tắc trách gây hậu quả nghiêm trọng. Rồi xa hơn nữa, ai là người thiết lập quy trình dinh dưỡng, dược phẩm cho các VĐV để xảy ra lỗ hổng đáng ngại kể trên?
Tuy nhiên, để có nguyên nhân chính thức và chính xác thì cần thiết phải có một cuộc điều tra khẩn trương, nghiêm túc và khoa học để xác định tại sao các VĐV kể trên bị dương tính doping, loại doping đó là loại nào, được sử dụng trong hoàn cảnh như thế nào?
Hiện tượng ĐKVN thống trị 3 kỳ SEA Games gần đây là tín hiệu đáng vui. Nhưng khi 5 VĐV ĐKVN không thể thi đấu tại SEA Gaems 32 do sử dụng doping, thì ngay lập tức ĐKVN bị mất vị trí nhất toàn đoàn. Vì vậy, nếu ngay lúc này đây, trong khu vực có nói ĐKVN thống trị ở SEA Games nhờ doping, thì chúng ta cũng khó giải thích.
Vai trò Trung tâm doping và y học thể thao
Cứ cho rằng VĐV thiếu kiến thức dẫn đến thực trạng “ngây thơ" trong việc sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng để rồi dẫn đến tình huống “tình ngay, lý gian”. Vậy vai trò, trách nhiệm của Trung tâm doping và y học thể thao Việt Nam ở đâu?
Theo ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Trung tâm doping và y học thể thao, từ kinh nghiệm SEA Games 31, trung tâm đã phối hợp với 4 trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia tổ chức các lớp tập huấn kiến thức phòng, chống doping để VĐV cùng các bên liên quan phải kiểm soát việc sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng, nắm được danh mục các chất cấm trong thể thao.
Trên đây mới dừng lại ở lý thuyết, người hâm mộ cần kết luận của Trung tâm doping và y học thể thao về trường hợp 5 VĐV ĐKVN sử dụng doping tại SEA Games 31 là vô tình hay cố ý? Ai mới là người chịu trách nhiệm chính: VĐV, bác sĩ hay những ai khác?
Sau những sự cố xảy ra, vấn đề đặt ra là "vì sao có nhiều VĐV Việt Nam cố tình (hay vô tình) sử dụng doping" kéo dài nhiều năm qua vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta chưa có biện pháp thực sự hiệu quả để ngăn chặn, kiểm soát doping.
Đừng nghĩ rằng khi bị phát hiện dùng doping thì chỉ có VĐV là bị phạt. Nếu sự việc tương tự lại xảy ra thì khi đó uy tín của TTVN cũng bị ảnh hưởng, nhất là khi trong năm 2023, chúng ta không chỉ tranh tài ở SEA Games 32 mà còn thi đấu tại Đại hội Thể thao châu Á 2022, vòng loại Olympic 2024.