'Bóng ma' tramadol

Mọi cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp ở Vương quốc Anh và xứ Wales vừa nhận được email cảnh báo về một loại thuốc giảm đau mà cho đến tận bây giờ, đa số cầu thủ chưa bao giờ nhận ra nó có thể khiến họ gặp nguy hiểm.

Lời cảnh báo đến từ Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA) nêu rõ loại thuốc được đề cập ở đây là tramadol, được một số cầu thủ mô tả là “ác quỷ”.

Ben Wright, Giám đốc đối ngoại của PFA cho biết: “Mối lo ngại của chúng tôi là có cơ sở. PFA nhận thức thuốc giảm đau tramadol là một chất gây nghiện”.

Cựu thủ môn đội tuyển Anh Kirkland mong muốn các vận động viên thể thao hãy tránh xa tramadol. Ảnh: Getty

Cựu thủ môn đội tuyển Anh Kirkland mong muốn các vận động viên thể thao hãy tránh xa tramadol. Ảnh: Getty

Tramadol là một loại thuốc giảm đau mạnh, chỉ dùng theo toa đã được Chris Kirkland-cựu thủ môn đội tuyển Anh và Câu lạc bộ Liverpool-cho là nguyên nhân gây nghiện đến mức gần như hủy hoại cuộc sống của anh.

Vào ngày 1-1-2024, Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA) sẽ bổ sung tramadol vào danh sách bị cấm và kể từ thời điểm đó trở đi, bất kỳ vận động viên nào bị phát hiện có chất này trong cơ thể sẽ phải đối mặt với lệnh cấm thi đấu kéo dài.

Đây là lý do tại sao PFA gửi email cho các thành viên của mình, bao gồm 5.000 cầu thủ chuyên nghiệp, nêu rõ những rủi ro và khuyên các cầu thủ hãy tránh xa tramadol ngay lập tức.

Ben Wright chia sẻ: “Chúng tôi muốn buộc các cầu thủ phải thừa nhận tramadol là chất cấm. Họ phải tránh xa loại thuốc giảm đau này khi thời hạn 1-1-2024 sắp đến”. Nếu sau ngày 1-1-2024, bất cứ vận động viên nào bị phát hiện sử dụng tramadol trên phạm vi toàn cầu, đều có thể bị WADA ra án phạt cấm thi đấu từ 2 đến 4 năm.

Cựu thủ thành đội tuyển Anh Kirkland đã nói rất rõ về tác hại của việc sử dụng tramadol: “Khi vào trại cai nghiện, tôi phát hiện ra rằng mình đã sử dụng tramadol tương đương với 6 liều heroin mỗi ngày. Đó là một loại thuốc độc ác. Nó gần như giết chết tôi. Thoạt đầu, tramadol mang lại cho bạn cảm giác dễ chịu, giúp bạn cảm thấy hạnh phúc. Vâng, tôi dùng tramadol để giảm đau, nhưng tôi cũng dùng nó để chữa chứng lo âu. Tramadol khiến bạn rối loạn về mặt tinh thần. Tôi biết sau 3 tháng sử dụng loại thuốc giảm đau này tôi đã gặp rắc rối, rằng tôi đã bị phụ thuộc vào nó. Cơ thể tôi cần nó. Tôi đã nghiện”.

Năm nay 42 tuổi, Kirkland thừa nhận sự hồi phục của anh (cai nghiện thành công tramadol) là nhờ sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè. “Ngày 17-4-2022 là lần cuối cùng tôi dùng tramadol. 10 ngày tiếp theo thật kinh khủng. Tôi bị nhốt trong phòng, cảm thấy buồn nôn, không ăn được gì và bị ảo giác. Tôi đã vượt qua được cơn thèm tramadol nhưng nó không hề dễ chịu chút nào và tôi mong điều đó không xảy ra với bất kỳ ai. Hơn 8 năm tôi đã dùng tramadol. Tôi đã cố gắng thoát khỏi nó nhiều lần. Nếu bạn cố gắng một mình thì điều đó gần như là không thể”.

WADA cảnh báo đa số người dùng thông thường không nhận ra rằng họ ngày càng phụ thuộc vào tramadol. Email được PFA gửi cho các thành viên của mình có lời khuyên: “Nếu bạn sử dụng tramadol, bạn nên khẩn trương nói chuyện với câu lạc bộ và nhân viên y tế của mình về cách quản lý việc này và các quy định mới của WADA”.

Michael Bennett, người đã có hơn 150 lần ra sân cho các câu lạc bộ Brighton & Hove Albion, Brentford và Charlton Athletic, hiện là Giám đốc phúc lợi cầu thủ của PFA, đã chia sẻ cảm giác của mình khi chứng kiến cận cảnh tác hại của tramadol đối với những cầu thủ sử dụng. Năm nay 54 tuổi, Michael Bennett cho biết từ kinh nghiệm của bản thân, từng bị chấn thương đầu gối nghiêm trọng thì việc các cầu thủ bóng đá dễ dàng phụ thuộc vào thuốc giảm đau là điều dễ hiểu: “Tôi đã dùng thuốc giảm đau trước khi tập luyện và trước các trận đấu. Tôi uống 2-3 viên thuốc giảm đau mỗi ngày và ngay cả khi không gặp vấn đề gì, tôi vẫn dùng thuốc hoặc cất giữ phòng trường hợp cần dùng lại. Rất dễ bị cuốn hút và trở nên phụ thuộc vào thuốc giảm đau”. Michael Bennett thừa nhận ông đã may mắn khi không dùng tramadol nhưng đồng thời đưa ra cảnh báo: “Nhiều cầu thủ, vận động viên dễ dàng bị cuốn vào việc lạm dụng thuốc giảm đau. Một số người thậm chí còn không nhận ra rằng họ đang có vấn đề, cho đến khi phải vào trại cai nghiện”.

TRUNG GIANG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/quoc-te/bong-ma-tramadol-751915