Bóng rổ Việt Nam: Phải mạnh dạn 'phá vỡ vỏ trứng'

Tâm huyết gắn bó với bộ môn bóng rổ từ nhiều năm nay, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - ông Lê Hoàng Anh (ảnh bên) đã có một cuộc trao đổi cởi mở và thẳng thắn với Nhân Dân cuối tuần. Về thể thao, về bóng rổ và nhiều lĩnh vực khác mà ông trăn trở.

- Bóng rổ Việt Nam đã đặt dấu mốc với hai tấm huy chương đồng (HCĐ) tại SEA Games 2019. Theo ông, những chuyển biến nào giúp bóng rổ Việt Nam đạt được kết quả này, và điều đó tạo động lực phát triển như thế nào?

- Bóng rổ Việt Nam đã đặt dấu mốc với hai tấm huy chương đồng (HCĐ) tại SEA Games 2019. Theo ông, những chuyển biến nào giúp bóng rổ Việt Nam đạt được kết quả này, và điều đó tạo động lực phát triển như thế nào?

- Nói hình tượng, bóng rổ cũng như nhiều môn thể thao ở Việt Nam như những quả trứng gà, được ấp ngày qua ngày, có lúc nghe được những tiếng kêu chíp chíp nhưng chờ mãi không thấy chú gà con nào, có lẽ vì gà mẹ nhiều con quá. Cũng có quả trứng ở vị trí đắc địa giữa lòng mẹ đã thành hình gà con, nhưng cũng cứ ngúc ngoắc trong vỏ bọc đó thôi, chưa thoát ra và lớn lên được.

Bóng rổ đã mạnh dạn thoát ra khỏi vỏ trứng. Việc này bắt đầu từ cuối năm 2015, và có thể nói đã được chuẩn bị trước một năm. Đến bây giờ và thời gian tới, bóng rổ vẫn phải tiếp tục chủ động để làm “rạn vỡ vỏ trứng”, rạn vỡ càng nhanh càng tốt, rạn vỡ trong kiểm soát để không đổ vỡ.

Nói ngắn gọn, đó chính là tư duy. Phải thay đổi tư duy trong quản trị liên đoàn, trong phát triển bóng rổ chuyên nghiệp, trong hệ thống thi đấu, đội tuyển quốc gia… trong sở hữu và đồng sở hữu, trong cạnh tranh và hợp tác, cả trong quản lý nhà nước về thể thao. Tư duy ấy phải bắt nguồn từ những người lãnh đạo cao nhất của Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam (VBF). Chuyển biến của bóng rổ Việt Nam thời gian qua cũng xuất phát từ cái gốc đó.

Điều thứ hai mà chúng tôi xác định phải thực hiện và thực hiện sớm, đó là kết hợp nội lực và ngoại lực, trên cả ba phương diện: Bóng rổ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông; bóng rổ Việt Nam và các tổ chức thể thao quốc tế; trọng tài, huấn luyện viên, vận động viên bóng rổ Việt Nam và trọng tài, huấn luyện viên, vận động viên bóng rổ nước ngoài. Thời gian qua, sự kết hợp này đã bước đầu được thực hiện tốt.

Những gì chúng tôi nhận bàn giao từ nhiệm kỳ trước là “Năm không” - “không tiền, không tài sản, không con người, không tài liệu, không muốn bàn giao” - và “một có” là “có con dấu”. Với hiện trạng như vậy, chúng tôi xác định phải bắt đầu từ một giải đấu mới, khác biệt và chuyên nghiệp. Rất may mắn, với tầm nhìn và uy tín của mình, Chủ tịch VBF Nguyễn Bảo Hoàng đã quy tụ được một số doanh nhân chia sẻ quan điểm, cùng VBF thiết lập nên VBA - Giải Bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam; với các câu lạc bộ bóng rổ chuyên nghiệp là doanh nghiệp, vận hành giải đấu một cách chuyên nghiệp bởi doanh nghiệp, nghĩa là được xây dựng mới hoàn toàn.

Trong những năm qua, VBA đã và đang làm rất tốt sứ mệnh của mình, tạo ra sự thay đổi tích cực cho phong trào bóng rổ, thúc đẩy sự phát triển đa dạng các trung tâm đào tạo bóng rổ, các giải bóng rổ; là trợ lực quan trọng cho các đội tuyển quốc gia; tạo môi trường rèn giũa, nâng cao năng lực chuyên môn của lực lượng giám sát, trọng tài, nhân viên thư ký, thống kê… của nước nhà.

VBA chính là nhân tố then chốt giúp cho đội tuyển bóng rổ quốc gia lập nên thành tích lịch sử tại SEAGames 30. Và VBA đem đến niềm tin, hy vọng, sự chia sẻ, động viên, khích lệ của cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông, những người hâm mộ đối với chúng tôi.

- Sau SEA Games 2019, cùng với các môn thể thao khác, bóng rổ Việt Nam cũng chịu tác động bởi dịch Covid-19. Vậy ảnh hưởng cụ thể là như thế nào?

- Hàng loạt tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội thời gian qua cũng chính là các địa phương có phong trào bóng rổ tốt như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Mọi hoạt động liên quan đến bóng rổ từ giải đấu, tập luyện… đều đóng băng. Các trung tâm đào tạo bóng rổ, các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến bóng rổ từ đào tạo, tập luyện, tổ chức thi đấu, cung cấp dịch vụ, trang thiết bị về bóng rổ đều đóng cửa, tạm dừng hoạt động, thậm chí phá sản. Nhiều lao động, kể cả vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài… mất thu nhập. Các sản phẩm truyền thông từ hoạt động bóng rổ gần như không có. Chính vì vậy, việc “tiếp lửa đam mê” cũng nguội lạnh đi rất nhiều.

Các giải đấu do Tổng cục Thể dục - Thể thao chủ trì đã phải tạm hoãn. Và tôi cho rằng tính khả thi của việc tổ chức các giải đấu đó trong ba tháng còn lại của năm 2021 là thấp. Bởi vì, trước một rừng khó khăn đã và đang đợi sẵn, guồng máy lại vẫn phải đối diện với những chướng ngại vật rất lớn, như sức ì, tâm lý ngại thay đổi, ít sáng tạo, luôn muốn an toàn, đặc biệt là dưới áp lực giải ngân ngân sách.

Nhưng, tôi vẫn tin “trong cái khó ló cái khôn”. Hai năm qua, bất chấp dịch bệnh, bóng rổ Việt Nam vẫn có những tín hiệu rất tích cực khi đi tiên phong và áp dụng thành công mô hình “tập trung, cách ly, khép kín, không khán giả” trong tập luyện và thi đấu VBA, thực hiện tốt mục tiêu kép của Chính phủ “vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội” và “thích ứng an toàn với Covid-19”. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những bài học thực tế với các môn thể thao khác, để cùng vận dụng và áp dụng sáng tạo, cùng đưa các hoạt động thể thao quay lại trong thời gian sớm nhất.

- VBA 2021 là mùa giải có sự tham dự của đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho SEA Games vào năm sau. Chúng ta đạt kết quả như thế nào sau những trận đấu thực nghiệm, và rút ra được những kinh nghiệm nào về việc bảo đảm an toàn phòng dịch qua mô hình "tập trung cách ly"?

- Mặc dù quyết định hủy Giải VBA 2021 bởi Covid-19 là không mong muốn, nhưng mọi việc vẫn nằm trong các phương án với những mục tiêu cụ thể của chúng tôi.

VBA Bubble ra đời, nói thì đơn giản, nhưng tất cả các quy định, yêu cầu của cấp có thẩm quyền về phòng, chống dịch đã được hiện thực hóa thành mô hình, thành quy trình, thành tiêu chí… với thước đo, sự đánh giá, kiểm soát định kỳ, đột xuất. Những điều đó không chỉ nằm trên giấy mà đã được thực nghiệm, vận hành thành công.

Một trong những kinh nghiệm quý mà chúng tôi có được là nắm chắc, bám sát diễn biến phòng, chống dịch từ cơ quan có thẩm quyền, giữ vững niềm tin, thực hiện đúng sự chỉ đạo của Chính phủ. Phải sáng tạo, vượt khó, quyết tâm cao. Và phải tự tin: VBA là cộng đồng các doanh nghiệp, VBF là tổ chức xã hội nghề nghiệp, được làm mọi việc mà pháp luật không cấm.

- Trong hoàn cảnh hiện tại, việc duy trì đội tuyển quốc gia hoàn toàn dựa vào nguồn xã hội hóa có gặp khó khăn?

- Việc phát triển thể thao nói chung và bóng rổ nói riêng sẽ khó đạt được những bước chuyển lớn nếu không có sự chung tay ủng hộ của toàn xã hội. Cũng cần phải có sự hỗ trợ, kiến tạo các chính sách, chủ động, mạnh dạn “nhường việc” từ cơ quan quản lý nhà nước cho các tổ chức làm tốt hơn.

Sự chuẩn bị của VBA dành cho đội tuyển quốc gia đã tiết kiệm rất nhiều cho ngân sách nhà nước. Ngoài sự đoàn kết, chung tay, phối hợp từ nhiều phía, thì vai trò “bà đỡ” của cơ quan quản lý nhà nước, ở đây trực tiếp là Tổng cục Thể dục - Thể thao là rất quan trọng. Chúng tôi cố gắng huy động nguồn lực đầu tư cho đội tuyển quốc gia, không có nghĩa là không cần nguồn lực từ Nhà nước. Chúng tôi mong Nhà nước đầu tư cho đội tuyển bóng rổ quốc gia như là đầu tư công: vốn nhà nước chỉ là vốn mồi.

Tôi hiểu, Tổng cục Thể dục - Thể thao đang phải lo cho cả “một đàn con”, với mấy chục môn thể thao. Nhưng đứa con nào cũng mong muốn được đối xử công bằng, bớt những ưu ái quanh “vị trí ấp đắc địa” của “gà mẹ”. Việc cấp ngân sách cho các đội tuyển, các môn thể thao rất cần hoàn thiện nguyên tắc, tiêu chí, định mức gắn với kết quả đầu ra, và quan trọng là minh bạch, công khai trên cổng thông tin điện tử của ngành; cùng đó sớm thực hiện việc “đặt hàng, giao nhiệm vụ đấu thầu sản phẩm, dịch vụ sử dụng ngân sách Nhà nước” cho các liên đoàn; cơ quan quản lý nhà nước không làm những việc không thuộc chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, tập trung vào việc xây dựng chính sách, cơ chế để phát triển thể thao nước nhà thay vì tập trung đi tổ chức giải, đưa đội tuyển đi tập huấn nước ngoài.

Chúng tôi tin chắc rằng vài thay đổi nhỏ này sẽ kích hoạt được niềm tin, sự đầu tư của xã hội cho thể thao nói chung và bóng rổ nói riêng, sẽ giải quyết được nhiều vấn đề căn cơ cho sự phát triển, “phá vỡ vỏ trứng” để “đàn gà con rời vỏ” và sớm trưởng thành.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

 Tâm Đinh (bên trái) khoác áo Đội tuyển quốc gia thi đấu thực nghiệm tại VBA Bubble 2021.

Tâm Đinh (bên trái) khoác áo Đội tuyển quốc gia thi đấu thực nghiệm tại VBA Bubble 2021.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/the-thao/bong-ro-viet-nam-phai-manh-dan-pha-vo-vo-trung-667443/