Liên Xô trước đây từng là cường quốc về các sản phẩm vũ khí trong đó có các dòng xe thiết giáp bánh lốp. Có thể kể đến một số chủng loại điển hình như BMP-60, BMP-70 và BMP-80. Tuy nhiên theo thời gian và khi thực chiến các dòng xe thiết giáp bánh lốp của Liên Xô không thực sự hiệu quả như mong đợi.
Thiết kế nhỏ gọn khiến cho không gian dành cho binh sĩ chật chội, cửa đổ quân nằm ở hông xe gây khó khăn cho việc đổ quân, thiết kế khí động học không thực sự tốt, khiến cho nhiều xe bị "chết đuối" khi vượt sông.
Sau khi Liên Xô tan rã, Nga và Ukraine đã cố gắng khắc phục điểm yếu của các dòng xe thiết giáp bánh lốp, Nga với sự ra đời BTR-82, tuy vậy đây cũng chỉ là bình mới rượu cũ, còn Ukraine với dòng BTR-4, được thiết kế lại to lớn hơn, tuy vậy cũng không thể sánh với các dòng xe bọc thép bánh lốp phương Tây.
Đã có lúc người ta cho rằng, Nga đã thực sự đi sau phương Tây trong công nghệ chế tạo thiết giáp bánh lốp. Sản phẩm của phương Tây được thiết kế chắc chắn, rộng rãi, tiện lợi cho việc chở và đổ quân.
Thậm chí ngay cả sản phẩm ZBL-08 của Trung Quốc cũng tỏ ra vượt trội sản phẩm cùng loại của Nga.
Tuy nhiên Nga đã không để mình tụt lại quá lâu khi họ chính thức phát triển dòng xe thiết giáp bánh lốp Boomerang vào năm 2015, chính thức đi vào trang bị năm 2019.
Có thể nói, Boomerang được coi cuộc cách mạng trong chiến lược "thiết xa vận" của Nga.
Với thiết kế hiện đại, bọc giáp tốt, cửa đổ quân hợp lý cùng với hệ thống vũ khí cực mạnh, đây được coi là con voi thép trên chiến trường.
Được thiết kế để thay thế vai trò của dòng xe bọc thép huyền thoại BTR-80/82, Boomerang mang trong mình những tinh túy nhất của công nghệ chế tạo dòng xe bọc thép chiến trường của Nga.
Boomerang mang trong mình khả năng cân bằng giữa sức mạnh hỏa lực, khả năng bảo vệ cùng yếu tố vận chuyển quân hiệu quả.
Các dòng xe bọc thép trước đây của Nga mặc dù được đánh giá cao về hỏa lực nhưng thường bị chê là khả năng bảo vệ kém, đặc biệt là kiểu thiết kế cửa ở trên nóc và ở bên hông rất dễ gây tổn thương cho binh sĩ khi ra vào xe.
Khắc phục nhược điểm này dòng xe Boomerang thiết kế cửa lớn phía đuôi xe, điều này vừa giúp khả năng bảo vệ tốt nhất cho binh sĩ, lại vừa có khả năng giúp cho binh sĩ cơ động một cách dễ dàng.
Hệ thống vũ khí chính trên Boomerang rất đa dạng, thường là các module vũ khí tùy theo từng nhiệm vụ. Trong số này phải kể đến module có sức chiến đấu mạnh nhất là B05Ya01 Berezhok.
Module chiến đấu B05Ya01 Berezhok do Viện Thiết kế và chế tạo máy Tula (KBP) phát triển, được lắp thay cho module chiến đấu Boomerang-BM.
Module này bao gồm 1 pháo chính 2A42 cỡ nòng 30mm với súng máy đồng trục PKT/PKTM cỡ nòng 7,62mm, 4 tên lửa chống tăng 9M133 Kornet-E lắp đặt 2 bên tháp pháo.
Ngoài ra, còn có 1 súng phóng lựu AG-30 và 6 ống phóng lựu khói 902B Tucha.
Pháo 2A42 cỡ nòng 30mm (với cơ số đạn 500 viên) có thể bắn được các loại đạn xuyên giáp và đạn phá mảnh, diệt mục tiêu hiệu quả ở khoảng cách từ 2.000 - 4.000m.
Súng phóng lựu AG-30 có thể bắn được 3 loại đạn lựu, gồm VOG-17M, VOG-30, GPD-30 với khả năng diệt sinh lực địch ở khoảng cách từ 1.700 - 2.100m.
Tên lửa Kornet-E trang bị trên module Berezhok có thể bắn được 5 loại đạn, gồm đạn chống tăng tandem 9M133-1, 9M133-2 và đạn nhiệt áp chống bộ binh 9M133F-1, 9M133F-2 và 9M133F-3.
Loại tên lửa này có thể xuyên qua lớp giáp dày từ 1.000 - 1.300m sau lớp giáp phản ứng nổ (ERA) và tiêu diệt được mục tiêu ở khoảng cách đến 5.500m.
Module chiến đấu Berezhok trang bị 2 kính ngắm riêng biệt dành cho trưởng xe và pháo thủ, cho phép họ có thể hoạt động ở chế độ "tìm và diệt".
Kính ngắm của pháo thủ gồm 4 kênh: quang học, ảnh nhiệt, đo xa laser và kênh điều khiển tên lửa chống tăng.
Kính ngắm của trưởng xe cho phép nhìn toàn cảnh với đo xa laser và kênh quang tuyến truyền hình.
Ngoài hỏa lực mạnh thì bên cạnh đó mẫu xe bọc thép này còn được trang bị hệ thống giáp bảo vệ đa lớp tích hợp trên thân.
So với các dòng BTR trước đây Boomerang có kích thước lớn hơn hệ thống động cơ được đưa ra phía trước của xe nhằm tăng không gian sử dụng bên trong xe, còn tổ hợp vũ khí tự động của nó được đặt lùi ra phía sau xe thay vì phía trước như BTR.
Duy trì độ cơ động cho chiếc xe bọc thép nặng hơn 20 tấn này là một động cơ tăng áp Diesel có công suất 500 mã lực giúp chiếc xe có thể chạy với vận tốc tối đa 95km/h trên cạn và 15km/h khi bơi, tầm hoạt động 600km.
Ngoài kíp điều khiển 3 người, Boomerang còn có thể chở theo 7 binh sĩ với trang bị đầy đủ. Sự xuất hiện của những chiếc Boomerang một lần nữa cho thấy sự hồi sinh của nền công nghiệp chế tạo vũ khí Nga.
Việt Hùng