Bớt đi lại được nhiều hơn
Thơ hay như một thứ 'bùa mê', thứ 'bùa mê' đặc biệt đó nhiều khi giúp tâm trí người ta sáng lên, để rồi bừng ngộ lẽ sống làm người quý giá. May mắn đọc được bài thơ 'Bớt đi' của nhà thơ Đặng Cương Lăng, tôi thích thú với một tứ thơ hay giản dị, đời thường mà thâm trầm, sâu sắc.
Bớt đi một chút ồn ào
Cho lòng thư thái như vào chùa thiêng
Bớt đi một chút của riêng
Cho giàu ân nghĩa thiêng liêng ở đời
Bớt đi chút lửa, cơm sôi
Cho tình chồng vợ suốt đời yên vui
Bớt đi tham vọng nhẹ người
Năm dài tháng rộng cuộc đời nhẹ tênh
Ngại cho sóng gió nổi nênh
Bớt đi giận dỗi thác ghềnh phải lui
Bớt buồn để cộng thêm vui
Dao cau mắt ướt giếng trời long lanh
Chắt chiu ngày tháng dụm dành
Thêm hoa thêm nụ bớt cành lắm gai
Bớt đi thù hận oan sai
Mưa dông rồi tạnh, nắng mai bên thềm.
Đặng Cương Lăng là nhà thơ của nhiều giải thưởng. Ông đã giành được tới 14 giải thưởng, trong đó có 10 giải cao nhất của các cuộc thi thơ. Hữu duyên với thơ, nặng lòng với thể thơ lục bát, Đặng Cương Lăng là một trong số những gương mặt thầm lặng “giữ lửa” thể thơ mang điệu hồn dân tộc.
Lẽ đời, người ta có một lại muốn thêm hai, thêm ba, thậm chí thêm nhiều càng tốt. Bởi vậy, ý niệm “Bớt đi” của tác giả Đặng Cương Lăng mới thú vị làm sao. Nương theo mạch suy tư, cảm xúc của thi sĩ từ đầu đến cuối bài thơ, người đọc sẽ nhận thấy bao điều kỳ diệu của việc “Bớt đi”, dù việc đó thuộc về giá trị tinh thần hay vật chất.
Cuộc sống hiện tại vốn tất bật, nhiều khi người ta cuốn mình vào guồng quay hối hả của học tập, lao động mưu sinh và muôn vàn các mối quan hệ. Cho nên, một chút an nhiên, thư thái trở thành khoảng lặng cần thiết để nuôi dưỡng tâm hồn. Muốn thế, hãy “Bớt đi một chút ồn ào/ Cho lòng thư thái như vào chùa thiêng". Bớt cái này, được cái kia, hình ảnh “chùa thiêng” mở ra cho người đọc liên tưởng về một không gian thanh tịnh, ở đó tâm hồn ta được thảnh thơi, an bình, tránh xa cái bon chen, danh lợi, ồn ào. Ý thơ nhẹ nhàng, nghiêng về nhắn gửi, sẻ chia nên rất dễ chạm đến trái tim người đọc. Dõi theo điệp khúc “Bớt đi”, người đọc bất ngờ, thích thú với những cái được vô cùng giá trị:
Bớt đi một chút của riêng
Cho giàu ân nghĩa thiêng liêng ở đời
Bớt đi chút lửa, cơm sôi
Cho tình chồng vợ suốt đời yên vui.
“Hạnh phúc giữ trong tay chỉ là hạt cát, hạnh phúc đem san sẻ mới nở hoa”. “Chút của riêng”, ai đó tự nguyện bớt đi phần mình, dâng tặng cho người sẽ “giàu thêm ân nghĩa”, chan hòa yêu thương. Vậy đó, bớt mà được, yêu thương sẽ lan tỏa yêu thương, hạnh phúc đơm hoa. Tứ thơ giản dị được nâng lên thành chân lý, cách sống cao đẹp. Trong quan hệ vợ chồng cũng vậy, “bớt đi chút lửa, cơm sôi”, đây là bài học muôn đời và muôn người. Chồng giận, vợ nên bớt lời, tất yếu sẽ ngoài êm trong ấm. Đặng Cương Lăng quả rất khéo khi mượn cái tứ của ca dao xưa để bộc lộ ý thơ của mình, đó là bài học giữ lửa hạnh phúc gia đình cho hôm nay và cả mai sau.
Bài thơ bốn khổ, tám cặp lục bát nhẹ nhàng, sâu lắng. Nghệ thuật điệp cấu trúc “Bớt đi...” xuất hiện từ đầu đến cuối vừa tạo nên âm điệu, nhịp điệu của bài thơ, vừa mang đến cho người đọc những kinh nghiệm quý để sống khỏe, sống vui, sống bình an. Cái tài của người viết là nói trúng, nói tiếng thơ bằng thơ những ý nghĩ của nhiều người: Bớt tham vọng, cuộc đời nhẹ tênh; bớt giận dỗi, thác ghềnh lui; bớt buồn, thêm vui; bớt cành lắm gai, thêm hoa thêm nụ... Và nhân văn nhất là cái bớt đi rất đời này: “Bớt đi thù hận oan sai/ Mưa dông rồi tạnh, nắng mai bên thềm”. Phép tu từ ẩn dụ được người viết dùng một cách tinh tế, độc đáo. “Mưa dông” có thể hiểu là những bất hạnh, khổ đau trong cuộc đời. “Nắng mai” chính là niềm vui, hạnh phúc. Phép logic biện chứng nói lên một lẽ rất tự nhiên, cuộc sống sẽ tuyệt biết bao khi người ta biết cách giảm thiểu “oan sai, thù hận”, nếu được vậy, nước mắt khổ đau nhất định sẽ tan biến, công bằng và yên vui chắc chắn sẽ nhen lên. Mong sao, ý thơ của Đặng Cương Lăng sẽ đến được với mọi người, làm bừng sáng tâm hồn, từ đó nhận thức đúng đắn về lẽ sống trong cuộc đời.
Thơ hay cốt phải có tình, tức là những rung động, cảm xúc của thi sĩ. Song, thơ sẽ nhạt nếu tình không gắn với chiều sâu ý nghĩa. Trong bài thơ “Bớt đi”, có lẽ nhà thơ Đặng Cương Lăng đã cân bằng được giữa ý và tình. Những thông điệp về lẽ sống được người viết truyền tải bằng trái tim nặng tình đời, tình người cùng niềm ước ao cuộc sống “bớt buồn thêm vui”, “dao cau mắt ướt giếng trời long lanh” đã làm tình thơ vút cao nhờ bề sâu tư tưởng. Giữa cuộc đời còn đó những tham, sân, si, bài thơ Bớt có giá trị lay tỉnh lương tri mỗi người: “Bớt đi tham vọng nhẹ người/ Năm dài tháng rộng cuộc đời nhẹ tênh”.