Bớt đi nêu thành tích

Hãy bớt đi nêu thành tích, bớt đi ngợi ca. Các đại biểu Quốc hội không thích vậy đâu. Hãy nói về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp-ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV không chỉ được các đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đồng tình mà còn được đông đảo cử tri, nhân dân cả nước hoan nghênh chờ đợi. Và câu trả lời cho sự chờ đợi đó đã được thấy rõ tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra.

Ngoài bản báo cáo do Thủ tướng Chính phủ trình bày rất đầy đủ, súc tích, hầu hết những phát biểu, chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp đều ngắn gọn, chỉ nêu kết quả có ý nghĩa nhất, còn tập trung vào phân tích những tồn tại, những bức xúc mà cử tri quan tâm cùng các giải pháp khắc phục. Trong đó, đáng chú ý là quy định thời gian chất vấn, trả lời chất vấn chỉ 2 và 3 phút. Vậy là ngay tại kỳ họp quan trọng hàng đầu của cơ quan quyền lực cao nhất, thói quen nêu thành tích, phát biểu và kể lể dài dòng đã được điều chỉnh cương quyết, góp phần để diễn đàn Quốc hội trở nên sôi nổi và hiệu quả hơn.

Nhịp điệu phát triển của đất nước ngày càng khẩn trương, sôi động, những đổi mới trong hoạt động của cơ quan Đảng và Nhà nước nói chung đã tạo nên những mẫu hình, sự nêu gương dẫn dắt, thúc đẩy sự tiến triển xã hội. Nhất là khi nhìn vào cuộc sống chúng ta vẫn thấy những căn bệnh nói nhiều, nói và viết dài dòng, bệnh kể lể thành tích, thích khen ngợi vẫn còn phổ biến trong nhiều cuộc lễ lạt, hội họp, hội thảo, gặp gỡ. Vẫn khá thường xuyên thấy những báo cáo, tham luận lê thê với những lời hay ý đẹp tự khen, tự đề cao, tô vẽ cho tập thể mà đằng sau đó là người đứng đầu. Vẫn thấy những dãy số đẹp điểm tô để mong chờ những loạt vỗ tay tán thưởng, để cấp trên hài lòng. Trong khi đó, những hạn chế, khuyết điểm, sai lầm thì lảng tránh hoặc chỉ nói chung chung; những nguyên nhân hay, dở, tốt, xấu không được đi sâu phân tích. Trong sinh hoạt, gặp gỡ đời thường vẫn thường gặp những con người kể lể, khoe khoang về tài năng, đức độ, công lao của riêng mình. Có những cán bộ nói nhiều, nói hay nhưng làm ít, làm dở. Có những diễn giả tràng giang đại hải khoe kiến thức mà không sát với thực tế, không chú trọng đến người nghe. Có những bài viết, cuốn sách miên man dài dòng mà vô bổ. Có những nhà văn, nhà thơ nói về mình và tác phẩm của mình hay hơn họ viết…

Thành tích, công lao thực sự cần được biết đến, cần được khẳng định để mọi người thêm vững tin vào mỗi chặng đường đi của cơ quan, tổ chức và vào nỗ lực của chính mình. Song thành tích, công lao tài năng nêu không đúng, nêu quá lên, không đúng lúc, đúng chỗ, không tập trung vào cái mới, cái được nổi bật thì sẽ không thuyết phục, thậm chí trở thành nhàm chán, phản tác dụng. Lời ca ngợi quá đà, không thực tế, không thật lòng có thể làm vui người thích ngợi ca, ưa nịnh nọt, vuốt ve, song đâu dễ lọt tai, qua mắt những người khác. Thói đời còn đấy, thích được khen hơn chê, thích kết quả trước mắt hơn lâu dài, thích vun vén lợi ích cục bộ, cá nhân.

Chúng ta đã có rất nhiều cố gắng với nhiều biện pháp để khắc phục, chữa trị căn bệnh thành tích, thói quen chỉ thích lời khen, ca ngợi, trong đó đã có nhiều quy định, quy chuẩn trong nói và viết, trong việc xây dựng các báo cáo, tham luận, trong phát biểu. Điều này đã làm cho các hoạt động của bộ máy công quyền và các cơ quan, đơn vị chuyên môn trở nên quy củ, nề nếp hơn. Và tại kỳ họp Quốc hội, thêm một lần nữa sự đổi mới sẽ thúc giục, khích lệ sự đổi mới trong lề lối hội họp, đánh giá, tổng kết ở các cấp. Trên nêu gương, dưới sẽ làm theo.

SA MUỘN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/bot-di-neu-thanh-tich-553417