BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ: 'Cỗ máy in tiền' của Phương Thành Tranconsin
Trong hệ sinh thái của Phương Thành Tranconsin, BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ là thành viên có kết quả kinh doanh ấn tượng bậc nhất với hiệu suất sinh lời đáng nể.
CTCP Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) tiền thân là Công ty Xây dựng và Dịch vụ Giao thông vận tải - đơn vị thuộc Bộ giao thông vận tải, được thành lập tháng 11/1999.
Tháng 6/2004, doanh nghiệp này tiến hành cổ phần hóa và đổi tên thành CTCP Đầu tư và Xây dựng Giao thông. Sau khi Nhà nước thoái vốn, năm 2011, công ty này đổi tên thành CTCP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành như hiện tại.
Tại tháng 3/2015, Phương Thành Tranconsin có vốn điều lệ 886 tỉ đồng, trong đó hầu hết cổ phần được nắm giữ bởi ông Phạm Văn Khôi (SN 1967) - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty.
Phương Thành Tranconsin từng thi công xây dựng nhiều gói thầu thuộc các dự án đường cao tốc trọng điểm quốc gia như: Nội Bài - Lào Cai; TP. HCM - Long Thành - Giầu Dây; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Hạ Long - Hải Phòng; Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Từ vai trò nhà thầu, Phương Thành Tranconsin sau cổ phần hóa cũng tham gia làm nhà đầu tư với việc góp vốn vào loạt dự án BOT như cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, dự án Cầu Bạch Đằng.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, các năm qua, doanh thu của Phương Thành Tranconsin đều đạt cả nghìn tỉ đồng mỗi năm. Trong đó, năm 2017 và 2018, công ty này ghi nhận doanh thu thuần đạt lần lượt 1.554 tỉ đồng và 1.740 tỉ đồng, báo lãi sau thuế lần lượt 234,9 tỉ đồng và 265,3 tỉ đồng.
Trước đó, năm 2016, doanh thu thuần của Phương Thành Tranconsin đạt 1.349 tỉ đồng, lãi sau thuế ở mức 28 tỉ đồng, tương ứng biên lợi nhuận 2%. Còn năm 2019, 2 chỉ tiêu này lần lượt là 847,7 tỉ đồng và 38,5 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 4,5%.
Tại cuối năm 2019, quy mô tổng tài sản của Phương Thành Tranconsin đạt 1.896 tỉ đồng, giảm 14,5% so với đầu năm; vốn chủ sở hữu ở mức 961,4 tỉ đồng, tăng 4% so với cuối năm 2018.
"Cỗ máy in tiền" BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ
Như VietTimes từng đề cập, Phương Thành Tranconsin là cổ đông nắm 17% cổ phần tại CTCP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (vốn điều lệ 823 tỉ đồng) - chủ đầu tư tuyến cao tốc cùng tên nối Ninh Bình và Hà Nội. Phần vốn còn lại được góp bởi Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 - CTCP (Cienco1, 18%) và CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng Minh Phát (Minh Phát, 65%).
Tuy nhiên, cơ cấu sở hữu ban đầu này sau đó đã có sự điều chỉnh. Một tài liệu của VietTimes cho thấy, ngày 25/09/2014, ĐHĐCĐ CTCP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã ban hành Nghị quyết số 05/NQ/ĐHĐCĐ ngày 25/09/2014 thông qua việc Phương Thành Tranconsin sẽ thay thế Minh Phát góp phần cổ phần tương ứng với 29% vốn điều lệ của BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ mà Minh Phát đã đăng ký góp.
Như vậy có thể hiểu, không phải Minh Phát mà lúc này, Phương Thành Tranconsin mới là cổ đông chi phối lớn nhất ở BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Không lạ khi vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ hiện cũng do lãnh đạo Phương Thành Tranconsin, mà cụ thể ở đây là ông Phạm Văn Khôi, đứng tên.
Nên biết rằng, không chỉ nhận lại cổ phần từ Minh Phát, công ty của ông Khôi cũng từng có kế hoạch nhận lại toàn bộ số cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ từ Cienco 1. Tuy nhiên, thương vụ đã bổ bể vào phút cuối.
Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ được khởi công vào tháng 7/2014 với tổng mức đầu tư 6.732 tỉ đồng, thời gian thực hiện thu phí dự kiến trong 17 năm 2 tháng 18 ngày.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, năm 2016, BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ ghi nhận doanh thu thuần đạt 560,8 tỉ đồng, lãi sau thuế lên tới 342,1 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 61%. Năm 2017, 2 chỉ tiêu này lần lượt tăng trưởng 22% và 36% lên mức 686,8 tỉ đồng và 465 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 67,7%.
Kết quả kinh doanh tích cực của BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ tiếp tục duy trì trong năm 2018, trước khi lợi nhuận sau thuế bất ngờ giảm xuống còn 265,5 tỉ đồng vào năm 2019. Song, hiệu suất sinh lời của dự án này vẫn ở mức cao, năm 2019 là 38,8%.
Tổng cộng giai đoạn 2016 - 2019, BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã thu về tổng cộng hơn 1.500 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng bình quân mỗi ngày lãi hơn 1 tỉ đồng.
Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đạt mức 5.970 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 2.071 tỷ đồng.
"Hệ sinh thái" Phương Thành Tranconsin còn có gì?
Ngoài BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, hệ sinh thái Phương Thành Tranconsin còn 5 công ty thành viên khác là Công ty TNHH MTV Tư vấn xây dựng công trình TCI, Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng khai thác mỏ Thuận Phát, CTCP Giáo dục và đào tạo Poki Tân Á Châu, CTCP Đầu tư phát triển Hạ tầng Nguyên Minh, CTCP Xây dựng Giao thông 18.
Trong đó, đáng chú ý hơn cả là Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng khai thác mỏ Thuận Phát (Thuận Phát) - đơn vị quản lý Mỏ đá Phú Mãn 2 với quy mô 23,5 ha tại xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội.
Sản phẩm của mỏ đá Phú Mãn 2 được Phương Thành Tranconsin lựa chọn sử dụng tại nhiều dự án cao tốc lớn như: Cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, doanh thu của Thuận Phát đã tăng gấp đôi trong vòng 4 năm, từ mức 28,8 tỉ đồng năm 2016 lên mức 59,5 tỉ đồng năm 2019. Cũng trong giai đoạn này, công ty thu về gần 10 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, phát sinh chủ yếu vào năm 2018 (4,6 tỉ đồng) và năm 2019 (4,3 tỉ đồng).
Một thành viên khác của Phương Thành Tranconsin cũng có kết quả kinh doanh khả quan là CTCP Đầu tư phát triển Hạ tầng Nguyên Minh (Nguyên Minh).
Theo đó, năm 2018 và 2019, Nguyên Minh ghi nhận doanh thu thuần đạt lần lượt 47,5 tỉ đồng và 62,5 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 10,9 tỉ đồng và 10,1 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 22,9% và 16%.
Trước đó là năm 2017, không phát sinh doanh thu nhưng Nguyên Minh vẫn báo lãi sau thuế lên tới 29,1 tỉ đồng. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Nguyên Minh đạt 691,4 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 653,8 tỉ đồng./.