BPTV đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ công tác tuyên truyền

Chuyển đổi số (CĐS) đang là xu hướng tất yếu trong tất cả hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có báo chí, truyền thông. Là cơ quan báo chí đa phương tiện, thực hiện công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của đất nước và của tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã chủ động thực hiện CĐS, để phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng vào dòng chảy truyền thông tích cực, lan tỏa, đầy năng lượng cho công cuộc CĐS của tỉnh, của đất nước.

Chủ động chuyển đổi số báo chí

Ngay từ khi đi vào hoạt động (28-10-2019) theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 10-9-2019 của Thủ tướng Chính phủ, Đảng ủy, Ban Giám đốc - Ban Biên tập BPTV đã xác định CĐS là xu hướng tất yếu trong hoạt động truyền thông, báo chí, trong dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chỉ có chủ động tiến vào công nghệ số, CĐS thì mới phát triển nhanh, mạnh, bền vững, đổi mới toàn diện.

Từ khi Đề án nâng cao chất lượng hoạt động BPTV giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18-5-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về CĐS đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước; Kế hoạch số 64-KH/TU ngày 15-2-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025 được ban hành, công tác CĐS phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền của BPTV được đẩy mạnh thực hiện với quyết tâm cao.

Nhận thức của cán bộ, viên chức, người lao động, cộng tác viên chuyên trách trong toàn cơ quan đã được nâng lên rất nhiều, nghiêm túc thực hiện và sẵn sàng thích ứng tốt yêu cầu CĐS báo chí để hướng đến mục tiêu đưa Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống.

Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước nhận nút bạc kênh YouTube Truyền hình Bình Phước

Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước nhận nút bạc kênh YouTube Truyền hình Bình Phước

BPTV xác định 4 yếu tố cơ bản để tiến vào công cuộc CĐS phục vụ nhiệm vụ chính trị, đó là: Thay đổi tư duy của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động, cộng tác viên chuyên trách. Đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng - công nghệ tiếp cận các xu hướng công nghệ mới, sản phẩm mới để phục vụ nhu cầu mới của độc giả, khán - thính giả. Đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với chiến lược phát triển tòa soạn hội tụ, báo chí đa phương tiện. Tăng cường quảng bá, tiếp cận các đối tượng độc giả mục tiêu, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok, phát triển app BPTVgo, xem truyền hình internet, thay đổi giao diện hình thức và nội dung báo điện tử 2 lần trong 5 năm... Đến nay, Fanpage Truyền hình Bình Phước có 165 ngàn lượt follow, có tích xanh; YouTube Truyền hình Bình Phước có hơn 170 ngàn người đăng ký, nút bạc, có tích xanh; TikTok Truyền hình Bình Phước có 603 ngàn lượt theo dõi, có tích xanh; YouTube BPTV có 5.900 người đăng ký (kênh mới thành lập). Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượt đọc trên báo Bình Phước điện tử đạt hơn 3,7 triệu.

Bám sát lộ trình và chiến lược CĐS đề ra, BPTV đã tổ chức các hội nghị lấy ý kiến chuyên gia công nghệ thông tin, các nhà báo lão thành và liên tục tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, trong đó có CĐS theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Đồng thời đẩy mạnh đổi mới, cải tiến trên cả 4 loại hình báo chí và hạ tầng số; xây dựng và đổi mới format các chương trình truyền hình, thay đổi cách thức làm bản tin thời sự truyền hình, phát thanh; báo Bình Phước điện tử thay đổi giao diện, cải tiến nội dung, kết hợp báo hình, báo nói, báo in ngay trong tác phẩm báo điện tử; thay đổi nội dung, hình thức của báo in theo xu hướng hiện đại, đa dạng hơn đối tượng phục vụ, mở rộng kênh phát hành báo in… Hạ tầng kỹ thuật được đầu tư là điều kiện thuận lợi để làm tốt nội dung tuyên truyền, buộc phải đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung. Nội dung cũng tác động trở lại buộc hạ tầng kỹ thuật phải đáp ứng phục vụ tốt cho sự phát triển nội dung.

Qua xếp hạng mức độ trưởng thành CĐS báo chí toàn quốc năm 2023 theo Quyết định số 951/QĐ-BTTTT ngày 2-6-2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, với kết quả được chia thành 5 mức, tỷ lệ như sau: 3,66% xuất sắc; 8,06% mức tốt; 13,19% mức khá; 12,09% mức trung bình; 63% mức yếu. BPTV được xếp trong khối đài đạt mức khá, hạng 19/60 đơn vị.

Đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền

Hội tụ cả 4 loại hình báo chí và hạ tầng số đã giúp BPTV tạo được hiệu ứng truyền thông rất mạnh, hiệu quả tốt khi tổ chức các chiến dịch truyền thông, các chủ điểm; tạo sức lan tỏa sâu rộng, thông tin đúng định hướng công tác tuyên truyền được Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo tỉnh đề ra.

Với những sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và của tỉnh, BPTV đã thực hiện các chiến dịch truyền thông cao điểm, trước, trong và sau sự kiện với hàng ngàn tin, bài, phóng sự trên cả 4 loại hình báo chí và hạ tầng số. Nổi bật là các chiến dịch truyền thông: Kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng năm; sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; Hội nghị Văn hóa tỉnh Bình Phước năm 2023; các hội nghị triển khai nghị quyết của Đảng; Diễn đàn kết nối doanh nghiệp EuroCham - tỉnh Bình Phước năm 2024; Techmart chuyên ngành điều; Giải vô địch quốc gia việt dã leo núi “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá”; Giải vô địch bóng chuyền U23 quốc gia; Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ I… đã được BPTV tổ chức thành chuỗi, dòng chủ điểm. BPTV chủ động thực hiện, liên kết, phối hợp, trao đổi với các cơ quan báo, đài, cơ quan truyền thông lớn khu vực miền Đông Nam Bộ và cả nước. Các tin, bài, phóng sự chuyển lên hội tụ, tạo host, cấp user để các báo, đài trao đổi, sử dụng. Bản tin tiếng Anh được mở mới trên báo điện tử, phát thanh, truyền hình, góp phần đẩy mạnh thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh và thu hút đầu tư cho tỉnh. Qua đó góp phần đưa hình ảnh Bình Phước được quảng bá rộng rãi trên truyền thông đại chúng, vị thế, uy tín của tỉnh được nâng lên.

BPTV cũng tăng cường truyền thông chính sách, thông tin về các nhân tố tích cực, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Ngăn chặn kịp thời, hiệu quả thông tin xấu, độc, sai sự thật, phản bác quan điểm sai trái trên mạng xã hội. Làm tốt vai trò truyền thông chủ động, định hướng những chủ trương, chính sách, định hướng của Trung ương và của tỉnh trên mặt trận tư tưởng, xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh…

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, BPTV đã chủ động tiếp tục duy trì, mở rộng các chuyên trang, chuyên mục trên 4 loại hình báo chí và hạ tầng số như: IT Today - định kỳ phát sóng 1 số/tuần, thời lượng 20 phút/số; chuyên mục Chuyển đổi số trên báo in, báo điện tử; tuyên truyền, lồng ghép vào các chương trình: Đảng trong cuộc sống, Pháp luật và Đời sống, Thuế và Cuộc sống, Tài nguyên - Môi trường...; các bản tin thời sự, podcast, Chuyện mỗi ngày. Cùng với đó là thực hiện nhiều chương trình talk show, Hành trình khát vọng với chủ đề hằng tháng, quý theo kế hoạch CĐS của UBND tỉnh. Hằng năm, bình quân có hơn 1.000 tin, bài phóng sự về CĐS và liên quan đã được đăng phát trên các loại hình báo chí của BPTV.

Nhiều giải thưởng báo chí uy tín của quốc gia mà BPTV đoạt được như: Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng); Giải báo chí quốc gia; Liên hoan phát thanh, truyền hình toàn quốc;… cùng các giải thưởng do các bộ, ngành Trung ương, khu vực Đông Nam Bộ tổ chức, phát động…

Tất cả kết quả đạt được đó là hiệu quả sinh động của sự nỗ lực CĐS báo chí ở BPTV.

Chú trọng văn hóa chuyển đổi số trong nội bộ

BPTV đã rất đúng khi thực hiện mô hình đa phương tiện, đa nền tảng, tăng cường kết nối giữa các sản phẩm báo chí, truyền thông, có sự bổ trợ, tương hỗ lẫn nhau, hội tụ cả công nghệ và nội dung, đưa toàn bộ hoạt động nghiệp vụ lên môi trường số, thực hiện CĐS.

Với sự phát triển ngày càng nhanh của đời sống xã hội, đặc biệt là việc số hóa các hoạt động truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội, sự phát triển của công nghệ, của lĩnh vực báo chí, nhu cầu và trình độ tiếp nhận thông tin của công chúng ngày càng cao, đa dạng,… đã đặt ra những thách thức và yêu cầu mới đối với các cơ quan báo chí như BPTV.

Do vậy, để tiếp tục đẩy mạnh CĐS công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của đất nước và của tỉnh, trong thời gian tiếp theo, ngoài 4 yếu tố cơ bản nêu trên, BPTV xác định phải chú trọng CĐS trong nội bộ cơ quan, vì chính mỗi nhà báo, phóng viên có làm tốt CĐS, tự mình CĐS thì mới làm tốt được công tác tuyên truyền, mới tuyên truyền tốt nghị quyết về CĐS. Nâng cao chất lượng và bồi dưỡng đội ngũ nhân lực tinh, mạnh, tác nghiệp đa phương tiện, đa loại hình cả về chiều rộng, chiều sâu thông tin; dồn mọi nguồn lực để không ngừng đổi mới, sáng tạo và nâng cao chất lượng các sản phẩm, ấn phẩm báo chí, truyền thông, phục vụ tốt hơn nhu cầu của công chúng và làm tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao.

Kết quả tích cực của BPTV trong CĐS báo chí, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ tuyên truyền CĐS của đất nước, của tỉnh là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự định hướng chính trị kịp thời của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sự quản lý nhà nước của Sở Thông tin và Truyền thông, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của các ban, sở, ngành, doanh nghiệp, sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng ủy, Ban Giám đốc - Ban Biên tập và toàn thể BPTV và sự ủng hộ, cổ vũ, khích lệ của công chúng.

Trong dòng lịch sử gần 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam và của báo chí Bình Phước, có bề dày gần 27 năm xuất bản số báo Bình Phước đầu tiên, gần 27 năm phát sóng phát thanh, truyền hình, BPTV đang nỗ lực tạo ra những giá trị khác biệt, biến khó khăn, thách thức thành lợi thế để phát triển; phát triển trên nền tảng số, CĐS, với mục tiêu xây dựng cơ quan báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa.

Nguyễn Thị Minh Nhâm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/160824/bptv-day-manh-chuyen-doi-so-phuc-vu-cong-tac-tuyen-truyen