Brandi Chastain và pha cởi áo ăn mừng thay đổi lịch sử bóng đá

Ngày nay, cởi áo ăn mừng bàn thắng là phạm luật. Song, có một pha ăn mừng như thế đã thay đổi góc nhìn về bóng đá nữ. Chủ nhân của nó là Brandi Chastain.

Trận chung kết World Cup nữ 1999 giữa tuyển Mỹ và Trung Quốc, hai đội phải dùng đến loạt đá luân lưu để phân định thắng thua. Ở lượt đá phạt quyết định, Brandi Chastain mang về chức vô địch cho đội chủ nhà, và pha ăn mừng của cô gây tiếng vang lớn không chỉ ở xứ sở cờ hoa mà trên toàn thế giới.

Trước 90.000 khán giả theo dõi trực tiếp tại Rose Bowl, cùng hàng triệu người hâm mộ trên toàn thế giới theo dõi qua truyền hình, Chastain cởi chiếc áo đấu, quỳ xuống sân và hét lên sung sướng. Pha ăn mừng này trở thành một trong những biểu tượng về bình đẳng giới không chỉ ở lĩnh vực thể thao.

 Hình ảnh Brandi Chastain ăn mừng chiến thắng ở trận chung kết world cup nữ 1999 sau này trở thành biểu tượng cho phong trào bình đẳng giới trong thể thao. Ảnh: AFP.

Hình ảnh Brandi Chastain ăn mừng chiến thắng ở trận chung kết world cup nữ 1999 sau này trở thành biểu tượng cho phong trào bình đẳng giới trong thể thao. Ảnh: AFP.

Pha ăn mừng kinh điển và những hoài nghi

Hơn 20 năm trôi qua kể từ ngày Chastian thực hiện pha ăn mừng kinh điển, thế giới bóng đá nói riêng và thể thao nói chung chứng kiến nhiều pha ăn mừng tương tự. Đội trưởng Huỳnh Như cũng có những giây phút bùng nổ ở trận chung kết AFF Cup nữ 2019 là ví dụ.

Tình huống cởi áo ăn mừng của Chastian là một phần của hành trình kéo dài nhiều năm với những bước tiến mới, để có những sự thay đổi mạnh mẽ về mặt suy nghĩ bình đẳng giới hiện nay.

Ba ngày trước khai mạc World Cup nữ 1999, Chastian xuất hiện trên chương trình truyền hình với tư cách khách mời. Cô chỉ là người "đóng thế" khi kịch bản với nhân vật khác đổ bể. Không nhiều người biết tuyển thủ quốc gia Mỹ lúc bấy giờ là ai.

Ba tuần sau, nhờ màn ăn mừng kinh điển, cầu thủ mang về chức vô địch thế giới lần thứ hai cho bóng đá nữ Mỹ trở nên nổi tiếng khắp đất nước. Hàng nghìn USD đã được đưa ra để mời chào Chastian nhượng lại quyền sở hữu chiếc áo đó.

Nhiều người hoài nghi về hành động của Chastian, dù không có bằng chứng rõ ràng, về việc cô muốn có thêm nhiều hợp đồng quảng cáo từ pha ăn mừng này. Khi được hỏi về hành động của mình, trong cuộc phỏng vấn của Oprah Winfrey, cựu cầu thủ nữ đáp: "Tôi không muốn bất cứ ai nghĩ khoảnh khắc đó là bất cứ điều gì khác. Hành động ăn mừng hoàn toàn tự nhiên, không có bất cứ sự tính toán nào ở đây".

Một cuộc tranh cãi khác cũng nổ ra khi một số học giả chỉ trích giới truyền thông chỉ tập trung vào vóc dáng của Chastian cùng chiếc áo ngực thể thao mà cô mặc để giảm giá trị của chiến thắng đầy vinh quang và khiến mọi người nhớ đến nó là hành động thoát y hơn là cách ăn mừng đầy cảm xúc.

Chiếc áo ngực và biểu tượng về bình đẳng giới

Bỏ qua những tiện ích thuần túy, khó có ví dụ nào sánh được với chiếc áo ngực thể thao của Brandi Chastain. Chiếc áo màu đen được cô khoe với cả thế giới khi ăn mừng bàn thắng năm 1999. Cú sút từ chấm luân lưu đó đem về chức vô địch bóng đá nữ thế giới lần thứ 2 cho đội tuyển bóng đá nữ Mỹ.

 Sau khi giải nghệ, Chastian tham gia một số chương trình bình luận thể thao với tư cách là bình luận viên. Ảnh: ABC News.

Sau khi giải nghệ, Chastian tham gia một số chương trình bình luận thể thao với tư cách là bình luận viên. Ảnh: ABC News.

Hình ảnh cựu cầu thủ nữ lột chiếc áo ngoài ăn mừng chiến thắng ngay trên sân nhà đặt thêm dấu ấn nữa cho phong trào bình đẳng giới. "Chiếc áo ngực thể thao màu đen đó đã biến Brandi Chastain trở thành biểu tượng và nữ giới có quyền tự hào về cơ thể khỏe mạnh của họ", USA Today bình luận về màn ăn mừng của Chastain.

"Việc Chastain ăn mừng để lộ áo ngực thể thao trước cả thế giới, khiến cả nước sực nhớ lại phong trào giải phóng phụ nữ và quyền bình đẳng giới đang dần bị lãng quên", tờ Washington Post bình luận.

Hình ảnh ăn mừng của Chastian còn chứa đầy tính biểu tượng và trở thành một phần quan trọng trong hành trình đi tìm sự thừa nhận của các VĐV nữ, so với đồng nghiệp nam. Khoảnh khắc ăn mừng của Chastian không chỉ gói gọn trong một trận bóng đá. Nó còn là biểu trưng cho sự đột phá và trút bỏ gánh nặng.

"Đó là khoảnh khắc của tự do và giải phóng. Nó giống như thoát ly khỏi những rào cản và giới hạn, những định kiến cho rằng: Bạn không thể làm điều đó chỉ vì bạn là phụ nữ. Đã đến lúc để hét lên: Không, tôi có thể". Marlene Bjornsrud, một huấn luyện viên và giám đốc thể thao có tầm ảnh hưởng bình luận trên USA Today.

Từ pha ăn mừng kinh điển tại World Cup nữ 1999, cái nhìn về nữ quyền trong giới thể thao được đặt dấu mốc mới và quyền lợi của họ ở các giải đấu thể thao cũng được nâng cao hơn. "Cầu thủ nữ được thi đấu ở nhiều giải đấu đẳng cấp cao. Từ đó họ trở nên tự tin và mạnh mẽ hơn để trở thành những CEO hay bất cứ vai trò gì như họ mong muốn. Cuộc chơi ngày nay trở nên lành mạnh hơn, hạnh phúc hơn", cựu cầu thủ 51 tuổi nói.

Chiếc áo đó vẫn được Chastian sử dụng khi cần vài năm sau trận chung kết. Năm 2009, cô trao nó cho Bảo tàng Thể thao Mỹ. Hiện tại, nó được treo trong nhà riêng của cựu cầu thủ, bên cạnh tấm HCV World Cup năm đó, kể từ khi bảo tàng bị phá sản.

Hiện, Chastian làm công tác huấn luyện tại trường Bellarmine College. Trong sự nghiệp của mình, cô cùng đội tuyển nữ Mỹ giành 2 chức vô địch thế giới và hai lần giành HCV Olympic. Tháng 3/2017, cô được đề cử vào Đại sảnh Danh vọng Bóng đá Mỹ. Năm 2018, cô được giới thiệu vào Đại sảnh Danh vọng Thể thao Vùng Vịnh .

Đỗ Hải

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/brandi-chastain-va-pha-coi-ao-an-mung-thay-doi-lich-su-bong-da-post1068159.html