Brazil hợp pháp hóa việc sở hữu cần sa để sử dụng cá nhân

Tòa án Tối cao Brazil đã bỏ phiếu hợp pháp hóa việc sở hữu cần sa cho mục đích cá nhân vào thứ Ba (25/6).

Vào thứ Ba, đa số các thẩm phán trong tòa án 11 người đã bỏ phiếu ủng hộ việc hợp pháp hóa sở hữu cần sa cho mục đích cá nhân kể từ khi thảo luận bắt đầu vào năm 2015.

 Tòa án Tối cao Brazil. Ảnh: AP

Tòa án Tối cao Brazil. Ảnh: AP

Các thẩm phán vẫn phải xác định lượng cần sa tối đa được coi là cho mục đích cá nhân và khi nào phán quyết này sẽ có hiệu lực, dự kiến hoàn thành sớm nhất vào thứ Tư.

Các thẩm phán đã bỏ phiếu ủng hộ cho biết việc hợp pháp hóa chỉ áp dụng cho sở hữu cần sa trong lượng phù hợp cho mục đích cá nhân. Bán ma túy vẫn sẽ là hành vi bất hợp pháp.

Năm 2006, Quốc hội Brazil đã thông qua luật nhằm trừng phạt những người bị bắt với lượng nhỏ cần sa bằng các hình phạt thay thế như phục vụ cộng đồng. Nhưng luật này quá mơ hồ và không xác định lượng cụ thể để giúp cơ quan thực thi pháp luật và thẩm phán phân biệt giữa sử dụng cá nhân và buôn bán ma túy.

Ilona Szabó, chủ tịch Viện Igarapé cho biết: "Phần lớn những người bị giam giữ trước phiên tòa và bị kết án buôn bán ma túy ở Brazil là người phạm tội lần đầu, mang lượng nhỏ chất cấm, bị bắt trong các chiến dịch thường xuyên của cảnh sát, không có vũ trang và không có bằng chứng liên quan đến tội phạm có tổ chức".

Năm ngoái, một tòa án Brazil đã cho phép một số bệnh nhân trồng cần sa để điều trị y tế. Tuy nhiên, Brazil là một trong số ít quốc gia ở Mỹ Latinh chưa hợp pháp hóa việc sở hữu lượng nhỏ cần sa cho mục đích cá nhân.

Các nhà hoạt động và học giả pháp lý đã mong đợi phán quyết này từ lâu, trong một quốc gia có lượng tù nhân lớn thứ ba thế giới. Các nhà phê bình cho rằng những người dùng bị bắt với lượng nhỏ cần sa thường bị kết án với tội danh buôn bán và bị nhốt trong các nhà tù quá đông đúc.

Việc sử dụng cần sa cho mục đích y tế ở Brazil được phép, nhưng rất hạn chế. Uruguay đã hợp pháp hóa hoàn toàn việc sử dụng cần sa, và một số bang của Mỹ cho phép sử dụng cần sa giải trí cho người lớn. Ở Colombia, sở hữu đã được hợp pháp hóa nhưng buôn bán vẫn bị cấm.

Cao Phong (theo AP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/brazil-hop-phap-hoa-viec-so-huu-can-sa-de-su-dung-ca-nhan-post300814.html