Brazil mất hơn 1,1 triệu việc làm vì đại dịch COVID-19
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, Bộ Kinh tế Brazil ngày 27/5 cho biết hơn 1,1 triệu lao động tại nước này đã mất việc làm kể từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát tại đây hồi đầu tháng 3. Tháng 4 là tháng tồi tệ đối với thị trường lao động Brazil khi mất hơn 860.500 việc làm.
Từ đầu năm đến nay, gần như tất cả các ngành nghề tại Brazil đều báo cáo kết quả tiêu cực về tỷ lệ mất việc, trong đó nặng nề nhất là bán lẻ, giao thông vận tải, dịch vụ và công nghiệp. Lĩnh vực duy nhất có kết quả tích cực là nông nghiệp và chăn nuôi, với hơn 10.000 việc làm mới được tạo ra từ tháng 1 đến tháng 4.
Brazil hiện là ổ dịch COVID-19 lớn thứ 2 trên thế giới sau Mỹ. Tính đến 8h sáng 29/5, số ca nhiễm và số ca tử vong tại nước này lần lượt là 438.812 ca và 26.764 ca.
Trong một diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với nhiều thách thức khi đồng nội tệ suy yếu và triển vọng tăng trưởng u ám do bị tác động mạnh của dịch bệnh.
Từ trước khi dịch bệnh bùng phát, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã chịu nhiều áp lực và đang cố gắng thoát khỏi một cuộc suy thoái do khủng hoảng tiền tệ năm 2018, cộng thêm tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát cao. Tổng thống Tayyip Erdogan đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá trên 29 tỷ USD để bảo vệ nền kinh tế nhưng giới quan sát cho rằng gói kích thích này chưa đủ.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với các thách thức mới khi đồng nội tệ lira có thể mất giá do dự trữ ngoại tệ đang giảm. Chuyên gia phân tích tại Đại học Istanbul Bogazici, Altay Atli cho biết: "Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã tránh được kịch bản tồi tệ nhất khi đối mặt với dịch bệnh, nhưng thiệt hại là rất lớn, dù người dân có thể chưa cảm nhận được hết". Theo ông, việc hoạt động bình trường trở lại chỉ diễn ra từ từ dù Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ kỳ vọng nền kinh tế hoạt động bình trường trở lại trong 6 tháng cuối năm. Chuyên gia này cũng cho rằng sẽ có ánh sáng ở cuối đường hầm nếu Ankara hành động để giải quyết các thách thức về cấu trúc của nền kinh tế như thâm hụt công cao và bất bình đẳng trong phân phối thu nhập.
Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng đạt tăng trưởng 5% năm 2020 nhưng IMF dự báo GDP của nước này sẽ sụt giảm 5% trước khi tăng trở lại 5% trong năm 2021 và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 17,2%. Dữ liệu về thất nghiệp trong tháng 3 là 13,6%.
Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận số ca nhiễm dịch bệnh cao kỷ lục tại Trung Đông, với trên 160.000 ca nhiễm cho đến nay. Số ca nhiễm mới đã giảm trong hai tuần qua, cho phép giới chức tái khởi động lại các hoạt động kinh tế. Ngày 28/5, nước này đã bắt đầu gỡ bỏ các biện pháp hạn chế ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Sau khi kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr kết thúc vào ngày 26/5, các doanh nghiệp đang cố gắng làm quen với thực tế mới cùng các quy định giãn cách xã hội và giữ gìn vệ sinh dịch tế công cộng. Với các biện pháp hạn chế đang được bãi bỏ, việc đi lại bằng đường tàu hỏa và đường bộ đã được nối lại trong tuần này với quy mô 50%. Di chuyển bằng đường hàng không trong nước và quốc tế được kỳ vọng sẽ bắt đầu vào đầu tháng 6.