Brexit có thực sự là 'thủ phạm' cho những vấn đề của kinh tế Anh hiện nay?

Hiện đang có thông tin trái chiều về tăng trưởng kinh tế Anh, trong đó có nhiều ý kiến đổ lỗi cho việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không hẳn như vậy.

Cờ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tung bay trên tháp Victoria của Tòa nhà Quốc hội Anh ở thủ đô London. Ảnh: AFP/TTXVN

Cờ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tung bay trên tháp Victoria của Tòa nhà Quốc hội Anh ở thủ đô London. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo Le Monde của Pháp cho hay, hiện đang có nhiều thông tin không tích cực về nền kinh tế Anh, trong khi có nhiều ý kiến đổ lỗi cho việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Tuy nhiên, thực tế cho thấy không hẳn như vậy. Cụ thể như sau:

Về mặt chính trị, vấn đề về Brexit dường như ngày càng rõ ràng ở nước Anh, với phần lớn người dân tin rằng việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) là một thất bại. Khoảng 60% trong số họ cho rằng quyết định này “là một sai lầm”; chỉ 10% cho rằng Brexit đang diễn ra tốt đẹp ở thời điểm “hiện tại” và 30% cho rằng nó sẽ tích cực “về lâu dài”.

Trong hoàn cảnh như vậy, tất cả những điều tồi tệ của đất nước cuối cùng đều có thể đổ lỗi cho Brexit: lạm phát tăng vọt, trường học xuống cấp, danh sách bệnh nhân xếp hàng dài trong bệnh viện, kinh tế trì trệ, chính trị bất ổn... Nhưng thực tế có phải như vậy?

Ngày 1/9 vừa qua, Cơ quan Thống kê Quốc gia (ONS) của Anh đã công bố một bản sửa đổi thống kê quan trọng, trong đó có những số liệu liên quan đến năm 2020 và 2021 của thời kỳ đại dịch, với kết luận rằng nền kinh tế Anh mạnh hơn đáng kể so với ước tính ban đầu. Trong quý IV/2021, GDP của nước này cuối cùng cao hơn 0,6% so với cùng kỳ năm 2019, trước khi đại dịch diễn ra, thay vì thấp hơn 1,2% như tính toán trước đó. Đột nhiên, với gần hai điểm GDP được lấy lại, có thể thấy kinh tế Anh dường như hoạt động không đến nỗi tệ.

Nếu tính toán mới này là chính xác và nếu bản thân số liệu thống kê năm 2022 và 2023 không thay đổi hoàn toàn, thì điều này có nghĩa là nền kinh tế hiện cao hơn 1,5% so với mức trước đại dịch. Nó tương tự như Pháp, tốt hơn đáng kể so với Đức (0%), nhưng kém hơn Italy (2,1%), Nhật Bản (3,5%), Canada (3,5%) hoặc Mỹ (6,1%). Rõ ràng Chính phủ Anh có thể “ăn mừng”. Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt khẳng định: “Những số liệu này cho thấy chúng tôi đã phục hồi tốt hơn nhiều nền kinh tế G7 khác”. Vậy có đúng là Brexit không có tác động gì?

Để làm rõ vấn đề, trước hết cần phải hiểu lý do sửa đổi số liệu thống kê. Theo John Springford, nhà kinh tế học tại Trung tâm Cải cách châu Âu, cho biết đây là lần sửa đổi thứ hai của London. Ông nói: “Lần sửa đổi trước diễn ra cách đây một năm, là sự điều chỉnh giảm 1,7 điểm phần trăm GDP. Ước tính mới này cuối cùng chỉ hủy bỏ bản sửa đổi đầu tiên này”. Hơn nữa, hầu hết các viện thống kê khác trên thế giới cũng đang tiến hành sửa đổi số liệu của họ trong thời kỳ đại dịch, điều này có nguy cơ dẫn đến những thay đổi mới trong so sánh quốc tế.

Cuối cùng, việc sửa đổi số liệu thống kê chủ yếu liên quan đến lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là khu vực công. Nằm ở trung tâm của đại dịch, việc đánh giá diễn biến của lĩnh vực kinh tế vốn đóng cửa và mở cửa trở lại đột ngột này là điều đặc biệt khó khăn. Jonathan Portes, nhà kinh tế học tại trung tâm “UK in a Changing Europe”, nhấn mạnh: “Điều này không liên quan gì đến tác động đến từ thương mại quốc tế và mối quan hệ kinh tế của Anh với phần còn lại của thế giới”.

Tuy nhiên, nếu Brexit có ảnh hưởng thì đó là về quan hệ thương mại với châu Âu. Ngày 1/1/2021, Anh rời khỏi thị trường chung châu Âu và kể từ đó, tất cả các doanh nghiệp xuất hoặc nhập khẩu đều phải đối mặt với hàng rào kiểm tra biên giới. Số liệu thống kê mới không thay đổi bất cứ điều gì về mặt này và do đó không nói nhiều về Brexit.

Ngay cả những nhà kinh tế ủng hộ Brexit cũng nhận ra điều này. Julian Jessop, một nhà kinh tế độc lập, viết trên tờ Daily Telegraph: “Bản sửa đổi, bản thân nó không đủ để chứng minh rằng Anh không bị ảnh hưởng bởi Brexit. Một số người sẽ nói rằng đáng lẽ chúng ta phải làm tốt hơn trong giai đoạn này, ngang bằng với Mỹ. Nhưng ý kiến cho rằng Anh phải hứng chịu một cú sốc nặng nề đã không còn tính thuyết phục”.

Douglas McWilliams, Phó Chủ tịch tập đoàn tư vấn Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh CBER), người từng ủng hộ Brexit, đã cảnh báo: “Sự thật là trước Brexit, kinh tế Anh đã hoạt động tốt hơn một chút so với các nước EU đồng hạng và bây giờ, nước này cũng hoạt động kém tương tự”.

Vấn đề là giữa một đại dịch chưa từng có và một cuộc chiến tranh ở châu Âu, hai cú sốc lớn, rất khó để phân loại những tác động chỉ đến từ việc rời khỏi EU. Để xác định mức độ, Springford so sánh nền kinh tế Anh với 22 quốc gia khác có nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ tương đương trước Brexit. Sử dụng số liệu thống kê mới của Anh, ông suy ra khoảng cách 5 điểm GDP giữa nền kinh tế Anh “không Brexit” và nền kinh tế hiện nay. Năm điểm GDP bị mất trong 7 năm (tính từ thời điểm trưng cầu dân ý năm 2016): “Đó là một cú xì hơi từ từ”, ông Mc Williams cho biết.

Có thể đúng như vậy. Nhưng liệu cú sốc lớn như vậy có đáng tin không? Jonathan Portes không tin vào điều đó và cho rằng khả năng mất “2-3 điểm” GDP là đáng tin cậy. Những người khác tin rằng tác động của Brexit gần như không đáng kể.

Trong trường hợp này, có vẻ như không ai tin vào bất kỳ lợi ích kinh tế nào từ việc rời khỏi thị trường chung. Cường độ trao đổi thương mại của Anh đã giảm và tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng hơn khi phong trào tự do di chuyển của người lao động kết thúc. Nhưng cuối cùng, đó có lẽ không phải là vấn đề chính.

Theo ông McWilliams, thành công của Anh phụ thuộc vào “khả năng quản lý của đất nước chúng ta”. Chuyên gia này đặc biệt đề cập đến khả năng quản lý quá trình khử carbon của nền kinh tế và giải quyết tình trạng bất ổn trong khu vực nhà nước. Theo ông, rời khỏi EU chỉ là một vấn đề thứ yếu./.

Nguyễn Tuyên (P/v TTXVN tại Paris)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/brexit-co-thuc-su-la-thu-pham-cho-nhung-van-de-cua-kinh-te-anh-hien-nay/307236.html