Brunei nỗ lực để đảm nhiệm thành công trọng trách Chủ tịch ASEAN 2021
Brunei đang nỗ lực từng bước để tạo ra dấu ấn trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2021 trong bối cảnh khu vực gặp phải không ít thách thức.
Xây dựng lòng tin trên tinh thần đồng thuận
Chủ đề năm ASEAN 2021 của nước Chủ tịch ASEAN Brunei là “chúng ta quan tâm, chúng ta sẵn sàng, chúng ta thịnh vượng”.
Theo đó, Brunei muốn nhấn mạnh ba lĩnh vực ưu tiên khi làm Chủ tịch ASEAN năm nay, đó là: quan tâm đến mọi người và hạnh phúc của nhau; sẵn sàng cho những cơ hội và thách thức trong tương lai; (cùng thịnh vượng vì một khu vực thống nhất.
Trong một bài viết gần đây trên tờ Bangkok Post, nhà báo, nhà bình luận quốc tế Thái Lan Kavi Chongkittavorn đã nhận định rằng 6 tháng qua, Chủ tịch ASEAN 2021-Brunei đã làm tốt vai trò của mình, tuân thủ các nguyên tắc của ASEAN và xây dựng các quyết định của ASEAN dựa trên tinh thần đồng thuận.
Đặc biệt, thành công của ASEAN thời gian qua là đã đạt được Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về Myanmar trong khuôn khổ Hội nghị Các nhà lãnh đạo ASEAN tại Ban thư Ký ASEAN, Jakarta (Indonesia) ngày 24/4.
Đồng thuận 5 điểm nêu rõ: Yêu cầu chấm dứt ngay lập tức bạo lực và tất cả các bên phải hết sức kiềm chế; tiến hành đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình; cử đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN làm trung gian thúc đẩy tiến trình đối thoại; và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar thông qua Trung tâm hỗ trợ nhân đạo ASEAN (AHA).
ASEAN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực không ngừng của Myanmar trong việc giải quyết tình hình ở bang Rakhine, trong đó có việc bắt đầu quá trình hồi hương tự nguyện, an toàn theo các thỏa thuận song phương của nước này với Bangladesh.
Nhà báo Kavi Chongkittavorn cho rằng, có được sự đồng thuận này là một quá trình “xây dựng lòng tin” gian nan của nước chủ tịch ASEAN, các nước thành viên Hiệp hội và các bên liên quan trong nội bộ Myanmar.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Brunei đã cùng với các thành viên Hiệp hội kiên định các mục tiêu và nguyên tắc của ASEAN, đồng thời tiếp tục củng cố vai trò trung tâm của ASEAN.
Theo ông Chongkittavorn, việc vắng sự can dự của các bên như Mỹ, Trung Quốc, Nga hay EU vào vấn đề Myanmar chính là yếu tố cho thấy rõ vai trò của ASEAN trong việc khôi phục hòa bình và ổn định ở Myanmar.
Khi tình hình Myanmar trở nên nghiêm trọng, Brunei, trên cương vị là Chủ tịch ASEAN đã liên lạc với các bên liên quan tại Myanmar, tổ chức các cuộc tham vấn chính thức và không chính thức với các thành viên Hiệp hội cũng như làm việc với Đặc phái viên Liên hợp quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener để cùng tìm ra giải pháp.
Nhà báo Thái Lan nhận định, thành công của nước Chủ tịch ASEAN 2021 sẽ phụ thuộc nhiều vào việc Brunei điều phối và cùng các nước thành viên Hiệp hội có được những bước đi phù hợp đối với vấn đề Myanmar.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) được tổ chức từ ngày 2-7/8 tới đây cũng sẽ là cơ hội để các nước cùng thảo luận để đưa ra những hướng đi tiếp theo trong vấn đề Myanmar.
Tiếp đà thành công
Ông Chongkittavorn cho rằng, mỗi chủ tịch ASEAN trên cương vị của mình đều nỗ lực tạo ra dấu ấn riêng. Việt Nam khi làm Chủ tịch ASEAN 2020 được đánh giá cao về khả năng dẫn dắt Hiệp hội ứng phó với đại dịch Covid-19 và góp phần tạo ra “cái kết đẹp” cho Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hơn nữa, Việt Nam đã nỗ lực nâng tầm ASEAN tại Liên hợp quốc thông qua việc kết nối và đưa vai trò của hợp tác khu vực như ASEAN vào trong khuôn khổ thảo luận của Liên hợp quốc.
Ngày 23/11/2020, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 đã thông qua Nghị quyết về hợp tác Liên hợp quốc-ASEAN, trong đó tái khẳng định vai trò quan trọng của ASEAN và quan hệ đối tác hợp tác ngày càng phát triển giữa ASEAN và Liên hợp quốc. Đặc biệt, việc thông qua nghị quyết này đã lập được 3 kỷ lục: Thời gian tham vấn ngắn nhất, thời gian vận động ngắn nhất và số nước đồng bảo trợ nhiều nhất.
Trong năm 2019, là Chủ tịch ASEAN, Thái Lan cũng đã tập trung vào các chiến lược nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ASEAN. Đặc biệt, Tài liệu quan điểm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN đã được các nhà lãnh đạo Đông Nam Á thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 34, trở thành một món quà đặc biệt cho ASEAN khi bước sang tuổi 52 vào ngày 8/8/2019.
Nhà báo chuyên về các vấn đề khu vực jy vọng Brunei khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch cũng sẽ có được dấu ấn riêng. Năm 2021 là lần thứ hai Brunei đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN kể từ khi Hiến chương ASEAN có hiệu lực, sau khi đã đảm nhận cương vị này vào năm 2013.
Tình hình Myanmar và xử lý khủng hoảng làn sóng Covid-19 đang diễn ra tại khu vực là những vấn đề mà Chủ tịch Brunei cần ưu tiên hiện nay.
Làn sóng Covid-19 thứ 3 có sức tàn phá vô cùng khủng khiếp đang tấn công nhiều quốc gia tại Đông Nam Á trong bối cảnh biến thể Delta tiếp tục lây lan mạnh mẽ, dẫn đến số ca mắc và số ca tử vong cao kỷ lục.
Tình hình hiện nay đặt ra tính cấp thiết của việc tăng cường các nỗ lực ứng phó, đặc biệt là thu mua vaccine, triển khai Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 cũng như phục hồi toàn diện.