BSR ứng dụng giải pháp công nghệ để khai thác tối đa công suất

Với các lợi thế và thách thức song hành trong năm 2023, Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR) đang triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành các mục tiêu sản xuất kinh doanh.

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông BSR năm 2023. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông BSR năm 2023. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Crack margin vẫn là lợi thế của BSR

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023 của BSR ngày 13/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương cho biết, BSR vẫn hưởng lợi từ crack margin (chênh lệch giữa giá dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ trung bình) trong quý I/2023 nhưng crack margin các quý tiếp theo khó dự báo chính xác.

Cụ thể, về thị trường, crack margin quý I/2023 vẫn là lợi thế khi nhu cầu dầu thô vẫn tăng cao do bất ổn địa chính trị và cân bằng cung cầu dầu thô chưa được thiết lập.

Theo các tổ chức dự báo uy tín trên thế giới là Platts, Wood Mackenzie, crack spread (chênh lệch giữa giá của một thùng dầu thô và sản phẩm hóa dầu từ nó) các tháng còn lại năm 2023 vẫn còn duy trì ở mức khá cao. BSR thường xuyên xây dựng các kịch bản sản xuất kinh doanh và điều chỉnh kịp thời khi thị trường có biến động mạnh. Trong trường hợp giá dầu có sự điều chỉnh giảm trở lại, nhưng nếu crack spread vẫn duy trì ở mức cao như dự báo thì BSR có thể chủ động trong công tác kinh doanh.

Trên đà tối ưu công suất vận hành, BSR đã có những giải pháp về công nghệ để khai thác tối đa công suất của nhà máy, qua đó là một trong những yếu tố nâng cao doanh thu lợi nhuận năm 2023. BSR cũng đã có giải pháp thay thế nhiên liệu trung gian nếu gặp khó khăn về nguồn cung dầu thô. Bên cạnh đó, BSR có thể tối ưu hóa thời gian bảo dưỡng tổng thể nhà máy, có thể kéo dài thời hạn bảo dưỡng để tối ưu lợi nhuận trong năm 2023.

Trả lời các câu hỏi của cổ đông tại Đại hội, Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương cho biết, BSR đã tối ưu hóa công tác bảo dưỡng tổng thể lần thứ 5 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và dự kiến sẽ thực hiện vào đầu năm 2024. Vì vậy, năm 2023 này, BSR tận dụng cơ hội tốt của thị trường sẽ tối đa sản xuất sản phẩm và tối ưu doanh thu, lợi nhuận. Việc tối ưu TA5 sẽ giúp BSR đảm bảm an ninh năng lượng quốc gia, tránh bị ảnh hưởng bởi nhu cầu thiếu xăng dầu cục bộ.

BSR đang tập trung tối đa nguồn lực để có các giải pháp triển khai Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư. BSR cần nhu cầu về vốn lớn cho Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mà Công ty dự kiến phương án thu xếp vốn có thể phải thay đổi từ 40% vốn chủ sở hữu, 60% nguồn vốn vay thành 60% vốn chủ sở hữu, 40% nguồn vốn vay để đảm bảo hiệu quả đầu tư. Sau khi hoàn thành dự án, BSR có thể mở rộng thêm rổ dầu và dự trữ nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đồng thời, mở rộng rổ dầu và nâng dự trữ sẽ nâng cao sức cạnh tranh của Công ty.

Tổng Giám đốc Bùi Ngọc Dương phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông BSR năm 2023. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Tổng Giám đốc Bùi Ngọc Dương phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông BSR năm 2023. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Mặc dù các lợi thế vẫn khá lớn nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của BSR trong năm 2023 cũng đối mặt với nhiều thách thức khi thị trường dầu thô biến động khó lường. Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu xăng giảm từ 8% xuống còn 5% thuế suất, trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp tăng từ 5% lên 10%, khiến lợi nhuận của BSR có thể giảm. Cùng đó, lạm phát các nền kinh tế lớn trên thế giới đang ở mức rất cao và Việt Nam có nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ nước ngoài khi nhiều sản phẩm trong nước phụ thuộc vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu. Điều này kéo theo chi phí hoạt động trong năm của BSR có thể tăng.

Đối với việc đảm bảo nguồn cung dầu thô đầu vào cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, việc cạnh tranh trong quá trình mua dầu thô trong nước có thể khiến BSR không mua đủ dầu cho hoạt động sản xuất. Đặc biệt, Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 về sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, trong đó có công thức giá (gồm giá cơ sở và phụ phí premium) có thể gây tác động bất lợi cho hoạt động của BSR trong bối cảnh sản phẩm xăng dầu của BSR phải cạnh tranh gắt gao với sản phẩm xăng dầu nhập khẩu với các nước có FTA với Việt Nam. Ngoài ra, sản phẩm polypropylen (PP) dự kiến gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với sản phẩm của các nhà máy trong nước như Hyosung Vina, NSRP, LSP và hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Năm 2023, BSR đặt kế hoạch doanh thu đạt 95.370 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 9.812 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế khoảng 1.721 tỷ đồng và sản lượng hơn 5,6 triệu tấn thành phẩm, trong đó cao nhất là dầu diesel chiếm hơn 2,36 triệu tấn, tiếp theo là xăng RON 95 đạt 1,38 triệu tấn, RON 91/92 gần 789 nghìn tấn.

Để duy trì lợi nhuận năm 2023, BSR tập trung vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất an toàn, ổn định, liên tục ở công suất, cơ cấu sản phẩm tối ưu phù hợp với nhu cầu và tình hình thị trường; nâng cao hiệu quả công tác đánh giá thông tin dự báo giá dầu thô và sản phẩm, chi phí vận chuyển và bảo hiểm, thông tin cung-cầu của thị trường trong nước và ngoài nước, tình hình dịch bệnh, rủi ro địa chính trị tại khu vực và quốc tế.

Cùng với đó, BSR xây dựng, cập nhật các kịch bản, giải pháp điều hành sản xuất kinh doanh phù hợp, linh hoạt và kịp thời nhằm tận dụng tối đa cơ hội và giảm thiểu rủi ro đến hoạt động sản xuất kinh doanh. BSR cũng nghiên cứu, xem xét cơ hội hợp tác với các đối tác có năng lực để có giải pháp phù hợp nhằm làm tốt và phát triển thị trường sản phẩm hóa dầu. Công ty tiếp tục tính toán tăng khối lượng nhập các sản phẩm trung gian để gia tăng công suất các phân xưởng công nghệ của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, tạo điều kiện gia tăng sản lượng cũng như hiệu quả sản xuất.

Tại đại hội, HĐQT BSR trình thông qua mức chi cổ tức 7% cho năm 2022, HĐQT trình thông qua việc niêm yết toàn bộ cổ phiếu BSR lên HoSE. Hiện tại, cổ phiếu BSR đang được giao dịch trên UPCoM, với tỷ lệ cổ phần đăng ký giao dịch trên tổng cổ phần phát hành là 7.87%, tương đương 243,8 triệu cổ phần. Toàn bộ cổ phần đã phát hành của BSR là hơn 3,1 tỷ cổ phần, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm 92,12%, tương đương hơn 2,85 tỷ cổ phần.

Cổ đông đặt câu hỏi tại Đại hội đồng cổ đông BSR năm 2023. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Cổ đông đặt câu hỏi tại Đại hội đồng cổ đông BSR năm 2023. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Năm 2022, thị trường xăng dầu thế giới và Việt Nam phục hồi sau dịch, crack spread gia tăng, crack margin trung bình năm cao nhất kể từ khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành, dẫn đến lợi thế cho BSR.

Bên cạnh đó nguồn cung xăng dầu trong nước từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và nhập khẩu bị hạn chế; nhà máy vận hành ở công suất tối ưu, trung bình đạt 108%, có thời điểm lên tới 112%. Nhờ vậy, với sản lượng sản xuất và xuất bán đạt hơn 7 triệu tấn sản phẩm các loại, doanh thu của BSR đạt 168,9 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 19.041 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 14.669 tỷ đồng, cao nhất từ khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành đến nay.

Công ty đã hoàn thành trả xong nợ vay dài hạn đầu tư nhà máy; dòng tiền hoạt động kinh doanh cả năm 2022 đạt 6.066 tỷ đồng./.

Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bsr-ung-dung-giai-phap-cong-nghe-de-khai-thac-toi-da-cong-suat/287791.html