BTS sẽ là ngôi sao K-pop đầu tiên được miễn nghĩa vụ quân sự ở Hàn Quốc?
Vấn đề nhập ngũ của các thành viên BTS đang rất được quan tâm, tạo ra cuộc thảo luận sôi nổi với nhiều ý kiến trái chiều.
Cho đến nay, không có trường hợp ngoại lệ nào được đưa ra đối với các ngôi sao K-pop khi Hàn Quốc phải nhập ngũ bắt buộc đối với những nam thanh niên. Điều đó giúp giải thích tại sao các ngôi sao như trưởng nhóm BIGBANG G-Dragon, Chanyeol (EXO),... đều phải phục vụ ít nhất 18 tháng trong quân ngũ. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, các thành viên của BTS có khả năng sẽ trở thành những ngôi sao K-pop đầu tiên được miễn nhập ngũ.
Trong khi dường như có sự ủng hộ chung với động thái từ các nhà lập pháp, Bộ Văn hóa Hàn Quốc và công chúng, nhiều người, đa phần là nam giới từ 18-28 tuổi đã bày tỏ sự không đồng tình với việc 7 thành viên Jin, Suga, J-Hope, Jimin, RM. , Jungkook và V được xem xét không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Trước đó, các thành viên BTS đã được hoãn việc nhập ngũ bắt buộc nhờ "luật BTS" năm 2020. Luật này cho phép các nghệ sĩ K-pop được Chính phủ Hàn Quốc trao tặng huy chương vì thành tích, đóng góp của họ được phép hoãn nhập ngũ đến năm 30 tuổi thay vì 28 tuổi theo quy định, nếu Bộ trưởng Văn hóa đề nghị.
BTS là nhóm nhạc Hàn Quốc đầu tiên đạt vị trí số 1 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 của Mỹ và bán được hàng triệu album trên toàn thế giới. Họ cũng là nhóm nhạc K-pop đầu tiên được đề cử cho giải Grammy danh giá dù vẫn chưa được xướng tên. Thật không may cho BTS, những giải thưởng lớn như vậy ở nước ngoài không có nghĩa là họ có thể tránh được việc nhập ngũ.
Hiện tại, chỉ những nhạc sĩ cổ điển từng đoạt giải thưởng được công nhận trên toàn cầu và những người đoạt huy chương vàng Thế vận hội và Á vận hội mới được miễn nhập ngũ hoặc được phép làm những công việc công ích khác. Một số cuộc thi nghệ thuật cũng cho phép miễn trừ.
Theo truyền thông Hàn Quốc, sự sáng tạo của BTS đóng góp trị giá khoảng 3,54 tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc hàng năm, không có gì ngạc nhiên khi các nhà lập pháp đang thảo luận về các cách để miễn nghĩa vụ quân sự cho nhóm. Điều này có thể được thúc đẩy bởi thực tế là thành viên lớn tuổi nhất Kim Seok-Jin (Jin) sẽ 30 tuổi vào tháng 12 tới.
Điều đó có nghĩa là thành viên này sẽ phải nhập ngũ vào cuối năm 2023 nếu luật hiện hành không thay đổi. Vào năm 2020, nam thần tượng có vẻ sẵn sàng khi nói rằng “nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ cần thiết” và anh sẽ “đáp ứng bất cứ khi nào đất nước gọi đến”. Tuy nhiên, tại một cuộc họp báo vào tháng 4, trước khi nhóm biểu diễn ở Las Vegas, Jin cho biết đã thảo luận và giao hết quyền quyết định cho công ty.
Lee Jin Hyung, Giám đốc truyền thông của HYBE, công ty quản lý BTS phát biểu tại sự kiện này, cho biết “Dự luật sửa đổi nghĩa vụ quân sự đang chờ Quốc hội thông qua, hy vọng sẽ được thông qua trong thời gian sớm nhất có thể”. Anh cũng hy vọng BTS “sẽ tiếp tục các hoạt động của mình mà không cần phải nghỉ ngơi một thời gian dài”.
Theo một cuộc thăm dò gần đây của Gallup Korea, 59% người được hỏi cho rằng các ngôi sao nhạc pop có thể được miễn nhập ngũ; 33% cho rằng không nên (số còn lại không nêu ý kiến).
Đại diện Sung Il-Jong của Đảng Quyền lực Nhân dân cho biết, ông và người đồng cấp Đảng Dân chủ gần đây đã thảo luận về sự cần thiết phải xem xét lại việc miễn trừ quân sự. Ông cho biết trong khi các ngôi sao thể thao gia tăng giá trị cho nền kinh tế, với một huy chương vàng Olympic gián tiếp mang lại khoảng 210,7 triệu USD, thì ca khúc đứng đầu bảng xếp hạng tại Mỹ sẽ có tác dụng kinh tế ở Hàn Quốc với 1,38 tỷ USD.
Mặc dù vậy, có nhiều lý do khiến việc miễn trừ quân sự, bao gồm cả đối với BTS vẫn là một chủ đề gây tranh cãi. Bởi thực tế ở Hàn Quốc, nhiều trường hợp là chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp hay các mối quan hệ thân thiết của họ xoay sở để trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Cùng với đó, các đội thể thao đã bị cáo buộc sử dụng các cuộc thi lớn làm lộ trình miễn trừ, chọn cầu thủ sắp nhập ngũ vào đội tuyển quốc gia thay vì các ứng cử viên xứng đáng khác.
Tuy nhiên, những người khác, như Lee Won Cheol, một doanh nhân 31 tuổi ở thành phố Hanam, cho rằng nên được miễn trừ nhiều hơn, bao gồm cả những người chơi nổi tiếng của môn thể thao điện tử, được gọi là Esports. Ông cho rằng việc miễn trừ cho BTS không có nhiều hỗ trợ như miễn trừ cho tiền đạo Son Heung Min của câu lạc bộ Tottenham Hotspur, người chỉ phục vụ 3 tuần đào tạo cơ bản, hoặc game thủ Faker vẫn chưa phục vụ trong quân đội nhưng có thể được miễn trừ vì anh được coi là ứng cử viên tranh huy chương vàng trong Đại hội thể thao châu Á vào tháng 9.
Một số ý kiến cho rằng những người nhận được Huân chương Văn hóa của Hàn Quốc, thường được chính phủ trao tặng sau nhiều thập kỷ ảnh hưởng văn hóa, nên được xem xét miễn trừ nghĩa vụ quân sự. BTS, ca sĩ PSY và nữ diễn viên đoạt giải Oscar Youn Yuh-jung đều đã được trao giải này.
Gần đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hàn Quốc Hwang Hee đã có bài phát biểu đề xuất các nghệ sĩ nam được công nhận trên toàn cầu, như BTS, được phép thay nghĩa vụ quân sự bắt buộc của họ bằng các chương trình thay thế khác: "Tôi nghĩ rằng cần có một ai đó có trách nhiệm lên tiếng cho tình huống có những ý kiến trái chiều đối với việc nhập ngũ của BTS gần đây.
Ông cho biết lý do để đưa ra đề xuất là việc buộc các nghệ sĩ văn hóa đại chúng được công nhận trên toàn cầu phải tạm dừng sự nghiệp đang ở đỉnh cao để phục vụ trong quân đội sẽ gây ra tổn thất lớn không chỉ cho đất nước mà còn cho toàn thế giới.
"Các nghệ sĩ văn hóa đại chúng không còn cách nào khác ngoài việc ngừng hoạt động để tham gia phục vụ nghĩa vụ quân sự dù những thành tích họ đóng góp để nâng cao vị thế quốc gia quá rõ ràng. Điều này dẫn đến những tổn thất quốc gia quá rõ rệt. Trong hoàn cảnh hoàn toàn khác với quá khứ, việc những nghệ sĩ văn hóa đại chúng không được trao cơ hội như vậy có thể là không công bằng. Đặc biệt, K-pop đã tạo nên một nét chấm phá trong âm nhạc đại chúng. Trong số đó, BTS đã tạo ra được hiệu quả sản xuất 1200 tỷ won từ các buổi diễn và giành được nhiều giải thưởng âm nhạc hàng đầu ở nước ngoài", ông Hwang Hee cho biết.
Choi Kyu Sung, nhà phê bình văn hóa nhạc pop và Giám đốc điều hành của Viện Cơ sở dữ liệu K-pop, cho biết chính phủ có xu hướng tập trung nhiều hơn vào âm nhạc truyền thống và cổ điển nhưng nhiều người hiện xem nhạc pop là nghệ thuật: “Thật khó khăn vào lúc này vì chưa có trường hợp ngôi sao K-pop nào không phải phục vụ trong quân đội. Có lẽ BTS có thể là những người đầu tiên"./.