BTV Hữu Trí 'Chuyển động 24h': Tết miền Bắc khác nhiều Tết miền Tây
Lần đầu đón Tết ở Hà Nội vì tình hình dịch bệnh phức tạp, biên tập viên Hữu Trí của 'Chuyển động 24h' có những trải nghiệm thú vị.
Biên tập viên Hữu Trí cho biết, Tết miền Bắc và miền Tây có nhiều điểm khác nhau
Hữu Trí là biên tập viên nói tiếng miền Tây duy nhất của “Chuyển động 24h”. Tết Tân Sửu 2021 là năm đầu tiên anh đón Tết ở Hà Nội sau 4 năm chuyển ra Hà Nôịcông tác vì diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Anh có những trải lòng với Báo Giao thông về cái Tết đặc biệt của mình.
Không biết mở miệng nói với nội, ngoại thế nào
Điều gì khiến anh quyết định “xuân này con không về” và ở lại Hà Nội?
Thực ra trước đó, tôi đã đặt vé máy bay mọi thứ để về quê đón Tết như mọi năm rồi, nhưng khi dịch bệnh bùng phát ở Hà Nội khiến tôi suy nghĩ lại. Thời điểm này khá nguy hiểm khi có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng. Quê tôi may mắn là chưa có ca dương tính nào.
Khi Hà Nội bùng dịch, thú thực tôi không lo lắng quá vì nghĩ mình còn trẻ, nếu nhiễm bệnh cũng không quá đáng lo, nhưng tôi sợ ra sân bay, lỡ dính virus rồi mang về quê lại khổ cộng đồng và mọi người.
Vả lại, tâm lý những người ở quê khi thấy có người về từ điểm nóng của dịch bệnh cũng khác mình. Họ có thể lo lắng và nếu tôi về quê, mình phải cách ly tại nhà và hàng xóm, người thân có thể có phần e ngại đến nhà tôi chơi. Như thế, nhà mình ăn Tết một mình cũng không vui, chẳng thà tôi ở lại cho mọi người cùng an tâm.
Ở Hà Nội ăn Tết một mình, cảm giác của anh như thế nào?
Có thể mọi người thấy tôi tội nghiệp. Nói không buồn thì không đúng vì đường phố Hà Nội khá vắng vẻ, ở đài cũng vắng vì nhiều người về quê.
Tuy nhiên, tôi nghĩ 4 năm qua mình ra Hà Nội công tác và cả 4 năm, tôi đều về quê ăn Tết. Vì tôi ở Cần Thơ, nhà xa nên các đồng nghiệp ở đài đều ưu ái cho tôi không phải trực Tết. Mọi người làm luôn phần việc của tôi.
Anh tăng cường trực Tết để các đồng nghiệp có thời gian ở bên gia đình
Do đó năm nay, tôi ở lại làm luôn và trực gần như xuyên Tết, để những ai có gia đình sẽ có thời gian ở bên người thân nhiều hơn. Như thế, tôi đỡ ngại ngùng hơn là năm nào cũng bắt mọi người trực hộ. Vì đi làm bình thường nên tôi bận rộn, không có thời gian nghĩ nhiều để thêm buồn.
Bạn tôi cũng ngỏ lời bảo Tết đến nhà nhưng tôi không đến nhà bạn ăn Tết. Dịch bệnh phức tạp nên tôi hạn chế đến nhà mọi người. Cứ tụ tập, biết đâu lại mang dịch đến nên thôi, Tết tôi ở nhà và đi làm.
Mẹ anh nói gì khi con trai không về xum họp?
Mọi người lo mẹ tôi buồn nhưng thực tế, mẹ lại là người bảo tôi ở lại. Mẹ sợ tôi đi tàu xe hay các phương tiện công cộng sẽ dễ nguy hiểm, lây nhiễm bệnh. Mẹ nói qua Tết hết dịch về cũng được, nhưng tôi biết mẹ và cả nội, ngoại tôi đều buồn.
Tết là thời gian xum họp gia đình nên mọi người hay có tâm lý trông ngóng tôi về. Một năm, tôi chỉ về 1-2 lần. Trước đó, tôi đã thông báo với nội và ngoại rằng mình sắp về ăn Tết, sắp được gặp mọi người.
Sau khi nghĩ lại, tôi nói chuyện với mẹ nhưng mấy ngày sau mới dám gọi cho ngoại và nội. Tôi không biết mở miệng thế nào. Ngoại bảo, đã làm cho tôi một keo mắm tép mà tôi lại không về. Ngoại biết tôi hay thích ăn những món miền Tây như khô, dưa mắm…
BTV Hữu Trí quyết định ở lại Hà Nội để phòng chống lây nhiễm bệnh
Mua đào sợ bị “chặt chém”
Lần đầu đón Tết ở Hà Nội, anh có thấy khác nhiều so với ở quê anh?
Tôi thấy có nhiều thứ khá hay ho. Trước đây, tôi chưa biết Tết miền Bắc có gì khác so với miền Nam. Tôi đã hỏi nhiều bạn bè để tự sắm sửa cho nhà của mình và thấy ngay mâm cơm cúng 30 Tết của người Hà Nội đã khác so với quê tôi.
Trong miền Tây, mọi người hay nấu canh trái khổ qua để mong những nỗi khổ sẽ qua đi, năm mới nhiều điều tốt lành hơn. Nhưng ở Hà Nội, người ta gọi khổ qua là mướp đắng nên không nấu món đó (Cười)
Tôi cũng đi mua đào quất, trái cây để trong nhà để có không khí và mới biết, mâm ngũ quả ở hai nơi khác nhau khá nhiều. Tôi đi mua đồ cùng bạn, bạn hỏi tôi mua nải chuối chưa khiến tôi khá bất ngờ.
Hóa ra ngoài Bắc, mâm ngũ quả hay có nải chuối xanh, còn trong miền Nam chủ yếu là “cầu vừa đủ xài” (mãng cầu – dừa – đu đủ - xoài) và có thêm một chùm sung. Cuối cùng, tôi vẫn chọn làm mâm ngũ quả như ở quê tôi để đỡ nhớ nhà. Dĩ nhiên, vẫn có trái đặc trưng của miền Bắc là Phật thủ.
Còn chuyện một chàng trai trang trí nhà cửa thì sao?
Ngày trước về quê ăn Tết, tôi không trang trí nhà cửa vì ở nhà mọi người đã trang trí hết rồi. Trong miền Tây, hầu như trước nhà nào cũng có một cây mai nên tôi chưa bao giờ đi mua mai. Lần này ở đây, tôi đi mua hoa đào.
Tôi hay làm phóng sự về giá cả thị trường nhưng đúng là khi mình đi mua mới thấy lúng túng. Đào có nhiều loại từ đào rừng, đào bích, cành to, cành nhỏ… khiến tôi không biết phải trả giá thế nào. Tôi còn sợ khi mình nói giọng miền Nam, biết đâu lại bị “chặt chém” nên rủ bạn đi cùng. Thế là, tôi thích cành nào cứ chỉ và nhờ bạn hỏi mua trả giá hộ (Cười).
Anh cho biết ở miền Tây, hầu như trước cửa nhà nào cũng có một cây mai
Và ngay cả tục lệ ăn Tết ở hai nơi, chắc cũng có điểm khác?
Trong miền Tây, Tết khá thoải mái và mọi người không bị áp lực nấu nướng nhiều. Chỉ có ngày 30 Tết, gia đình sẽ nấu một mâm cơm rước Tổ tiên, rồi mùng 3 làm một mâm cơm để tiễn.
Mọi người làm cơm khá đơn giản, nhưng điều đặc biệt là quê tôi vào ngày Tết, dù có ăn hay không thì nhà nào cũng có một nồi thịt kho rệu. Gọi là “rệu” vì suốt 7 ngày Tết, mỗi lần ăn là lại mang nấu lên đến mức mềm nhũn.
Còn về tục lệ, tôi thấy người ngoài Bắc thường hay tới từng nhà chúc Tết. Trong miền Tây, điều này không bắt buộc và không là tục lệ, ai muốn đi thì đi.
Như gia đình tôi, mọi người sẽ tụ tập về nhà ba mẹ, quây quần với gia đình. Sẽ có một ngày gọi là “họp gia đình”, mọi người dắt con cháu về nhà ông bà rồi cùng nhau nấu ăn, nhậu nhẹt. Riêng mùng 1, nhiều người dành thời gian đi chùa nhiều hơn.