BỮA ĂN CHO CÔNG NHÂN RẤT QUAN TRỌNG (*): Bảo đảm an toàn, dinh dưỡng
Cần luật hóa mức suất ăn tối thiểu để bữa ăn của công nhân không chỉ bảo đảm an toàn thực phẩm, no bụng mà còn bảo đảm dinh dưỡng
Xung quanh vấn đề chất lượng bữa ăn giữa ca của công nhân (CN), Báo Người Lao động đã trao đổi với PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP HCM.
.Phóng viên: Là người trực tiếp đi khảo sát bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp (DN) trong nhiều năm, bà nhận xét thế nào về chất lượng bữa ăn giữa ca do DN thuê nhà thầu nấu hoặc tự nấu tại chỗ?
- Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN: Quản lý ATTP suất ăn giữa ca của CN được Ban Quản lý ATTP TP HCM đặc biệt quan tâm do hình thức cung cấp thức ăn cho đông người tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. DN có thể tự tổ chức nấu tại chỗ hoặc mua suất ăn công nghiệp từ bên ngoài. DN tự nấu ăn thường không chuyên nghiệp, phải đầu tư về mặt bằng, nhân lực nhưng ưu điểm là dễ kiểm soát vì được giám sát tại chỗ, thời gian từ khi nấu đến lúc CN ăn ngắn.
Hình thức mua suất ăn từ bên ngoài thì đơn vị cung cấp rất chuyên nghiệp trong quản lý ATTP nhưng có nhược điểm là quãng đường xa, dọc đường vận chuyển có thể phát sinh thêm mối nguy mất an toàn. Việc mua suất ăn từ bên ngoài còn có nhược điểm là "khuất mắt trông coi", có thể đơn vị cung cấp làm không đúng những gì đã cam kết để rút giảm chi phí. Do đó, DN đặt mua phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để bảo đảm chất lượng bữa ăn.
So với bữa ăn học sinh trong trường học thì bữa ăn giữa ca của CN không bằng do đầu tư ít hơn. Thế nhưng, thông qua hoạt động kiểm tra của cơ quan chức năng, đặc biệt là giám sát của tổ chức Công đoàn (CĐ), chất lượng bữa ăn giữa ca CN thời gian qua có sự cải thiện so với trước. Từ đầu năm đến nay, TP không xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể trong CN.
.Công tác quản lý, kiểm soát hoạt động các bếp ăn tập thể, nhất là chất lượng bữa ăn giữa ca của CN tại các DN được Ban Quản lý ATTP TP thực hiện ra sao? DN vi phạm sẽ bị xử lý thế nào?
- Chúng tôi luôn xác định "phòng bệnh hơn chữa bệnh", bởi khi xảy ra ngộ độc thực phẩm rồi thì có tổ chức cấp cứu, cứu chữa kịp thời cũng thất bại. Chúng ta phải làm sao để giảm thấp nhất nguy cơ ngộ độc.
Hiện TP có 1.035 bếp ăn CN. Chúng tôi thường xuyên tập huấn, hướng dẫn, thẩm tra điều kiện bảo đảm ATTP và tổ chức thanh, kiểm tra hoạt động các cơ sở này. Các bếp ăn phải bảo đảm ATTP, nhân viên được khám sức khỏe và tập huấn. Nguyên liệu phải bảo đảm nguồn gốc rõ ràng, phải có ghi chép 3 bước, thực hiện lưu mẫu…
Trong 9 tháng đầu năm, Ban ATTP TP đã kiểm tra 242 cơ sở, phát hiện 6 cơ sở vi phạm mức độ nhẹ với tổng số tiền phạt là 130 triệu đồng. Điều này cho thấy tình hình chấp hành quy định về ATTP của các cơ sở tương đối tốt. Tuy nhiên, khách quan mà nói, do Covid-19, việc áp dụng các biện pháp phòng dịch, số lượng bữa ăn CN giảm so với trước nên các nguy cơ mất an toàn cũng giảm, không "nóng" như những năm trước đây. Theo Nghị định 115/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP, nếu DN không bảo đảm ATTP và để xảy ra ngộ độc thì ngoài chi phí chữa trị cho CN còn phải chịu phạt từ 40 - 180 triệu đồng. Tôi cho rằng mức phạt trên đã đủ sức răn đe DN.
.Ở nhiều DN, bữa ăn giữa ca của CN chỉ vỏn vẹn 15.000 đồng/suất. Theo bà, mức này liệu có bảo đảm dinh dưỡng, đặc biệt là sức khỏe cho CN? Suất ăn CN ở mức nào là phù hợp?
- Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay, bình quân suất ăn CN có giá từ 15.000 - 18.000 đồng/suất. Trong đó, có 20% bữa ăn hơn 20.000 đồng/suất và đáng lưu ý có 6% bữa ăn chỉ có giá 12.000 - 13.000 đồng/suất. Hiện nay, bữa ăn mới được đánh giá cảm quan qua sự ngon miệng, no bụng hay chi tiết hơn là thực đơn đa dạng, có đầy đủ các nhóm chất như: đạm, tinh bột, béo, chất xơ - vitamin mà chưa có nghiên cứu cụ thể về dinh dưỡng. Do đó, rất cần thêm những nghiên cứu cụ thể về dinh dưỡng cho từng nhóm đối tượng như học sinh, CN và một chính sách tổng thể của nhà nước. Vì vậy, khó có thể đưa ra con số cụ thể là suất ăn bao nhiêu tiền thì mới đạt chuẩn. Tuy vậy, nếu chủ DN quan tâm đến CN, coi sức khỏe CN là tài sản của DN thì bữa ăn sẽ chất lượng hơn. Thực tế, có những DN chi không nhiều tiền cho suất ăn nhưng chất lượng ổn nhờ có nguồn cung cấp tốt hoặc không để trung gian cắt xén.
Thông thường, suất ăn CN càng thấp thì nguy cơ mất an toàn cao vì có khả năng mua nguyên liệu giá rẻ, cắt giảm khâu quản lý chất lượng. Thời gian qua, sau khi được Ban ATTP TP khuyến cáo, nhiều chủ sử dụng lao động đã chủ động tăng đơn giá bữa ăn giữa ca, bởi họ hiểu nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm thì DN sẽ thiệt hại nặng hơn.
.Luật hóa bữa ăn giữa ca của CN là ý kiến chung của nhiều chuyên gia, bà có ý kiến gì về đề xuất này?
- Hiện nay, xung quanh câu chuyện bữa ăn CN chủ yếu vẫn là tuyên truyền, vận động chủ DN nhưng chưa đủ. Do vậy, tôi tán thành việc luật hóa mức suất ăn tối thiểu để bữa ăn của CN không chỉ bảo đảm ATTP, no bụng mà còn bảo đảm dinh dưỡng. Mức sàn này nên chia theo vùng miền, không cố định cùng một số tiền, có thể tại TP HCM là ít nhưng các tỉnh bữa ăn sẽ đầy đủ tùy theo giá cả từng nơi. Hiện do dịch bệnh, DN gặp nhiều khó khăn duy trì sản xuất, kinh doanh nhưng sức khỏe CN là tài sản của DN nên cần chăm lo đúng mức. Về phía CN cũng cần lưu ý đến quyền lợi của mình. Nếu phát hiện bữa ăn có vấn đề, cần báo ngay cho CĐ hoặc Ban ATTP TP để được can thiệp, giải quyết kịp thời.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-10
Kỳ tới: Luật hóa bữa ăn giữa ca
Cần có bộ tiêu chí đánh giá về dinh dưỡng
Chiều 8-10, LĐLĐ TP HCM đã tổ chức tọa đàm "Chất lượng bữa ăn ca của người lao động (NLĐ)" tại 3 điểm gồm quận Gò Vấp, quận Bình Tân và KCN Tây Bắc Củ Chi với sự tham gia của các cán bộ CĐ cấp trên và CĐ cơ sở trên địa bàn TP. Trao đổi tại buổi tọa đàm, các cán bộ CĐ cho biết số DN tổ chức được bếp ăn tập thể cho NLĐ còn ít; chất lượng bữa ăn giữa ca chưa được quy định cụ thể. Do đó, các đại biểu cho rằng luật cần bổ sung quy định cụ thể về bữa ăn ca để bảo đảm sức khỏe cho NLĐ, nhất là các ngành nghề nặng nhọc, độc hại, đồng thời có biện pháp chế tài đối với DN để xảy ra tình trạng vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề xuất xây dựng bộ tiêu chí đánh giá dinh dưỡng bữa ăn ca cho CN làm cơ sở để CĐ thương lượng cũng như thực hiện việc giám sát chất lượng bữa ăn.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng mức tối thiểu để thương lượng bữa ăn giữa ca theo Nghị quyết 7c của Tổng LĐLĐ Việt Nam (15.000 đồng/suất ăn) đã không còn phù hợp tại những TP lớn có mức sống cao, do đó cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị LĐLĐ TP HCM tăng cường hợp tác với các đơn vị cung cấp thực phẩm để giúp kết nối và cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng với giá ưu đãi cho các DN có bếp ăn tập thể để nâng chất bữa ăn giữa ca cho NLĐ. Cùng ngày, LĐLĐ TP HCM đã tổ chức các đoàn đi khảo sát chất lượng bữa ăn giữa ca tại một số DN có tổ chức bếp ăn tập thể như Nhà máy May An Phú (Công ty CP Garmex Sài Gòn), Công ty TNHH Lạc Tỷ, Công ty TNHH Hansae Việt Nam.