Bữa ăn hằng ngày của trẻ thiếu đến 50% nhu cầu vi chất
Hội thảo với chủ đề 'Sản phẩm dinh dưỡng công thức từ sữa tươi – Dinh dưỡng vàng cho lứa tuổi vàng, giúp trẻ phát triển toàn diện' đã diễn ra ngày 8/6 tại Hà Nội. Tại đây, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết: Bữa ăn hằng ngày của trẻ em Việt Nam thiếu đến 50% nhu cầu vi chất.
Theo Tổ chức Dinh dưỡng Đông Nam Á, bữa ăn hằng ngày của trẻ em Việt Nam thiếu đến 50% nhu cầu vi chất. Trong khi đó, khoa học đã chứng minh, khoảng 54% chiều cao tối đa của trẻ đạt được khi tròn 3 tuổi, 32% chiều cao tối đa vào khoảng 12 tuổi.
Từ 0 đến 12 tuổi là giai đoạn vàng quyết định sự phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí tuệ của con người. Những năm qua, mặc dù chiều cao của thanh niên Việt Nam đã tăng lên, song vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực và thấp hơn so với mức chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: bổ sung dinh dưỡng công thức từ sữa tươi, là giải pháp quan trọng để khắc phục tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em.
“Sữa công thức với thành phần đủ năng lượng, đủ đạm, cân đối các chất béo thiết yếu, đủ các vi chất thiết yếu và thêm chất xơ sẽ góp phần bổ sung đủ chất cho khẩu phần của các cháu, chất xơ hòa tan giúp cải thiện hệ tiêu hóa của trẻ. Làm ở chuyên ngành dinh dưỡng lâu năm, tôi thấy rằng, sữa sản xuất cho thị trường Việt Nam sẽ phù hợp cho người Việt Nam hơn. Ví dụ người Việt Nam thiếu nhiều vi chất dinh dưỡng. Chẳng hạn, trong sản phẩm sữa công thức bắt buộc phải có i-ốt, nhưng trong sản phẩm sữa dùng cho nội địa của Nhật Bản không tăng cường i-ốt vì hầu như người dân không thiếu i-ốt. Nếu người mẹ Việt Nam mua sữa nội địa của Nhật Bản về cho con uống thì chưa chắc đã phù hợp, vì sẽ thiếu i-ốt, mà chúng ta biết rằng, nếu thiếu i-ốt thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của các cháu và ảnh hưởng đến tuyến giáp nữa.”
Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2000 cho thấy, trong số những trẻ em dưới 5 tuổi ở nước ta có gần 60% bị thiếu kẽm, gần 20% bị thiếu máu và gần 20% bị suy suy dinh dưỡng thấp còi. Đối với trẻ từ 5 đến 19 tuổi, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi chiếm gần 15%, tỷ lệ thừa cân béo phì chiếm 19%, trong đó ở khu vực thành thị, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì cao gần gấp đôi mức trung bình của toàn quốc./.