Bữa ăn một mình ở đô thị đông đúc không phải là sự cô đơn

Theo chuyên gia, việc ăn một mình nên được nhìn nhận là lựa chọn trong cuộc sống thay vì phản ánh những điều bất thường, tiêu cực, cô độc của giới trẻ.

Phương Thảo (27 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội) không ngại đi ăn hàng quán một mình. Điều này đã quá quen thuộc kể từ khi cô bắt đầu sống riêng cách đây 6 năm.

“Vì sao ăn một mình lại buồn? Mọi người thường gắn hình ảnh đó với sự cô đơn hoặc thiếu thốn kinh tế, tình cảm. Nhưng mình không cần phải ở cùng người khác để thưởng thức một bữa ăn ngon”, cô nói.

Phương Thảo không phải trường hợp cá biệt. Ăn một mình là xu hướng ngày càng phổ biến ở người trẻ, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Thực tế, xu hướng này không còn xa lạ tại một số quốc gia châu Á. Ở Nhật Bản, cụm từ “ohitorisama” dùng để chỉ những người sống theo trường phái “một thân một mình”. Tại Hàn Quốc, trong những năm gần đây, làn sóng “honbap” (ăn một mình) và “honsul” (uống rượu một mình) cũng trở thành điều bình thường.

 Những bữa ăn, đi chơi, cà phê một mình giúp người trẻ bận rộn tối ưu về mặt thời gian. Ảnh: Hồng Chang.

Những bữa ăn, đi chơi, cà phê một mình giúp người trẻ bận rộn tối ưu về mặt thời gian. Ảnh: Hồng Chang.

Sự tận hưởng

Trao đổi với Zing, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học, ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận định với nhịp sống ngày càng hối hả tại các đô thị lớn và xu hướng làm việc từ xa hoặc freelancer nhận nhiều công việc cùng lúc, người trẻ cần phải cân đối thời gian để hoàn thành đúng tiến độ công việc, vừa phải đảm bảo ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.

Ăn một mình tối ưu về mặt thời gian khi người trẻ chỉ cần chưa đến 5 phút là xong bữa trưa rồi tranh thủ chợp mắt hoặc bắt tay ngay vào công việc.

Bên cạnh đó, ăn uống cùng người khác cũng là yếu tố chi phối đến việc chọn món và cách ăn, đặc biệt là những cá nhân chú trọng về hình thức.

“Cũng cần nhắc đến sự can thiệp sâu sắc của điện thoại thông minh và Internet vào bữa ăn của người Việt. Hoàn toàn dễ bắt gặp một người vừa cầm điện thoại vừa ăn một mình, thậm chí khi ăn với người khác, họ vẫn chỉ tập trung vào điện thoại”, ông nói.

Theo chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa “một mình” và “cô đơn”.

Nếu một cá nhân có thiên hướng là người hướng nội, việc giao tiếp với người khác mới là điều làm họ không thoải mái, mất năng lượng. Do vậy, nếu một cá nhân tự chủ việc ăn uống một mình và thật sự tận hưởng, đó không phải là cô đơn.

 Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An cho rằng nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa “một mình” và “cô đơn”.

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An cho rằng nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa “một mình” và “cô đơn”.

Tuy nhiên, nhiều người lại rất muốn ăn cùng ai đó, mong muốn có sự kết nối nhưng vì nhiều lý do vẫn phải đi một mình.

Lúc đó, họ thường suy nghĩ nhiều hoặc dồn sự chú ý vào điện thoại, laptop để tạo cảm giác bận rộn, hoặc chụp hình “sống ảo” theo kiểu “lúc nào cũng chỉ có một mình”.

“Một vòng lặp: ăn một mình - cảm thấy không vui, cô đơn - không tìm cách kết nối với người khác hoặc kết nối không thành công - lại ăn một mình... sẽ tạo thói quen tiêu cực, liên tục gặm nhấm đời sống tinh thần của cá nhân”, ông An cho biết.

Nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học dẫn nghiên cứu công bố năm 2020 với 3.515 người tại Hàn Quốc cho thấy cá nhân ăn tối một mình gặp căng thẳng hơn 1,31 lần so với ăn cùng người khác.

Tỷ lệ gặp trầm cảm giữa những người ăn trưa, ăn tối một mình cao hơn lần lượt người ăn trưa, ăn tối cùng người khác là 1,71 và 1,53 lần.

Trong chính nghiên cứu này, các tác giả dẫn chứng một số nguyên nhân như thiếu vắng sự giao tiếp với người khác dẫn đến khó xả stress hơn; thiếu cảm giác thuộc về, an toàn.

Nhóm chuyên gia cũng nhấn mạnh về đặc tính “cộng đồng” của người Á Đông càng đè nặng lên cá nhân, khiến họ cảm thấy bản thân có gì đó “không ổn” nếu chỉ xuất hiện một mình.

Ngoại trừ các yếu tố thuộc về sở thích cá nhân hoặc yếu tố ngoại cảnh như không có nhiều thời gian, tiền bạc... với đa số mọi người, bữa ăn gia đình là nơi đầu tiên cho họ trải nghiệm về việc ăn uống cùng người khác.

Do đó, không khí của bữa cơm gia đình không được gìn giữ tốt cũng có thể trở thành lý do cản trở cá nhân đó gắn bó hoặc mong muốn trải nghiệm việc ăn uống với những người khác trong tương lai.

Nhìn nhận khách quan hơn

ThS Phạm Quỳnh Anh, giảng viên Công tác xã hội, CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM, cho rằng nếu nhìn nhận một cách tích cực và khách quan, ăn một mình đơn giản chỉ là một trong những lựa chọn trong cuộc sống, có nghĩa là hoàn toàn bình thường.

Rất nhiều người ăn một mình nhưng không sống tách biệt khỏi xã hội mà vẫn dành thời gian quan tâm đến gia đình, bạn bè, người thân, tham gia các hoạt động khác.

Theo bà Quỳnh Anh, nguyên nhân người trẻ ăn một mình, trước hết có thể do công việc quá bận rộn khiến bữa ăn của họ phải diễn ra trong sự tranh thủ, không đủ thời gian cho các cuộc nói chuyện, trao đổi, chia sẻ, kết nối hay chăm sóc mối quan hệ.

Những bữa ăn như vậy diễn ra nhiều lần và liên tục, lặp đi lặp lại dần trở thành thói quen thường nhật của người trẻ.

Nguyên nhân tiếp theo có thể do những người đi ăn một mình muốn có thời gian riêng tư cho bản thân.

 Những bữa ăn một mình, xét ở góc độ nào đó, là cách phục hồi năng lượng của người trẻ. Ảnh: Phương Lâm.

Những bữa ăn một mình, xét ở góc độ nào đó, là cách phục hồi năng lượng của người trẻ. Ảnh: Phương Lâm.

Sau một ngày làm việc mệt mỏi, căng thẳng, phải tiếp xúc với quá nhiều người, bữa ăn là thời gian họ có thể dành riêng cho bản thân. Ở đó, họ được nghỉ ngơi, tận hưởng, thưởng thức, thậm chí làm những hoạt động khác như đọc tin tức, nghe nhạc nhẹ.

Một bữa ăn diễn ra như vậy không hoàn toàn xấu, thậm chí xem xét ở góc độ nào đó, đây là cách phục hồi năng lượng khá tốt.

Tuy nhiên, ThS Phạm Quỳnh Anh nhận định cũng có những nguyên nhân tiêu cực khác dẫn đến việc ăn một mình.

“Chúng ta không còn xa lạ với lối sống tách biệt xã hội khi chủ thể lựa chọn thực hiện các hoạt động hoàn toàn một mình, bao gồm đi ăn, ở, mua sắm, làm việc. Những người thuộc nhóm này thường ngại giao tiếp với người khác, thậm chí còn ngại ra khỏi nhà, chỉ giao tiếp khi thật sự cần thiết”, bà lý giải.

Bên cạnh đó, theo giảng viên Công tác xã hội, một số người gặp vấn đề tâm lý cảm thấy áp lực khi giao tiếp với người khác, bao gồm cả trò chuyện trong bữa ăn. Điều này nghĩa là họ không hoàn toàn chọn lối sống tách biệt nhưng không có cách nào để vượt qua nỗi sợ cá nhân.

 ThS Phạm Quỳnh Anh, giảng viên Công tác xã hội cho biết một số người cảm thấy áp lực khi giao tiếp trong bữa ăn.

ThS Phạm Quỳnh Anh, giảng viên Công tác xã hội cho biết một số người cảm thấy áp lực khi giao tiếp trong bữa ăn.

Từ những nguyên nhân trên, bà Quỳnh Anh cho rằng ăn một mình không phải lựa chọn xấu. Tuy nhiên, con người vẫn cần kết nối và chăm sóc các mối quan hệ ở những hoạt động khác trong cuộc sống để có sự cân bằng.

“Bữa ăn là thời gian để chúng ta quây quần hay kết nối, xây dựng mối quan hệ rất tốt. Cùng nhau thưởng thức một món ăn ngon, chia sẻ về cuộc sống, công việc cũng không phải một lựa chọn tệ. Vậy nên, người trẻ nên xem xét thật kỹ mục tiêu cuộc sống, sắp xếp thời gian hợp lý để có sự lựa chọn phù hợp cho bản thân”, bà nói.

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An cho rằng việc ăn uống hay bất cứ lời nói, hành vi nào khác của con người chỉ là một chỉ báo, biểu hiện, còn nguyên nhân sâu xa sẽ rất khác nhau ở mỗi cá nhân.

Điều quan trọng không nằm ở chỗ ăn một mình hay với người khác, mà là nhận ra những giá trị, nhu cầu, cảm xúc của bản thân từ trải nghiệm đó.

“Nếu liên tục cảm thấy không thoải mái vì ăn uống một mình, hãy thử gạch đầu dòng những nguyên nhân và giải quyết từng bước một. Nếu cảm thấy vấn đề có gốc rễ quá sâu từ trong tâm trí và quá khứ, việc tìm đến các dịch vụ chăm sóc tinh thần để được các tâm lý gia dẫn dắt, gợi mở là liều thuốc tinh thần quan trọng, giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn”, ông chia sẻ.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bua-an-mot-minh-o-do-thi-dong-duc-khong-phai-la-su-co-don-post1346896.html