Bữa ăn ngày giãn cách

Ngày thứ tám giãn cách… Số thực phẩm ít ỏi được chi viện trước ngày thực hiện Chỉ thị 16 đã gần hết.

Thực hiện việc không tích trữ, đồng thời do cách ly tại nhà nên tôi không thể ra đường chuẩn bị thực phẩm cho 2 mẹ con. Thực sự, chợ tạm vẫn mở, siêu thị vẫn bán, nhưng vì đã một lần mua vội mớ rau mà trở thành F2, nên giờ đây tôi dè dặt hơn khi đến chỗ đông người.

“Có gì ăn đó” là câu nói cửa miệng của người miền Nam, thể hiện việc không cầu kỳ, quá chú trọng đến chuyện ăn uống, qua bữa là xong, no bụng là được. Dù là người miền Nam, nhưng với tôi, có lẽ đến lúc này mới thấm thía câu nói đó.

Hạn chế đi chợ, tận dụng thực phẩm chế biến những bữa ăn gia đình đơn giản trong những ngày giãn cách là bạn đã góp phần quan trọng trong công tác phòng dịch

Hạn chế đi chợ, tận dụng thực phẩm chế biến những bữa ăn gia đình đơn giản trong những ngày giãn cách là bạn đã góp phần quan trọng trong công tác phòng dịch

Tôi vốn xuề xòa, ít chú trọng hình thức bên ngoài với suy nghĩ chỉ cần sạch là được, nhưng lại cầu kỳ trong chuyện ăn uống. Đồ ăn phải tươi, nấu phải vừa miệng; thức chấm phải phù hợp với từng món... Cũng vì chú trọng tiêu chí tươi ngon nên tôi hạn chế chuyện trữ đông thực phẩm.

Nhưng Covid-19 ập đến! Những ngày giãn cách kéo dài đã làm tôi nghĩ khác. Tôi chợt nhận ra rằng, mình cần phải thay đổi thói quen đi chợ hàng ngày, thay đổi thói quen chỉ ưa dùng đồ ăn tươi và nhất là thói lãng phí thực phẩm, vừa tốn tiền vừa đe dọa đến môi trường.

Trước hết, nói về lãng phí thực phẩm, Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp quốc đã chỉ ra rằng: Chất thải thực phẩm là một nguồn thải khổng lồ đối với tài nguyên thiên nhiên và gây ra các tác động tiêu cực về môi trường. Và theo đó, tác động ngược lại sức khỏe con người. Chính vì vậy, xây dựng thói quen không lãng phí, nấu vừa đủ, không đổ bỏ thức ăn thừa sẽ giúp tiết kiệm ngân sách gia đình, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Việc hạn chế đi chợ hàng ngày, đi một lần mua cho nhiều ngày là như thế.

Ngày thứ tám giãn cách, cũng là ngày cuối tuần nhưng tôi nhất định chưa vội ra chợ. Bữa cơm cuối tuần với suy nghĩ có gì nấu đó, tôi đã tận dụng và sáng tạo nhiều món ngon từ các thực phẩm sẵn có trong gia đình.

Đại dịch kéo theo sự ngừng trệ về kinh tế, đời sống một bộ phận người dân, đặc biệt là người lao động chân tay, lao động thời vụ, người buôn bán nhỏ và cả công nhân lao động… bị mất hoặc giảm thu nhập. Tiết kiệm tối đa các khoản chi tiêu là điều đầu tiên mọi người nghĩ đến. Ngay cả với những người may mắn có việc làm, có thu nhập cũng phải giảm bớt những nhu cầu cá nhân, điều chỉnh lại các khoản chi tiêu để vượt qua đại dịch. Đừng nghĩ rằng mình còn trẻ, còn khỏe và nhất là còn làm ra tiền hoặc kiếm tiền dễ ợt mà sẵn sàng hoang phí. Ông bà ta đã dạy, phải “tích cốc phòng cơ”, phải chuẩn bị cho mình một khoản dự trữ cần thiết để phòng những rủi ro xảy đến.

Covid-19 là một dạng rủi ro như vậy, nhưng khốc liệt hơn bởi mức độ tác động, phạm vi tác động và ảnh hưởng lâu dài. Nhưng không phải ai cũng có một khoản để dự phòng, để không phải chạy vạy ngược xuôi, không hẳn vì thu nhập ít ỏi, mà có thể vì thói chi tiêu xa xỉ, vung tay quá trán.

Trong những ngày giãn cách, ngẫm lại mình còn được bữa cơm với đủ đầy rau, thịt đã là điều may mắn. Hãy nghĩ đến những y, bác sĩ đang kiệt sức cứu chữa cho hàng chục ngàn ca bệnh; nghĩ về lực lượng nơi tuyến đầu đang dãi nắng dầm mưa ở các chốt kiểm soát dịch; nghĩ về những gia đình đang kiệt sức xoay trở trong mùa dịch… Tất cả mọi người đều mong mọi thứ sẽ nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới. Chính vì vậy, đừng vội đi chợ nếu nhà bạn vẫn còn có đủ thực phẩm để chế biến một bữa ăn. Khoan hãy lên tiếng khen chê, ngon dở, mà hãy nghĩ đến nhiều người đang ao ước một bữa cơm no, để thấy rằng chúng ta vẫn còn may mắn lắm.

Chưa vội ra đường khi chưa thật cần thiết - là bạn đã góp sức cùng cả nước chống dịch thành công!

Covid-19 có thể “cầm chân” mọi người, nhưng còn rất nhiều cách giúp chúng ta có thể sống ý nghĩa, yêu thương và chia sẻ với cộng đồng.

Hãy kể với BPTV chuyện ở nhà trong những ngày giãn cách của chính bạn và người thân như một sự kết nối cùng “quyết tâm đoàn kết, diệt hết covy”, tôn vinh những giá trị truyền thống, nhắc nhở mọi người ý thức sống đẹp, sống có ích... vì cộng đồng.

Những câu chuyện, chia sẻ thú vị bằng các bài viết phản ánh, cảm nhận, chuyện kể, hồi ký, phóng sự ảnh, clip sẽ được chọn đăng trên Báo Bình Phước online (www.baobinhphuoc.com.vn) và sóng phát thanh FM 89,4 MHz.

BPTV sẽ gửi tặng bạn món quà ý nghĩa và nhuận bút theo quy định.

Email của chúng tôi là:truyenthongcovidbptv@gmail.com

Nam Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/125462/bua-an-ngay-gian-cach