Bữa cơm gia đình gắn kết yêu thương
Bữa cơm gia đình không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta mà còn là nơi tụ họp, gắn kết các thành viên trong gia đình, cùng nhau sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn...
Đều đặn, mỗi ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, các thành viên đại gia đình bà Trần Thị Lan, tổ dân phố 13, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) lại tụ họp đông đủ cùng làm cơm và rôm rả trò chuyện. Bà Lan năm nay đã 66 tuổi; gia đình có 2 con gái đều đã lập gia đình và ở riêng. Dù bận rộn công tác, học tập; nhưng vẫn giữ được nếp quây quần bên mâm cơm đại gia đình vào những ngày cuối tuần. Mỗi dịp như vậy, con cháu bà cùng nhau vào bếp, hướng dẫn nhau làm cơm, vui vẻ với những món ăn mới và cùng nhau chia sẻ thành công, khó khăn trong công việc, học tập. Cuộc sống ngày càng hiện đại, nhiều gia đình chọn nhà hàng là nơi sum họp, nhưng với bà Lan như vậy bữa cơm đầm ấm cũng không còn ý nghĩa.
Bà Lan chia sẻ: Hiện nay, nhiều người bận rộn chuyện học hành, áp lực công việc hoặc đi làm ăn xa nên ít có điều kiện cùng ông bà, bố mẹ tổ chức một bữa cơm đầm ấm. Điều đó đã làm cho sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo. Do vậy, bữa cơm gia đình có đông đủ thành viên, tổ chức tại nhà có ý nghĩa hết sức quan trọng với gia đình tôi. Trong bữa cơm sum họp ấy, tôi không chỉ nghe được tâm tư, tình cảm của các con, những việc các con đang làm mà qua đó, còn động viên, khuyên bảo để các con có thêm niềm tin, giúp các con phần nào trong việc định hướng. Vì thế, các con tôi đều sống rất hòa thuận, biết kính trên nhường dưới, tôn trọng người vợ, chồng của mình…
Xây dựng gia đình đã gần 6 năm, cùng công tác trong lực lượng vũ trang, đặc thù công việc có những ngày phải trực xuyên đêm, nhưng vợ chồng chị Nguyễn Thị Đức Hạnh, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) luôn cố gắng duy trì bữa cơm có đầy đủ các thành viên. Với gia đình chị, khoảng thời gian vui nhất là lúc cả nhà quây quần bên mâm cơm, mọi người cùng trò chuyện, chia sẻ sau một ngày làm việc, học hành. Chị Hạnh cho biết: Với tôi, nấu một bữa cơm ngon cho gia đình là niềm hạnh phúc, thể hiện tình yêu thương đối với chồng, con. Để bữa cơm ấm áp, gắn kết thật sự thì các thành viên cùng vào bếp, mỗi người làm một việc, vợ nấu ăn, chồng rửa bát, con nhặt rau. Trong bữa cơm, nên trò chuyện với nhau những chủ đề nhẹ nhàng, không nên khơi gợi hay bàn luận những gì có thể đưa đến mâu thuẫn, tranh cãi trong các thành viên. Là người phụ nữ, tôi luôn sắp xếp thời gian hợp lý để trở về bên gia đình, nấu những bữa cơm ngon đảm bảo chất dinh dưỡng, gắn kết các thành viên lại với nhau, tạo điều kiện cho các con thấu hiểu được giá trị của bữa cơm gia đình.
Mỗi buổi sáng, chị Hạnh thường dậy sớm sơ chế thực phẩm, kể cả ướp sẵn các món kho, xào, nướng và nấu trước nồi cơm. Trưa về chỉ mang thực phẩm đã sơ chế ra nấu nướng nên rất nhanh gọn. Ngoài ra, chị thường lên thực đơn cho cả tuần để và dành những món chế biến cầu kỳ cho bữa cơm tối hoặc dịp cuối tuần.
Còn với gia đình chị Cao Thị Thu Trang, phường Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ) không ít lần “dỗ chồng” bằng những bữa ăn ngon. Chị cho biết, có những lần vợ chồng mâu thuẫn, cả ngày không ai nói với ai lời nào khiến không khí gia đình căng thẳng, ngột ngạt. Những lúc đó, chị chủ động vào bếp chế biến vài món ăn mà chồng yêu thích, mời chồng dùng bữa và chuyện trò làm lành trong bữa ăn.
Trong nhịp sống hiện đại, nhiều gia đình hiện nay thường chọn cách đơn giản hóa bữa cơm gia đình bằng thức ăn sẵn hay nhà hàng, từ đó bữa cơm gia đình với đầy đủ các thành viên trong nhà trở nên ít đi. Nhưng dù xã hội hiện đại đến đâu đi chăng nữa, bữa cơm gia đình luôn chiếm vị trí quan trọng vì không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn là nơi chia sẻ những kinh nghiệm giáo dục, đạo đức lối sống trong gia đình; thể hiện sự yêu thương, quan tâm, chia sẻ và gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình với nhau.