Bữa cơm vội vã bên lề đường khi sinh mạng dân là nhân quyền lớn nhất
Trong đại dịch Covid-19, những bữa cơm vội của chiến sĩ công an Hải Dương, đêm khuya đội mưa… Tất cả giúp người dân vượt qua đại dịch, vì mục tiêu nhân quyền cao nhất.
Không có nhân quyền nào lớn bằng sinh mệnh con người. Trong đại dịch Covid-19, người dân Việt Nam đã được bình an, tiếp tục phát triển cuộc sống. Phía sau thành công đó là sự nhọc nhằn của các chiến sỹ công an…
XEM VIDEO:
Đã 3 tháng trôi qua, trở lại với cuộc sống và nhiệm vụ hàng ngày, nhưng Thượng sỹ Trần Hải Linh, 24 tuổi, cán bộ đội PCCC Công an thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương vẫn chưa quên được những ngày vất vả trong đợt cao điểm chống dịch Covid-19.
Thượng sỹ Linh kể, khi chính sách giãn cách xã hội được ban hành, các anh lập tức nhận lệnh rời đơn vị ra đường trực chốt. Vị trí lập chốt phòng chống dịch Covid-19 là điểm xuống Phà Mây - nơi mỗi ngày có hàng nghìn công nhân lên phà để đi làm. Những đêm mưa, một bên là bờ sông, bên còn lại là đường lộ, tấm bạt mỏng không che hết anh em. Nước chảy tràn dưới chân nhưng tổ trực vẫn siết chặt chốt. Từng người đi qua đều được kiểm soát thân nhiệt, yêu cầu đeo khẩu trang.
Rồi đói, phải chờ cơm do mọi người ở đơn vị mang ra trong hộp tiện dụng. Họ phải lùi vào tận góc lều dựng tạm bên lề đường để ăn qua bữa. Từng người thay nhau ăn nhằm đảm bảo lực lượng trực trên đường. Trời tối, vắng ánh đèn điện, chiếc đèn pin được rọi cao lên đủ sáng đúng phần hộp cơm, miếng cơm lùa vội vàng cho giờ thay ca kíp…
Ngay trong ngày 4 Tết Nguyên đán, khi có người dân từ Trung Quốc trở về, Công an tỉnh Hải Dương đã có các giải pháp kịp thời để bảo vệ địa phương khỏi nguy cơ thành vùng dịch.
Trung tá Vũ Thị Lan Anh, Trưởng Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị chia sẻ, Ban giám đốc Công an tỉnh đã yêu cầu Phòng Xuất nhập cảnh chủ động liên hệ với Cục Xuất nhập cảnh, các cửa khẩu đường biên để lấy danh sách người Hải Dương về nước bằng đường không và đường bộ.
“Phòng Xuất nhập cảnh vỏn vẹn có hơn 30 nhân sự nên phải trực gần như 24/24h trước máy tính, tay luôn cầm điện thoại để kịp thời cung cấp thông tin cho cơ sở. Việc cơm quá bữa, ngủ không đủ giấc là đương nhiên”, Trung tá Lan Anh cho biết.
Có những việc ngày thường sẽ không bao giờ được phép xảy ra. Trụ sở công an phải luôn là điểm túc trực để tiếp nhận các tin báo về an ninh trong nhân dân. Thế nhưng, trong tình hình dịch xảy ra khó lường, Công an TP Hải Dương nhanh chóng “sơ tán” toàn bộ chiến sỹ, cán bộ Công an phường Hải Tân. Trụ sở 3 tầng sẵn sàng đón các chiến sỹ về cách ly.
Nhiều công dân trở về từ nước ngoài nhưng đã trung chuyển qua tỉnh khác nên không rõ được hành trình. Lúc đó, các chiến sỹ công an lại phải tỏa đi tìm. 3h sáng vẫn rà từng con ngõ, gõ từng nhà dân để cách ly người về từ vùng dịch, tránh nguy cơ lây ra cộng đồng. Và chính những chiến sỹ đó sẽ có với nguy cơ lây nhiễm cao nhất với virus.
“Công an TP rải quân ra các đầu chợ, cuối phố, nhắc bà con đeo khẩu trang... Nhân dân rất đồng tình. Tuy nhiên, cũng có kẻ mượn cái gọi là tự do quá trớn để đi ngược lại cộng đồng. Như việc 1 đối tượng khi tổ chống dịch tới nhắc gia đình không bán hàng trên vỉa hè, đã dùng dao chém Trưởng Công an phường Nhị Châu”, Thượng tá Phạm Quỳnh Anh, Phó trưởng Công an TP Hải Dương kể.
Thượng tá Nguyễn Đức Thìn, Trưởng Công an huyện Cẩm Giàng nhớ lại: “Khi tình hình dịch trở nên căng thẳng, tỉnh yêu cầu đóng các công viên và điểm vui chơi công cộng. Chúng tôi phải cử cán bộ lập chốt để ngăn người dân ra công viên vi phạm giãn cách xã hội. Nhắc nhở các cháu nhỏ rất khó, trẻ con thì phạt sao được. Nhiều gia đình đi làm lại để con tự chơi. Vì thế, các chiến sỹ lại phải dẫn các cháu về tận khu dân cư, tìm người thân bàn giao”.
Để giúp người dân vui vẻ ghi nhớ việc sát khuẩn tay, đeo khẩu trang bảo vệ mình trước dịch bệnh, Công an tỉnh Hải Dương đã cho các chiến sỹ Phòng Xuất nhập cảnh thể hiện vũ điệu Ghen Cô Vy sôi động trong một video dễ thương.
Rất nhiều cán bộ chiến sỹ còn nhắc tới bức tâm thư của Đại tá Lê Ngọc Châu, Giám đốc Công an tỉnh. Ông viết: “Các đồng chí đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, không né tránh trước nguy cơ nhiễm bệnh đang hiện hữu.
Với bản lĩnh của người lính, trên tinh thần 'Vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân', chúng ta cùng nhau thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân tỉnh nhà trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh này theo phương châm 'Khi dân cần, khi dân khó, có Công an'”.
Những hành động thiết thực của Chính phủ và các cấp bộ ngành, trong đó có lực lượng công an để thực hiện nghĩa vụ bảo vệ sự sống, bảo vệ quyền sống, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe và tiếp cận chăm sóc sức khỏe chính là cơ sở để dư luận thế giới đánh giá cao thành công của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch.
Vì vậy, dù một số tổ chức, cá nhân lại cố tình bóp méo sự thật, lợi dụng dịch bệnh để chống phá, vu cáo chính quyền; phủ nhận thành quả của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong công tác ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh đã không đạt được mục tiêu.
Bởi, "Chống dịch như chống giặc", "Không để ai bị bỏ lại phía sau" không chỉ là phương châm mà đã trở thành ý thức tự giác chi phối hành vi của toàn dân trong nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, đồng lòng phòng, chống đại dịch. Và đây cũng chính là cơ sở để Chính phủ đưa ra những quyết định sáng suốt, kịp thời, phù hợp với điều kiện đất nước, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế, có hành động quyết liệt, tạo nên sự đồng thuận trong toàn dân, huy động sức mạnh toàn dân tộc để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, ổn định xã hội.
Thực hiện giãn cách xã hội, Công an tỉnh Hải Dương đã điều động khoảng 1 nghìn cán bộ chiến sỹ ở 166 chốt liên ngành để kiểm soát người ra vào tỉnh. Tỉnh còn bố trí hơn 1 nghìn chốt tại các địa phương. Công an, y tế, quân đội và đoàn viên làm việc 3 ca 24/24h tại các điểm phòng chống dịch như vành đai mềm bảo vệ nhân dân.