Bùa hộ mệnh hình hà mã Moo Deng nhận chỉ trích tại Thái Lan

Bùa hộ mệnh hình hà mã lùn Moo Deng có giá 200-2.500 baht. Thậm chí, phiên bản đắt nhất được chế tác từ vàng nguyên chất.

 Cái tên Moo Deng có nghĩa là "heo béo" trong tiếng Thái. Ảnh: @hopes_revenge/X.

Cái tên Moo Deng có nghĩa là "heo béo" trong tiếng Thái. Ảnh: @hopes_revenge/X.

Cuộc tranh cãi nổ ra khi các nhà sư tại chùa Anant Buraparam (huyện Bang Lamung, tỉnh Chon Buri, Thái Lan) bán "bùa hộ mệnh Moo Deng" để cầu may mắn.

Theo The Thaiger, loại bùa mới ra mắt này có tên Moo Deng Kwak Sub (tạm dịch: "hút may mắn"). Trên bùa có hình ảnh nhỏ của chú hà mã lùn Moo Deng trong cử chỉ vẫy tay, mô phỏng tương tự Nang Kwak - bùa hộ mệnh truyền thống của Thái Lan.

Đáng chú ý, bùa hộ mệnh Moo Deng được làm từ 4 chất liệu tương ứng với giá tiền khác nhau: titan xanh, vàng, bạc nguyên chất và đồng. Theo Amarin TV, giá của những bùa hộ mệnh này dao động 200-2.500 baht. Phiên bản được chế tác từ vàng nguyên chất.

 Hình ảnh nhà sư làm lễ xin thỉnh bùa hộ mệnh Moo Deng. Ảnh: Khaosod.

Hình ảnh nhà sư làm lễ xin thỉnh bùa hộ mệnh Moo Deng. Ảnh: Khaosod.

Ngôi chùa cũng công bố nhiều hình ảnh nhà sư đang thực hiện nghi lễ trì chú trên bùa hộ mệnh để làm chúng trở nên linh thiêng. Theo Phra Samuh Thanawut (Phra Achan Chin), nhà sư đưa ý tưởng và thực hiện lễ thỉnh bùa hộ mệnh Moo Deng, loại bùa này có thể mang lại may mắn và sự giàu có cho những người sở hữu nó.

Bên cạnh nhiều người hỏi mua bùa hộ mệnh, không ít ý kiến chỉ trích việc làm của nhà chùa. Họ cho rằng Moo Deng chỉ là một con vật và không thể mang lại may mắn hay tài lộc cho bất kỳ ai. Bùa hộ mệnh được xem là đang khuyến khích mê tín dị đoan.

2 trong số 4 loại bùa Moo Deng của chùa Anant Buraparam thuộc quận Bang Lamung, tỉnh Chon Buri. Ảnh: Khaosod.

2 trong số 4 loại bùa Moo Deng của chùa Anant Buraparam thuộc quận Bang Lamung, tỉnh Chon Buri. Ảnh: Khaosod.

Attapon Sriharun, Giám đốc sở thú Thái Lan, cũng bày tỏ mối quan ngại về bùa hộ mệnh Moo Deng. Ông cảnh báo mọi người không nên mê tín vì Moo Deng chỉ là một con hà mã lùn, không có bất kỳ khả năng siêu nhiên nào để làm giàu cho con người.

Giám đốc sở thú cho biết dù không phản đối các mặt hàng Moo Deng như quần áo, túi xách hoặc giày dép, nhưng việc sử dụng hình ảnh của hà mã con cho các tín ngưỡng tôn giáo hoặc siêu nhiên là điều không phù hợp.

Giám đốc sở thú cũng kêu gọi chính quyền, hội Phật giáo Quốc gia nên điều tra vấn đề này.

Wiwekajarn, một trong những nhà sư xuất hiện trong lễ thỉnh bùa Moo Deng, giải thích ngôi chùa đã chế tác những lá bùa hộ mệnh này như một vật lưu niệm cho du khách. Chúng được cung cấp miễn phí, nhưng bất kỳ ai muốn làm công đức đều có thể quyên góp cho ngôi chùa.

Số tiền quyên góp được sẽ được sử dụng cho các dự án xây dựng chùa, cũng như chi trả chi phí điện, nước và các dự án phát triển khác trong chùa.

Trước sự việc gây tranh cãi, ngày 2/11, người đứng đầu giáo hội huyện Bang Lamung yêu cầu nhà sư Phra Samuh Thanawut (Ajarn Chin) phải rời khỏi khu vực giáo hội của huyện trong vòng 7 ngày.

Trong cuộc phỏng vấn với Khaosod, Ajarn Chin cho biết đã chấp nhận yêu cầu này và muốn xin lỗi các Phật tử và xã hội, thừa nhận hành động của mình là "không phù hợp" và xin lỗi vì đã ảnh hưởng đến đức tin của mọi người.

Quỳnh Trang

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/bua-ho-menh-hinh-ha-ma-moo-deng-nhan-chi-trich-tai-thai-lan-post1510117.html