Bữa tiệc âm nhạc truyền thống ASEAN đầy màu sắc
Khán giả Hà Nội đã có những trải nghiệm âm nhạc đầy bất ngờ với món quà đặc biệt mà đêm nhạc 'Tình hữu nghị xuyên biên giới' của C asean Consonant đem lại, không chỉ các tác phẩm nhạc truyền thống của 10 quốc gia ASEAN, mà còn những chất liệu, nhạc cụ đặc biệt mà các nghệ sĩ đem đến để tạo nên những không gian khác lạ trong âm nhạc.
Nhiều khán giả, có lẽ đã thay đổi suy nghĩ về âm nhạc truyền thống các dân tộc, sau khi thưởng thức đêm trình diễn của các nghệ sĩ.
Đêm nhạc “Tình hữu nghị xuyên biên giới” của C asean Consonant với 12 phần trình diễn mang 12 màu sắc khác nhau, do tổ chức C asean phối hợp với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thực hiện. C asean Consonant là một dàn hòa tấu âm nhạc truyền thống của ASEAN, với 10 nghệ sĩ đến từ 10 nước ASEAN, trình diễn những nhạc cụ truyền thống của quê hương mình trong những bản nhạc của các nước ASEAN hoặc các bản nhạc được viết chung cho cả dàn nhạc. Hỗ trợ cho đêm diễn là các giảng viên và sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia trong dàn nhạc dân tộc và dàn hợp xướng.
C asean Consonant bắt đầu hành trình lưu diễn của mình từ năm 2015 tại Thái Lan, sau đó là qua các nước Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Indonesia. Sử dụng âm nhạc là tiếng nói chung, C asean Consonant kể những câu chuyện kỳ thú, độc đáo của văn hóa mỗi nước ASEAN, và trở thành cây cầu kết nối tình hữu nghị giữa các nước, cũng như làm cây cầu nối những giá trị văn hóa truyền thống đến thế hệ trẻ thông qua âm nhạc.
Hơn 500 khán giả trong phòng hòa nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã có rất ít khoảng lặng giữa những tràng vỗ tay kéo dài tán thưởng, những tràng vỗ tay hòa nhịp cùng nghệ sĩ trong đêm nhạc.
Đêm nhạc là dịp để các nghệ sĩ “khoe” với khán giả những nhạc cụ độc đáo của dân tộc mình. Bản “Desh” của Singapore sử dụng cây sáo Bansuri tấu lên những giai điệu mang âm hưởng nhạc cổ điển Ấn Độ. Bài “Seang Khaen Lao” của Lào sử dụng bộ nhạc cụ Khaen (khèn bè) phối hợp với dàn nhạc. Khaen là bộ nhạc cụ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa. Độc đáo nhất là bản nhạc quen thuộc “Sarika Keo” của Cam-pu-chia với những loại nhạc cụ chính là các món đồ chơi dân gian, tạo ra âm thanh như tiếng chim trong khu rừng. Bản nhạc này vốn được người Việt biết tới với cái tên “Chim sáo” (dân ca Kh’mer Nam Bộ).
Và không thể thiếu đàn bầu, loại nhạc cụ độc đáo của Việt Nam, đã cùng nghệ sĩ Lê Thùy Linh kể câu chuyện về đất nước Việt Nam tươi đẹp, hòa bình, thân thiện và luôn đón chào bạn bè quốc tế bằng những giai điệu truyền thống mềm mại.
Sự kết hợp giữa các nhạc cụ dân gian và dàn hợp xướng do các sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia thể hiện đã đem đến những màu sắc mới mẻ cho đêm nhạc. Từ ca khúc được viết chung cho dàn nhạc “The ASEAN way” cho đến các ca khúc dân gian của từng quốc gia, sự kết hợp này đã đem đến cho khán giả những câu chuyện thú vị trong văn hóa của từng nước.
Bài “Hola Hela” của Brunei thể hiện vẻ đẹp, sự thịnh vượng, hòa bình và tinh thần hợp tác của người dân Brunei, được các nghệ sĩ trình diễn bằng những nhịp vỗ trống mộc đệm cho dàn hợp xướng. Bài “Anoman Obong”, một trong những bản nhạc Dangdut nổi tiếng nhất của Indonesia kể về người anh hùng huyền thoại khỉ từ truyền thuyết Hindu Ramayana. Dàn hợp xướng kết hợp với vũ đạo và dàn nhạc kể câu chuyện về Anoman dũng cảm đã đốt cháy thành phố Alenga của vua Ravana độc ác. “Anoman Obong” là cảm hứng bất tận cho nhiều thế hệ nghệ sĩ Indonesia trong các tiết mục trình diễn hiện đại của mình.
Ở mỗi một bản nhạc, hai nhạc trưởng Mohd Yazid Zakaria (Malaysia) và Watchara Pluemyart (Thái Lan) lại lần lượt thay nhau đảm nhận công việc chỉ huy dàn nhạc. Không chỉ dẫn dắt dàn nhạc, các nhạc trưởng còn liên tục làm khán phòng sôi động hơn khi kết nối, dẫn dắt khán giả “hòa nhịp” cùng dàn nhạc ở những đoạn cao trào, hay những đoạn trầm lắng bằng những tràng vỗ tay theo nhịp.
Nhiều khán giả đã có ấn tượng mạnh mẽ về màn trình diễn của các nghệ sĩ ASEAN. Chị Lê Thúy Quỳnh, một phụ huynh có con đang theo học đàn nguyệt tại một trường âm nhạc tại Hà Nội cho biết, đây là lần đầu tiên chị đi xem một buổi hòa nhạc truyền thống lại đầy sôi động, rộn rã như thế này. “Các nghệ sĩ dẫn dắt khán giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Không ai nghĩ âm nhạc dân tộc lại có thể hấp dẫn và hứng khởi đến thế. Bầu không khí của buổi diễn sôi động không kém một show diễn nhạc trẻ. Chúng tôi cảm thấy tự hào và yên tâm hơn khi cho con theo học âm nhạc truyền thống” – chị Quỳnh chia sẻ.
Trong lời phát biểu khai mạc, bên cạnh nêu bật những thông điệp về tình hữu nghị, sự đoàn kết giữa các nước, điều vô cùng có ý nghĩa trong giai đoạn này, PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam còn nhấn mạnh: “Buổi hòa nhạc cũng mong muốn thể hiện sự trân trọng đối với âm nhạc truyền thống nói chung. Đề cao, giới thiệu và gìn giữ âm nhạc truyền thống là một việc làm hết sức cần thiết, bảo đảm rằng những thế hệ sau tiếp tục có cơ hội thưởng thức nét đẹp này”.
Đó cũng là điều mà đêm nhạc “Tình hữu nghị xuyên biên giới” mang lại, khi cho khán giả thấy được vẻ đẹp rực rỡ của âm nhạc truyền thống, vượt qua mọi biên giới và mọi ngôn ngữ.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bua-tiec-am-nhac-truyen-thong-asean-day-mau-sac-post777829.html