'Bữa tiệc' thân tình kết thúc, Đông Âu ngày càng lạnh nhạt với Trung Quốc
Chiến lược 'tấn công quyến rũ' của Trung Quốc có thể sẽ không còn hiệu quả ở Trung và Đông Âu khi khu vực này ngày càng tách mình khỏi quan hệ với Bắc Kinh.
“Bữa tiệc thân tình” kết thúc
Giữa lúc sự hào hứng với Trung Quốc đã ngày càng nguội lạnh ở khu vực Trung và Đông Âu, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì đã gặp Tổng thống Slovenia khi ông thăm nước này hôm 26/5. Hai bên kêu gọi mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu, cũng như những cuộc đối thoại thường xuyên giữa Brussels và Bắc Kinh. Ông Dương Khiết Trì sau đó tới Croatia để trao đổi với Thủ tướng Andrej Plenkovic.
Cũng trong ngày 26/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã điện đàm với người đồng cấp Montenegro Milo Djukanovic. Ông Tập Cận Bình đề xuất Trung Quốc sẽ cung cấp "nhiều sự hỗ trợ nhất có thể" để giúp Montenegro đối phó với đại dịch Covid-19, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh cho hay.
Chiến lược "tấn công quyến rũ" của Trung Quốc là một phần trong nỗ lực giành lại ảnh hưởng ở một số khu vực từng có mối quan hệ thân thiết với nước này trong lúc những rạn nứt giữa Bắc Kinh và Brussels ngày càng lớn. Tuần trước, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu đóng băng việc thông qua thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc.
Với việc Slovenia trở thành Chủ tịch EU vào tháng 7, chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì được cho là nỗ lực nhằm lôi kéo nước này về phía Bắc Kinh để thúc đẩy thỏa thuận trên một lần nữa.
Tuy nhiên, quan hệ hai nước đang có không ít căng thẳng. Tháng 8/2020, Slovenia đã ký một tuyên bố về an ninh không dây thế hệ thứ 5 mà theo đó, ngăn chặn tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc tiếp cận mạng lưới 5G của nước này. Slovenia cũng loại các công ty Trung Quốc khỏi việc đấu thầu một dự án đường sắt, truyền thông địa phương cho hay.
Các nước Trung và Đông Âu khác cũng ngày càng tách mình khỏi quan hệ với Trung Quốc. Tuần trước, Latvia tuyên bố sẽ rút khỏi khung hợp tác kinh tế 17+1 của Trung Quốc với các nước trong khu vực.
"Sẽ không còn 17+1 nữa, bởi vì những lợi ích thực tế nên Latvia sẽ rời khỏi khung hợp tác này", Ngoại trưởng Gabrielius Landsbergis cho hay.
Ngày càng lạnh nhạt với Trung Quốc
Việc thiếu tiến triển trong những khoản đầu tư hứa hẹn của Trung Quốc ở các quốc gia cũng góp phần vào tâm lý bất mãn của châu Âu hiện nay. Tổng Công ty Điện hạt nhân của Trung Quốc đã nhất trí đầu tư và mở rộng một nhà máy hạt nhân ở Romania nhưng sau khi kế hoạch này ngưng trệ một vài năm, Romania đã hủy bỏ thỏa thuận vào năm 2020 và tiến hành một thỏa thuận thay thế khác với Mỹ.
Dữ liệu từ Viện Doanh nghiệp Mỹ đã cho thấy mức độ đầu tư khác nhau của Trung Quốc vào các quốc gia trong khu vực. Các khoản đầu tư và xây dựng của Trung Quốc từ năm 2012 - 2020 ở Latvia là 110 triệu USD, ở Cộng hòa Séc là 860 triệu USD trong khi con số này ở Hungary là 3,6 tỷ USD.
Các nước Trung và Đông Âu cũng lên tiếng quan ngại về những vấn đề ở Trung Quốc như Hong Kong và Tân Cương, đồng thời ngày càng dịch chuyển quan hệ về phía Mỹ. Tổng thống Joe Biden trong tháng này sẽ tham dự một cuộc họp trù bị cho Hội nghị Thượng đỉnh NATO sắp tới. 9 nước Trung và Đông Âu tổ chức cuộc họp đều bày tỏ kỳ vọng cao vào khả năng quân sự của Mỹ.
Trước đó, Trung Quốc hy vọng các nước không phải thành viên EU như Hungary sẽ cởi mở hơn với những động thái của Bắc Kinh. Khu vực này cũng là một liên kết chiến lược với phần còn lại của châu Âu, đồng thời là nhân tố tham gia chủ chốt trong sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình hiện đối mặt với sức ép ngày càng gia tăng nhằm tái đánh giá về chiến lược của Trung Quốc với khu vực này song chưa rõ liệu Bắc Kinh có đảo ngược được xu hướng quan hệ căng thẳng hiện nay hay không.
"Các nước Trung và Đông Âu sẽ tiếp tục xa cách với Trung Quốc. Cơ chế 17+1 đang ở thời điểm bước ngoặt", Atsuko Higashino - giáo sư tại Đại học Tsukuba của Nhật Bản, đồng thời là một chuyên gia về khu vực nhận định./.