Bữa tiệc tiết lộ giới tính tai hại ở Mỹ
Sau hàng loạt sự cố phát sinh từ các bữa tiệc tiết lộ giới tính thai nhi, các bậc cha mẹ Mỹ buộc phải nhìn nhận lại tính thực tiễn của hoạt động này.
Ngày 5/9 qua, một thiết bị pháo hoa tạo khói tại bữa tiệc tiết lộ giới tính thai nhi đã gây ra vụ cháy rừng nghiêm trọng ở bang California (Mỹ), khiến 2.800 hecta đất bị thiêu trụi và 3.000 cư dân phải sơ tán.
Sự việc trên đang trở thành tâm điểm trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, dấy lên làn sóng chỉ trích trào lưu tổ chức tiệc mừng giới tính con cái của các bậc phụ huynh Mỹ.
Những bữa tiệc tai hại
Tại một số quốc gia, đặc biệt là Mỹ, những bữa tiệc tiết lộ giới tính là cách để các ông bố, bà mẹ tương lai biết được đứa trẻ sắp chào đời của họ là con gái hay con trai. Dù mới xuất hiện cách đây 12 năm, xu hướng này nhanh chóng trở nên phổ biến nhờ sự phát triển của mạng xã hội.
Năm 2008, Jenna Karvunidis - chủ nhân của trang blog High Gloss and Sauce - trở thành người đầu tiên đưa ra ý tưởng tổ chức tiệc tiết lộ giới tính cho đứa con đầu lòng. Sự kiện này nhanh chóng trở thành "cơn sốt" trong cộng đồng các bà mẹ nổi tiếng và dần trở thành trào lưu như ngày nay.
Chỉ cần gõ từ khóa "gender-reveal party", người dùng mạng xã hội dễ dàng tìm thấy hàng trăm nghìn tài khoản, bài đăng về những bữa tiệc tiết lộ giới tính linh đình, được trang trí theo nhiều chủ đề độc đáo với 2 màu chủ đạo là xanh - tượng trưng cho bé trai và hồng - đại diện cho bé gái.
Phần lớn những bức hình, đoạn clip trên mạng đều ghi lại khoảnh khắc bất ngờ và xúc động của các cặp vợ chồng cùng gia đình, người thân khi biết giới tính của đứa trẻ sắp chào đời. Nhiều bài đăng còn khiến người xem thích thú vì phản ứng hờn dỗi, thậm chí là òa khóc của những ông anh, bà chị tương lai.
Tuy nhiên vài năm gần đây, không ít bậc phụ huynh cho rằng các bữa tiệc tiết lộ giới tính đang dần lỗi thời và có hại nhiều hơn lợi. Ngay đến Jenna Karvunidis, người dẫn đầu phong trào tiết lộ giới tính, cũng cho rằng đã đến lúc nhìn nhận lại hoạt động này.
Tháng 10/2019, một phụ nữ ở Iowa (Mỹ) thiệt mạng do thiết bị thả bột màu được sử dụng trong tiệc tiết lộ giới tính phát nổ. Không lâu sau, một vụ tai nạn máy bay xảy ra ở Texas sau khi đổ 1.300 lít chất lỏng màu hồng để báo hiệu sự ra đời của một bé gái.
"Tiết lộ giới tính bằng cách đổ một thùng đầy dầu màu hồng lên cánh đồng ư? Thú vị đấy!", một người dùng Twitter chế giễu.
Mới đây, vụ cháy kinh hoàng ở bang California đã trở thành sự cố tiếp theo của những bữa tiệc này. Tính chất nghiêm trọng của vụ hỏa hoạn đã dấy lên làn sóng chỉ trích hoạt động tổ chức tiệc tiết lộ giới tính, đặc biệt trong bối cảnh nước Mỹ đang đối đầu với đại dịch Covid-19 và nạn cháy rừng do biến đổi khí hậu.
Nhiều bậc cha mẹ Mỹ chia sẻ, trong khi tình hình dịch bệnh tại nước này chưa có dấu hiệu giảm, việc mời gia đình, bạn bè tụ tập để ăn mừng là một hành động ích kỷ và thiếu khôn ngoan.
Ngoài ra, không ít ý kiến cho rằng những bữa tiệc tiết lộ giới tính ngày nay chỉ mang tính chất hình thức. Thay vì để tâm đến đứa trẻ, các bậc cha mẹ hiện đại chỉ tập trung tổ chức một buổi tiệc thật hoành tráng, xứng tầm để phục vụ mục đích "sống ảo".
Còn theo Jenna, trào lưu do chính cô khởi xướng đã trở nên lỗi thời, khiên cưỡng. Từ kinh nghiệm nuôi dạy con cái của mình, cô cho rằng việc sử dụng 2 màu xanh, hồng để đại diện cho 2 giới tính nam, nữ không còn phù hợp với ngày nay - thời đại tôn vinh sự đa dạng giới.
Không đơn thuần là "tiết lộ giới tính"
Lý giải cho trào lưu này, nhà báo Alia Wong cho rằng người Mỹ hiện đại có xu hướng "cường điệu hóa" các dịp kỷ niệm, dù lớn hay nhỏ.
"Những người Mỹ ở độ tuổi 20-30 có xu hướng ăn mừng những dấu mốc quan trọng trong đời, từ việc nhỏ đến việc lớn như sinh nhật, đám cưới, thôi nôi...", Wong chia sẻ trên tạp chí The Atlantic vào năm 2018.
Như một lẽ thường tình, mọi người Mỹ khi bước vào tuổi trưởng thành đều sẽ có một "danh sách" những bữa tiệc cần được tổ chức.
"Chúng tôi luôn có một danh sách. Sau khi đính hôn, bạn phải tính toán tổ chức tiệc độc thân, lễ cưới và tiệc tối. Còn với chuyện con cái, bạn phải chuẩn bị tiệc tiết lộ giới tính, tiệc thôi nôi, lễ rửa tội...", Carlos Zavala (25 tuổi) - một nhân viên truyền thông từng tổ chức hoạt động công khai giới tính em bé cho bạn mình - chia sẻ.
Sự kỳ vọng của xã hội đã biến những buổi lễ ý nghĩa như đám cưới, tiệc tiết lộ giới tính... trở thành một cuộc so tài, nơi các cặp đôi và gia đình cạnh tranh xem ai là người có bữa tiệc ấn tượng nhất, hoành tráng nhất.
Tuy nhiên, với không ít người sắp làm cha mẹ, những dấu mốc kỷ niệm nhỏ bé này lại có ý nghĩa vô cùng lớn lao với họ.
Hiện nay, ngày càng nhiều cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc mang thai, phải tìm đến sự giúp đỡ của công nghệ hiện đại như I.V.F hay thụ tinh nhân tạo. Gánh nặng về tài chính cũng là một lý do khiến các gia đình trì hoãn việc có con.
Vì vậy, họ cho rằng sự ra đời của một đứa trẻ có ý nghĩa hơn bao giờ hết, xứng đáng để chúc mừng.
Câu chuyện của Ashley Csapo (28 tuổi), người sắp trở thành mẹ của một cặp sinh ba ở Rochester (New York, Mỹ) chính là ví dụ cho trường hợp trên. Cuối tuần trước, vợ chồng cô đã tổ chức một buổi tiệc nhỏ ở ngoài trời để ăn mừng sự xuất hiện của ba thiên thần nhỏ.
"Chúng tôi phải nhờ đến phương pháp thụ tinh nhân tạo để có con. Do đó, đây không chỉ là bữa tiệc tiết lộ giới tính của ba đứa trẻ sắp chào đời mà còn đánh dấu nỗ lực của vợ chồng tôi. Vì không tiếp tục sinh con nên đây sẽ là dịp kỷ niệm duy nhất và chúng tôi sẽ làm hết sức để bữa tiệc được hoàn hảo", cô chia sẻ.
Với những trường hợp khác, một bữa tiệc mừng giới tính thai nhi cũng là dịp để người thân, bạn bè hội ngộ, chia vui sẻ buồn, đặc biệt là sau một năm khắc nghiệt như 2020.
Anne Helen Petersen, tác giả cuốn sách "Can't Even: How Millennials Became the Burnout Generation", cho rằng việc tổ chức tiệc thông báo giới tính trong thời điểm này được coi như một hành động "tìm lại nhịp sống bình thường trước kia".
"Trong đại dịch, mọi người đều cảm thấy hụt hẫng khi không thể sinh hoạt như trước. Họ nghĩ rằng: 'Tệ thật. Tôi không thể tham gia lớp yoga cho bà bầu, không có những trải nghiệm mang thai như bình thường nhưng ít nhất vẫn có thể tổ chức một bữa tiệc ra trò'", cô nói.
Dù vẫn tổ chức tiệc, phần lớn người dân chỉ ăn mừng với quy mô nhỏ theo yêu cầu giãn cách xã hội của chính phủ Mỹ. Với họ, hoạt động tiết lộ giới tính thai nhi nay chỉ đơn thuần là một dịp họp mặt giữa những người thân trong gia đình.
"Những bữa tiệc này chỉ là một lý do để mọi người gặp gỡ. Thay vì tụ tập đông người, tôi nghĩ có rất nhiều cách hay để vừa tổ chức tiệc tiết lộ giới tính thai nhi, vừa đảm bảo giãn cách xã hội trong mùa dịch này", Erin McGlasson (32 tuổi) - người sáng lập công ty tổ chức sự kiện Erin Elizabeth Custom Events tại Houston (Mỹ) - chia sẻ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bua-tiec-tiet-lo-gioi-tinh-tai-hai-o-my-post1130352.html