Bức ảnh chứng minh đàn kiến có thể thông minh hơn cả con người
Một thí nghiệm cho thấy côn trùng hợp tác hiệu quả hơn con người trong điều kiện bình đẳng.
Có hai loài có khả năng vận chuyển một vật thể lớn đến mức chỉ có thể di chuyển được bằng cách hợp tác: con người và kiến. Và không phải mọi loài trong họ kiến đều có khả năng làm được điều này. Chỉ có 1% có thể làm việc theo nhóm để di chuyển một vật thể hình chữ T qua hai ô cửa hẹp đặt gần nhau.
Thí nghiệm này là tiêu chuẩn của khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo, nhưng một nhóm các nhà côn trùng học đã sử dụng nó để so sánh khả năng nhận thức của côn trùng và con người, cả dưới hình thức cá nhân và theo nhóm. Trong điều kiện bình đẳng, kiến thể hiện tốt hơn chúng ta về trí tuệ tập thể.
Con người gặp khó khăn trong các nhóm lớn
Kiến điên sừng dài (Paratrechina longicornis) nằm trong số 1% họ kiến có thể sử dụng sức mạnh và cơ thể của mình để giải loại câu đố này. Chúng có tên như vậy vì những chuyển động thất thường, có vẻ điên rồ, hiếm khi di chuyển theo đường thẳng.
Nhưng từ những chuyển động hoang dã đó xuất hiện một trí thông minh tập thể đặc biệt. Giống như khi ở cấp độ cá thể, lúc ở trong nhóm, kiến sẽ cảm nhận, tích hợp và phản ứng với môi trường xung quanh.
Phòng thí nghiệm của Ofer Feinerman tại Viện Khoa học Weizmann ở Israel đã nghiên cứu chúng trong nhiều năm. Gần đây, các nhà nghiên cứu đã thiết kế một thí nghiệm đầy thử thách cho các loài côn trùng, trong đó chúng phải đưa một miếng gỗ hình chữ T ra khỏi phòng, qua một cánh cửa nhỏ dẫn đến một căn phòng thứ hai hẹp hơn, sau đó là một cánh cửa thậm chí còn nhỏ hơn nữa, cuối cùng kết thúc ở một căn phòng thứ ba theo hướng tổ của chúng.
Để biết côn trùng hay con người có thể hoàn thành nhiệm vụ nhanh hơn, nhóm đã tạo ra 5 chữ T có kích thước khác nhau và xây dựng một phiên bản có kích thước bằng con người cùng một chuỗi cửa phòng. Họ đã tiến hành một loạt thử nghiệm với từng con kiến và người (sử dụng chữ T nhỏ hơn), sau đó là các nhóm từ 6-9 cá thể, rồi các nhóm lớn lên tới 25 người và 80 con kiến.
Kết quả của nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, chứng minh trí thông minh tập thể của loài kiến phát huy tác dụng, ngược lại con người ở trong các nhóm lớn gặp khó khăn khi đưa ra quyết định. Rõ ràng là việc có nhiều cá thể tham gia hơn cho phép một nhóm mang nhiều chữ T nặng ký hơn. Nhưng dự án cũng cho thấy tổng trí thông minh của các cá thể không bằng trí thông minh của cả nhóm.
Những bộ não phức tạp cần sự giao tiếp
Những loài côn trùng cố gắng thoát khỏi những chữ T nhỏ đã thất bại nhiều lần hơn so với khi nhiều con tụ lại với nhau, và các nhóm lớn thậm chí còn có tỷ lệ thành công cao hơn, nhờ vào một loại trí nhớ mới nổi.
"Một con kiến tự mang vật nặng không nhớ cách di chuyển của mình trong thời gian dài: nó liên tục thay đổi, đặc biệt là khi va vào tường", Feinerman, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết trong một email. "Nhưng nhóm kiến có thể nhớ hướng mà chúng đã đi đến cách đây vài giây và vẫn tiếp tục đi theo hướng đó, ngay cả khi một cạnh của vật nặng mà chúng đang mang va vào tường", nhà côn trùng học nói thêm.
Điều này phù hợp với cái mà các nhà khoa học gọi là trí thông minh mới nổi, "một trí nhớ mà nhóm kiến có, nhưng từng con kiến thì không". Khả năng của những con kiến điên có thể có cơ sở tiến hóa. "Đây là một loài kiến có xu hướng bỏ cuộc khi có xung đột nhỏ nhất. Trong bối cảnh này, điều này có nghĩa là, nếu một đàn kiến khác ở gần cũng đến tìm thức ăn, chúng sẽ đuổi những con kiến điên đi", Feinerman giải thích.
Cơ hội duy nhất để những con kiến điên có được thức ăn là hợp tác để đưa thức ăn về tổ của chúng càng nhanh càng tốt. "Do đó, chúng trở thành những công cụ giải quyết vấn đề tuyệt vời khi vận chuyển những khối lượng lớn trong môi trường phức tạp", nhà khoa học người Israel cho biết.
Sự so sánh giữa những loài kiến đặc biệt này và con người dẫn đến nhiều kết quả khác nhau. Ở cấp độ cá nhân, kiến chắc chắn bị đánh bại bởi con người. Trong các nhóm, cả nhóm nhỏ và nhóm lớn, loài người hiệu quả hơn loài kiến trong việc di chuyển chữ T.
Nhưng có một biến thể của thí nghiệm mà trong đó kiến đánh bại con người: trong thử nghiệm nhóm lớn, tất cả không được phép nói hoặc ra hiệu. Để đảm bảo công bằng, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu những người tham gia đeo mặt nạ và kính râm rất tối để cố gắng cân bằng khả năng giao tiếp của hai loài.
Các cạnh của chữ T mà con người mang theo được trang bị cảm biến lực để đo cường độ và hướng chuyển động của những người tham gia. Đây là cách duy nhất để họ có thể truyền đạt ý định của mình. Kết quả là, trong phần lớn nỗ lực của các nhóm, loài kiến tỏ ra hiệu quả hơn.
Thí nghiệm đã dẫn đến sự hiểu biết tốt hơn về khả năng nhận thức của loài kiến và con người. Trong phần kết luận của mình, các tác giả chia sẻ hai phát hiện chính: "Kết quả của chúng tôi minh họa cách những bộ óc đơn giản có thể dễ dàng tận dụng khả năng mở rộng, trong khi những bộ não phức tạp hơn cần sự giao tiếp rộng rãi để hợp tác hiệu quả".